13/10/2017 - 22:25

Gỡ “nút thắt” để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế
BÀI 1: “Độ vênh” giữa ngành y tế và bảo hiểm 

Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị của TP Cần Thơ chung sức nỗ lực vì mục tiêu BHYT toàn dân, từ việc thay đổi và nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của BHYT đến việc cải thiện chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Song, lộ trình BHYT toàn dân chưa bền vững, vẫn còn tình trạng “trồi sụt” tỷ lệ bao phủ. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân: các chính sách BHYT thay đổi liên tục; “độ vênh” của ngành bảo hiểm và ngành y tế trong công tác phối hợp; nhiều hộ gia đình phần đông có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chưa nhận thức hết lợi ích của tham gia BHYT…

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), khu vực ĐBSCL nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng có tỷ lệ độ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) thấp so với bình quân chung của cả nước. Do vậy, hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân là thách thức lớn. Trong quá trình thực hiện BHYT toàn dân tại TP Cần Thơ đã phát sinh nhiều vướng mắc, cần gỡ “nút thắt” trong công tác phối hợp giữa ngành y tế, BHXH và các địa phương.

Người bệnh chờ cấp thuốc tại BV Đa khoa quận Thốt Nốt. Ảnh: T.S

 

Rối rắm thủ tục

Qua tìm hiểu thực tế, các đơn vị y tế và các cơ quan BHXH gặp vướng mắc, do nhiều chính sách mới về BHYT được triển khai thực hiện chưa phù hợp thực tiễn. Cụ thể, việc thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc gây ra nhiều khó khăn trong việc thanh toán chi phí KCB BHYT. Việc liên thông phần mềm KCB và thực hiện phần mềm giám định chi phí KCB BHYT giữa BHXH với các cơ sở KCB; thủ tục thanh toán chi phí điều trị BHYT gây khó khăn, mất thời gian cho BV và người bệnh…

Bác sĩ La Văn Phú, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, BV Đa khoa TP Cần Thơ, chia sẻ: “Cơ quan BHXH kiểm tra gắt gao việc KCB để hạn chế trục lợi BHYT là đúng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, cán bộ giám định xử lý máy móc, nhất là chỉ với những sơ sót nhỏ về mặt hành chính của ngành y tế. Nhiều ca mổ, phẫu thuật viên nỗ lực hết sức để cứu sống người bệnh, thù lao hơn 100.000 đồng/ca mổ, nhưng nếu sơ sót có thể bị xuất toán đến vài triệu đồng”. Theo bác sĩ Phú, mới đây, một bác sĩ của khoa bị xuất toán hơn 9 triệu đồng, bị trừ trực tiếp vào thu nhập tăng thêm, nên các bác sĩ rất tâm tư.

Hầu như BV nào cũng vướng phải tình trạng bị xuất toán. BV Đa khoa quận Thốt Nốt trong quý I-2017 bị xuất toán 121 triệu đồng; quý II tăng lên 182 triệu đồng. Còn BV Đa khoa TP Cần Thơ, số tiền bị xuất toán mỗi quý hiện chưa xác định được vì chưa có sự thống nhất giữa BV và Đoàn giám định của BHYT. Hiện BV Đa Khoa TP Cần Thơ đã có văn bản đề nghị lãnh đạo Sở Y tế và BHXH TP Cần Thơ xem xét giải quyết về các khoản Đoàn giám định đề nghị xuất toán (của năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017) mà BV nhận thấy không hợp lý.

Bác sĩ Võ Hồng Sở, Phó Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ, nói: “Chi phí bị xuất toán buộc phải trừ vào tiền khen thưởng A, B, C hằng tháng của cán bộ y tế và chỉ trừ đối với những cá nhân, tập thể sai sót do yếu tố chủ quan đã được nhắc nhiều lần nhưng không khắc phục. Số tiền trừ trực tiếp đối với cá nhân chiếm khoảng 8 – 10%/tổng số tiền bị đề nghị xuất toán. Biết vậy là thiệt thòi cho y bác sĩ nhưng đâu còn cách nào khác”. Việc lo bị xuất toán cũng làm cho các bác sĩ ngại chỉ định điều trị cho bệnh nhân theo phương pháp điều trị mới, kỹ thuật hiện đại. Theo các bác sĩ, thường các lỗi phổ biến của cán bộ y tế là những lỗi trong dùng thuật ngữ, ngôn ngữ vùng miền, ví dụ như “ống thông tiểu” và “ống thông đái”, nếu cán bộ y tế ghi sai sót, không khớp với quy định của BHYT, cũng  bị yêu cầu xuất toán.

