16/10/2017 - 21:11

Gỡ “nút thắt” để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế
Bài cuối: Tiếp sức cho chặng cuối lộ trình 

Trong quá trình triển khai lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, nhiều vướng mắc đã được các bộ, ngành, các địa phương và các chuyên gia chỉ rõ. Nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo tính bền vững của lộ trình, đòi hỏi chính sách BHYT phải được hoàn thiện, hợp lý hơn.

Hoàn thiện cơ chế chính sách

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chính sách BHYT chưa hoàn chỉnh, những vướng mắc đó xảy ra trong quá trình cải cách thủ tục hành chính của ngành. BHXH Việt Nam đang xây dựng mạng dữ liệu điện tử, hệ thống cấp mã định danh cho người dân. Đây là một trong những giải pháp cải cách thủ tục hành chính, thể hiện ngay trên thẻ không còn thời hạn sử dụng. “Với một số lỗi của mạng dữ liệu cũng như tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo rất quyết liệt và đến nay đã khắc phục cơ bản. Trong các trường hợp xảy ra lỗi, chúng tôi thống nhất phối hợp với ngành y tế, lấy quyền lợi của người bệnh làm đầu, bằng mọi cách đảm bảo quyền lợi của người bệnh có BHYT”- ông Sơn khẳng định.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu (đứng giữa) nhận 150 triệu đồng mua BHYT cho nông dân thành phố, do các đơn vị trao tặng.

Ông Sơn cho biết thêm, sắp tới, BHXH sẽ tổ chức hai hội nghị đối thoại chính sách giữa ngành BHXH và ngành y tế để giải quyết những vấn đề nổi cộm hiện nay. Đó là những bất cập liên quan đến thủ tục khám chữa bệnh (KCB), quyền lợi cho các cơ sở KCB, nhân viên y tế cũng như người dân. Song song đó, tìm giải pháp phối hợp hiệu quả giữa cơ sở y tế và BHXH, đặc biệt là các địa phương, nơi trực tiếp tiếp xúc, đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho người dân. Với những nỗ lực này, quý IV-2017, tin rằng công tác BHYT cả nước nói chung, TP Cần Thơ nói riêng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn.

Với băn khoăn của các đơn vị y tế thuộc hệ thống y tế công lập của TP Cần Thơ về quy định số lượt bệnh nhân/bàn khám, ông Phạm Lương Sơn cho rằng, thực tế ở các địa phương gặp khó khăn về nguồn nhân lực, cần tìm các giải pháp khắc phục. Có thể làm thêm giờ, luân phiên bác sĩ từ tuyến trên xuống tuyến dưới, từ khu vực nội trú ra ngoại trú và cần có chế độ phù hợp cho nhân viên y tế. Không thể vì khó khăn mà mỗi bác sĩ khám 100 -200 bệnh/ngày, làm cho chất lượng dịch vụ y tế giảm đi. KCB BHYT muốn thu hút người dân phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Đây là điều kiện tiên quyết để tranh thủ sự đồng tình của người dân.

Mới đây, tại TP Cần Thơ, BHXH Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHYT và BHXH tự nguyện vùng ĐBSCL”, nhiều chuyên gia đã chỉ ra “độ vênh” trong quá trình thực thi chính sách. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách BHYT còn nhiều bất cập, chưa thật sự hấp dẫn và khiến người dân chưa mấy mặn mà. Chất lượng KCB chưa đáp ứng sự hài lòng của người dân.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: “BHXH là cơ quan quản lý quỹ BHYT, phải giữ đồng tiền cho chặt, chi cho đúng, chi hết khả năng để chăm lo sức khỏe người dân. Còn ngành y tế phải cải tiến thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng điều trị và phục vụ, lấy bệnh nhân làm trung tâm. Nếu làm được những điều này thì bất kỳ người dân nào cũng mong muốn tham gia BHYT”. Theo ông Lợi, giá dịch vụ y tế hiện nay tăng cao, theo hướng tính đúng, tính đủ nên người không có thẻ BHYT sẽ chi trả chi phí KCB ở mức cao gấp nhiều lần so với người có thẻ. Do đó, tham gia BHYT sẽ đảm bảo  quyền lợi cho người dân, tăng tính chia sẻ trong cộng đồng.

