19/02/2020 - 15:22

Góc nhìn từ giá rẻ 

Nhu cầu bổ sung vitamin C tăng sức đề kháng phòng chống dịch bệnh viêm phối cấp do biến chủng virus corona khiến giá cam, chanh tăng mạnh... 

Giá rẻ cũng không mua

Các siêu thị như Saigon Co.op, Big C, Lottemart  khá nhạy bén trước nhu cầu này, tăng cường các mặt hàng như cam, chanh, tắc, khóm, chanh dây và các mặt hàng chế biến sẵn như chanh đào mật ong, nước chanh sả trên quày kệ. Tại thành phố Hồ Chí Minh, giá cam sành bắt trớn tăng từ 20.000 đồng/kg lên 45.000 đồng/kg. Kéo theo giá cam tại vườn ở Tiền Giang cũng tăng từ  10.000 đồng/kg lên 20.000 – 25.000 đồng/kg.

Làm hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Bích

Nhiều loại hàng rau quả của Việt Nam như thanh long, dưa hấu, mít, chuối,… không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, buộc phải tiêu dùng nội địa , rớt giá thê thảm.Vẫn chưa ai trả lời một cách tường tận vì sao giá nhiều loại nông sản giảm tới mức rẻ hơn bèo vẫn không có người mua. Câu trả lời đơn giản nhất đối với những người vào siêu thị mua hàng, giá cao hơn, chỉ vì ở đây có thể truy xuất nguồn gốc. Chẳng may có chuyện gì thì có người chịu trách nhiệm.

Đợt thu hoạch thanh long ruột đỏ chính vụ tại tỉnh Long An và Tiền Giang từ nay tới đầu tháng 3/2020 khoảng 80.000 tấn. Hầu hết các loại trái cây này đều xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến. Doanh nghiệp Hồng Thái Dương, Trung Quốc, từng nhập khẩu từ 30-40% lượng thanh long của tỉnh Long An đã lập tức hủy đơn hàng 300 container, tương đương 6.000 tấn. Thông thường các cơ quan chức năng kêu gọi các doanh nghiệp tìm cách thay đổi phương thức giao hàng, tăng khả năng dự trữ, bảo quản và mở rộng thị trường. Tại tỉnh Long An, toàn tỉnh có 154 cơ sở có 15 cơ sở có bán trực tiếp thanh long sang Trung Quốc; còn lại gia công, chế biến cho các kho của người Trung Quốc và 100 cơ sở có kho lạnh, nhưng sức chứa trung bình 50 tấn/kho, tương đương 7.000 - 8.000 tấn.

Trong khi đó, cuộc thăm dò và khuyến cáo từ Tổng Cục Hải Quan cho thấy: Khi dịch bệnh kết thúc người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng sản phẩm đồ hộp, đồ đông lạnh hơn là đồ tươi sống, do đó doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến, chuẩn bị sẵn hàng trong chu kỳ 3 – 5 tháng tới, dự báo thị trường Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Đó là cách phòng thủ của người tiêu dùng khi mua sản phẩm chế biến, có nguồn gốc xuất xứ và có người chịu trách nhiệm.

Tiêu dùng theo công năng

Khi Trung Quốc đóng cửa 9 cặp chợ biên giới và các cửa khẩu chung biên giới với tỉnh Lạng Sơn, thanh long ruột đỏ, dưa hấu, chuối, mít, chôm chôm bị ùn ứ thì các siêu thị và người tiêu dùng tinh tế có cách nhìn khác.

Life Hack cổ vũ cho cách nhìn này khi khẳng định rằng thanh long chứa vitamin C, B1, B2 và B3, và khoáng chất thiết yếu bao gồm phốt pho, sắt và canxi. Mỗi trái thanh long chứa khoảng 60 đơn vị calo, 60 mg natri, 8 g đường, 2 g chất béo không bão hòa và 2 g protein.

Trong 100 g thanh long cung cấp 21 mg vitamin C, tương đương 34% lượng vitamin C cần thiết mỗi ngày và cung cấp 3 g chất xơ, tương đương 12% lượng chất xơ cần thiết hàng ngày, giúp cải thiện sức khỏe bằng cách giảm mức cholesterol xấu và bổ sung thêm cholesterol tốt, giàu chất béo không bão hòa đơn giúp trái tim trong tình trạng tốt nhất.

Dưa hấu cũng chứa một số vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể con người như vitamin A, C và các khoáng chất cần thiết như kali. Thông thường, nhu cầu trung bình của một người khoảng 2000 calories/1 ngày, có thể cao hoặc thấp hơn tùy thuộc vào lượng calories cần cho thể trạng. Tuy dưa hấu cung cấp một lượng vừa phải năng lượng, nhưng phần lớn lượng calo của dưa hấu xuất phát từ hàm lượng đường fructose – một loại đường trái cây tự nhiên- cung cấp vị ngọt [ do nhà hóa học người Pháp Augustin-Pierre Dubrunfaut phát hiện vào năm 1847  và nhà hóa học người Anh William Miller đặt tên vào năm 1857)]. Ngày nay là một trong ba monosacarit dùng cho ăn kiêng cùng với glucose và galactose, fructose. 

Tuy chứa ít chất xơ, nhưng riêng chất hydrocarbon trong dưa hấu cũng giúp thúc đẩy sự vận hành của hệ thống tiêu hóa. Cứ 100g dưa hấu sẽ cung cấp khoảng 7,5g hydrocarbon, 0,4g chất xơ cho cơ thể. Dưa hấu còn là một trong những loại thực phẩm giàu chất lycopene nhất, hợp chất dinh dưỡng làm cho ruột dưa hấu có màu hồng đỏ. Theo Đại học Bang Florida, Hoa kỳ,  lycopene hoạt động như một chất chống oxy hóa trong cơ thể. Khi chế độ ăn giàu chất lycopene có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư da, ung thư cổ tử cung, phổi và bàng quang.