Lo vượt quỹ BHYT

Hiện nay, tình trạng vượt quỹ BHYT cũng là vấn đề nhức nhối của các đơn vị y tế. Theo bác sĩ Võ Hồng Sở, Phó Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ, tình trạng vượt quỹ BHYT của BV do số lượng thẻ BHYT phân bổ cho BV trong 2 năm gần đây thấp (dưới 90.000 thẻ); tỷ lệ thẻ của đối tượng hưu trí và hộ gia đình -đối tượng KCB thường xuyên cao; mệnh giá của thẻ BHYT thấp nhưng giá viện phí lại tăng cao. Trong khi BV triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, chi phí điều trị lớn. Do BV là tuyến cuối của thành phố nên tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân nặng, điều trị dài ngày và phải sử dụng nhiều loại thuốc biệt dược giá thành cao.

Các đơn vị y tế cơ sở cũng gặp khó với tình trạng vượt quỹ. Theo lãnh đạo các BV quận, huyện, một phần nguyên nhân do thông tuyến. Người bệnh sẽ lựa chọn các BV quận, huyện có uy tín, triển khai nhiều kỹ thuật cao hoặc các đơn vị y tế tư nhân có nhiều bác sĩ giỏi tuyến tỉnh làm thêm giờ để KCB. Khi đó, chi phí điều trị gồm cả thuốc men, tiền giường và các xét nghiệm cận lâm sàng tốn kém nhiều hơn so với tuyến dưới.

Một khó khăn khác của hệ thống y tế thành phố hiện nay là thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề. Theo quy định, những bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề không thể khám và điều trị hoặc nếu có khám, điều trị sẽ không được thanh toán BHYT. Theo các chuyên gia y tế, quy định này với mục tiêu là nâng cao hiệu quả KCB, nhưng chưa phù hợp với thực tế hệ thống y tế cơ sở của thành phố hiện nay. Đa phần các BV tuyến huyện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu nhân sự, lượng bệnh nhân quá tải ở một số đơn vị, khó lòng đáp ứng đủ nhân lực đạt chuẩn.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với hệ thống trạm y tế. Nhiều trạm y tế được trang bị các máy siêu âm, xét nghiệm, điện tim. Tại 85 xã, phường, thị trấn của thành phố hầu hết đều có 1 bác sĩ/trạm. Các bác sĩ đều được tập huấn về sử dụng các thiết bị trên, nhưng không phải tất cả bác sĩ đều có chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, dù trạm có máy móc hiện đại, mà bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề, thì người bệnh BHYT đến trạm không được phục vụ, vì không được thanh toán BHYT theo quy định. Chưa kể việc trạm y tế thường xuyên thiếu thuốc, cũng ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào lợi ích của BHYT trong KCB.

Bài toán khó với hệ thống y tế cơ sở hiện nay là với quy định thông tuyến của BHYT, đơn vị nào triển khai nhiều kỹ thuật cao thì thu hút bệnh nhân càng đông, dẫn đến quá tải. Theo quy định, mỗi bác sĩ tiếp nhận tối đa khoảng 70 bệnh nhân/bàn khám/ngày, nếu vượt quá, bác sĩ sẽ không được BHYT tính công khám. Chỉ tiêu giường bệnh cũng vậy, đòi hỏi giường thực kê không được vượt quá nhiều so với giường kế hoạch. Bác sĩ Lê Văn Lóng, Giám đốc BV Đa khoa quận Ô Môn, băn khoăn, hiện nay, trung bình một bác sĩ của BV tiếp nhận trên 100 lượt bệnh/ngày. Thời gian qua, BV đã bố trí thêm bàn khám, những lúc cao điểm Ban Giám đốc BV cũng phải khám bệnh, mới đáp ứng số bệnh nhân trung bình từ 1.200 – 1.400 lượt bệnh/ngày.

Sự lệch pha này dẫn đến việc người dân không được hưởng quyền lợi trong KCB một cách đầy đủ nhất. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc mở rộng độ bao phủ BHYT và thực thi chính sách BHYT toàn dân.

YẾN SƯƠNG

(Còn tiếp)

Bài 2: Con đường lắm gian nan

Chia sẻ bài viết