Đột phá cho chặng cuối

Nhiều năm qua, thành công nổi bật trong thực hiện chính sách BHYT của Cần Thơ chính là sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, cho biết: Qua gần 5 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 22-11-2012) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, thành phố đạt nhiều kết quả khích lệ. Các địa phương chủ động thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT. Tỷ lệ độ bao phủ BHYT của thành phố tăng dần qua các năm. Năm 2016, thành phố có gần 960.000 người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 75,79% dân số, tăng 17,59% so với năm 2013. Trong 9 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ độ bao phủ đạt gần 76,4% dân số so với chỉ tiêu của năm 2017 là 78,8%.

BV Đa khoa TP Cần Thơ triển khai phẫu thuật tim, đặc biệt với phẫu thuật tim nội soi, giúp người bệnh trong vùng được tiếp cận kỹ thuật y tế chất lượng cao.

Hằng năm, Nghị quyết của HĐND thành phố luôn có chỉ tiêu BHYT. Ngoài ra, một số địa phương xây dựng xã nông thôn mới, xã văn hóa, phường văn minh đô thị cũng đặt chỉ tiêu độ bao phủ BHYT cao hơn so với chỉ tiêu Chính phủ giao cho thành phố. Thành phố rất quan tâm đến các đối tượng trợ cấp, hoàn cảnh khó khăn, hộ cận nghèo, học sinh sinh viên, nhằm tạo điều kiện để các nhóm yếu thế này được thụ hưởng quyền lợi của BHYT. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phạm Văn Hiểu cho biết thêm: “Để thực hiện hiệu quả lộ trình BHYT toàn dân của Chính phủ, cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc, thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, trọng tâm là nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng hệ thống mạng lưới thu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận”. Theo ông Hiểu, ngành BHXH cần phối hợp với Sở Y tế trong việc đấu thầu thuốc, xây dựng danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế cho các cơ sở KCB và chi trả kịp thời, hợp lý. Ngành y tế phải không ngừng nâng cao chất lượng KCB. Đưa chỉ tiêu vận động BHYT vào các chỉ tiêu xét thi đua hằng năm của các đơn vị, địa phương, tạo động lực để đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT.

Theo lộ trình BHYT toàn dân mà Chính phủ đề ra đến năm 2020, độ bao phủ phải đạt là 90% dân số. Để đạt đến mục tiêu, bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền thì các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân cần nâng cao chất lượng. Theo đó, ngành y tế thành phố phải có giải pháp sắp xếp, phát triển hợp lý, phát huy hiệu quả của tuyến y tế cơ sở trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt là chăm sóc, dự phòng các bệnh phổ biến trong cộng đồng, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tuyến y tế thành phố tập trung phát triển các kỹ thuật cao hướng đến xây dựng TP Cần Thơ thành Trung tâm y tế vùng.

Rõ ràng, yếu tố quan trọng để tăng tính hấp dẫn của BHYT là chất lượng các dịch vụ y tế. Thời gian qua, thành phố có nhiều BV lớn, chuyên khoa được đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại, nhân lực có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm. Các đơn vị kết nối với y tế tuyến trên, thông qua các BV vệ tinh, các chuyên gia đầu ngành của tuyến trên cũng về Cần Thơ ngày càng nhiều. Các BV liên tục triển khai các kỹ thuật cao, bệnh nhân BHYT được thụ hưởng với chi phí được BHYT chi trả. Các đơn vị y tế tích cực cải thiện thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân. Trong cơ chế tự chủ tài chính, khi BV tư ra đời hàng loạt, thu hút bác sĩ giỏi từ BV công sang BV tư, buộc các BV phải tự thân vận động, cải thiện cả về chất lượng điều trị và chất lượng phục vụ. Dự kiến đến năm 2021, BHYT sẽ thông tuyến tỉnh. Đó là thách thức cho các BV nhưng là cơ hội để người dân, đặc biệt là người bệnh BHYT có nhiều sự lựa chọn nơi chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ sở để đạt mục tiêu BHYT toàn dân.

YẾN SƯƠNG

Chia sẻ bài viết