Và, thực tế cũng chỉ ra rằng, khi lạm dụng hóa chất để đạt năng suất tối đa, sản lượng nhiều, lấy sản lượng bù đơn giá thấp…trái cây không giữ được giá trị do tạo hóa ban cho.

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi

Dù đã biết nhưng vẫn phải nói về chất lượng và sự “yểu mệnh” được biểu hiện trong nông sản lạm dụng hoá chất (trái chín mau hư, nhạt phèo)…Ngược lại, rõ ràng sản phẩm trồng theo hướng an toàn, hữu cơ luôn giữ được lâu hơn, an toàn sức khỏe hơn, hương vị thơm ngon hơn.

“ Nếu không phải là nông nghiệp sạch, nông nghiệp vất vả mà lại là nông nghiệp nhàn rỗi, nông nghiệp dùng thuốc trừ cỏ chứ không dùng tay nhổ cỏ, nông nghiệp dùng hóa chất kích thích chứ không phải để cây tự lớn nhờ nắng nhờ gió thì đó lại là điều đáng sợ nhất! Theo Dalat Foodie.

Thay vì sử dụng “vi sinh vật” và bản năng thanh toán “kẻ thù tự nhiên” của thiên địch để kiểm soát bệnh và sâu bệnh, một nền sản xuất nghiện hóa chất đã từng “ trị vì” tới mức phát sợ.

Theo GSTS Võ Tòng Xuân,  trong tổng giá trị nhập khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2013 là 18,84 tỷ USD, nhập khẩu vật tư nông nghiệp tiêu tốn tới 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với năm 2012. Nếu năm 2005 Việt Nam nhập 20.000 tấn thuốc BVTV thì năm 2012 lên tới 55.000 tấn, tiêu tốn 704 triệu USD; năm 2013 tiếp tục lên tới 778 triệu USD, tăng 11,2% so với năm 2012... Việt Nam đã phải nhập gần như 100% thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, trong đó khoảng 90% nhập từ Trung Quốc ( báo Tia Sáng (21/4/2014) trích từ nguồn thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Năm 2016, Việt Nam  nhập khẩu 736 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tương đương 100.000 tấn để sử dụng trong nước, một phần chế biến tái xuất khẩu. Năm 2017, với trên 200 doanh nghiệp thuốc BVTV, gần 100 nhà máy chế biến thuốc và hệ thống phân phối trên 30.000 đại lý thuốc BVTV, chỉ trong ba tháng đầu năm Việt Nam đã chi hơn 4.000 tỉ đồng để nhập khẩu các loại hóa chất BVTV, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó nguồn nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc  trên 50% tổng nhập khẩu, theo Bộ NN&PTNT ( nguồn TTO 21/4/2017). Năm 2019, Bộ NNPTNT loại bỏ thuốc BVTV có chưa hoạt chất CHLORPYRIFOS ETHYL VÀ FIPRONIL ra khỏi danh mục được phép sử dụng thì mọi việc cũng không đơn giản khi có tới 228 loại thuốc thương phẩm có chứa hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl và 152 loại thuốc thương phẩm có chứa hoạt chất Fipronil (trong đó có 10 loại thuốc thương phẩm có chứa cả hai hoạt chất nói trên). Tuy vậy, tới nay, trên mạng vẫn đầy thông tin “ đặc điểm ưu việt” của hoạt chất này.

Chưa kể lượng thuốc giả, không có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc tràn sang theo đường tiểu ngạch. Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang…từng phát hiện, xử lý những cơ sở làm thuốc BVTV giả, dõm. Nhưng điều đáng nói ở đây là, hàng giả là nỗi ám ảnh tới mức nông dân không tin vào những nhãn hàng đã quen. Nhiều người đã mua và tư pha chế từ nhiều loại thuốc để “ biệt dược tự chế ” có sức hủy diệt mà quên rằng nạn nhân đầu tiên là chính mình.

Vấn đề là chúng ta biết rồi, nhưng không hành động hiệu quả? Trái cây đổ đống và những tấm bảng giảm giá gợi sự thương cảm đã từng thúc giục cho những cuộc giải cứu, nhưng phải nói với nhau rằng tổ chức sản xuất và tiêu thụ đàng hoàng, tươm tất và tử tế với nhau hơn mới là cách làm bền vững, chắc ăn hơn khơi gợi lòng thương hại.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng xưa nay nhiều người nói " nhờ" thị trường Trung Quốc ( vì sự dễ tính) thì  từ 1/5/2019, Trung Quốc công bố quy định hàng nhập vào nước này: Dưa hấu phải dùng xốp lưới, không được có lẫn rơm; mít dùng giấy dai Kraft, bao bì có in thông tin truy xuất; chuối dùng thùng giấy, túi nhựa để bọc trái đều phải in đủ dữ liệu truy xuất nguồn gốc….Quốc gia nào cũng cần sự chuẩn mực vậy bao nhiêu người chuyển đổi để nếu có dịch hay không có dịch, nếu Trung Quốc đóng cửa hay he hé ...thì chúng ta vẫn có thể tiếp cận thị trường khác? Chẳng lẻ chỉ có Trung Quốc mới biết giá trị của thanh long, dưa hấu, phần còn lại của thế giới chẳng biết gì?

CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết