21/12/2009 - 09:06

Hà Lan tiếp tay Mỹ bao vây Venezuela?

Phát biểu trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo cánh tả bên lề hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch) hôm 17-12, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cáo buộc Hà Lan đã cho phép Mỹ sử dụng 3 đảo Aruba, Curacao và Bonaire (ảnh) nằm trong vùng biển Caribbe, để chuẩn bị tấn công quân sự Venezuela.

Theo ông Chavez, quân đội Mỹ đã đưa nhân viên tình báo, tàu chiến và máy bay do thám tới 3 đảo tự trị nói trên của Hà Lan, chỉ cách bờ biển Venezuela khoảng từ 30 – 90 km về phía Bắc. Ông Chavez cho rằng đó là một phần trong kế hoạch của Washington nhằm làm suy yếu các chính quyền cánh tả ở Mỹ La-tinh và Caribbe, trong đó có Ecuador, Nicaragua, Bolivia và Cuba. Không cung cấp chứng cứ về cáo buộc trên, nhưng ông Chavez chỉ trích Hà Lan và yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) phải lên tiếng về vấn đề này. Đây được coi là phản ứng mạnh mẽ nhất của ông Chavez nhằm trực tiếp vào Hà Lan. 3 năm trước, ông Chavez cũng đã có xích mích với chính quyền Hà Lan khi gọi Bộ trưởng Quốc phòng Henk Kamp là “con tốt của Washington” sau khi ông này nói xấu nhà lãnh đạo Venezuela là “bạo chúa có kế hoạch tấn công các nước láng giềng”.

Gần đây, quan hệ giữa Venezuela với nước láng giềng Colombia cũng trở nên căng thẳng, sau sự kiện Washington ký thỏa thuận với Bogota thuê 7 căn cứ quân sự trong 10 năm để tăng cường hiện diện ở Nam Mỹ. Ông Chavez cho rằng với việc quân đội Mỹ đang đồn trú tại các sân bay ở Aruba và Curacao, Venezuela đang bị Mỹ bao vây. Quân đội Mỹ đã có mặt tại Curacao và Aruba từ ngày 1-5-1999, với khoảng 250 nhân viên Không lực và đội ngũ liên quan trong các hoạt động chống ma túy và do thám khắp Caribbe.

Quần đảo Antilles của Hà Lan ở Caribbe gồm có Bonaire, Curacao, Saba, Sint Eustatius và Sint Maarten. Nhà Trắng cho rằng mục đích của Mỹ đặt căn cứ tại đây là vì các căn cứ này gần các trung tâm sản xuất ma túy ở Nam Mỹ và các tuyến đường buôn lậu trên biển Caribbe. Mặt khác, Hà Lan và Mỹ còn là hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Lâu nay, Mỹ vẫn thường xuyên tập trận hải quân ở khu vực này, dẫn tới những cuộc khẩu chiến với Venezuela. Cuộc diễn tập quân sự lớn nhất của Mỹ ở Caribbe mang tên “Đối tác hoạt động của châu Mỹ” diễn ra trong 2 tháng 4 và 5 năm 2006, với 6.500 binh sĩ, 3 tàu chiến và máy bay được triển khai tới khu vực.

Tổng thống Chavez cũng tỏ thái độ bất bình khi đề cập tới việc Mỹ tái khởi động Hạm đội 4 Hải quân hồi năm ngoái, sau gần 58 năm ngưng hoạt động. Hạm đội 4 thực hiện nhiệm vụ tuần tra duyên hải Mỹ La-tinh. Do đó, với vị trí địa lý của các đảo Hà Lan gần duyên hải Venezuela, những hoạt động của Mỹ ở khu vực này khiến Caracas lo ngại, có lẽ là điều hiển nhiên.

N. MINH
(Theo AP, Reuters, BBC)

N. MINH (Theo AP, Reuters, BBC)

Chia sẻ bài viết