15/10/2017 - 16:07

Gỡ “nút thắt” để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế
Bài 3: Nỗ lực từ nhiều phía 

Sự thiếu bền vững về độ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) tại TP Cần Thơ cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương trên cả nước. Trước thực trạng này, thành phố đã tăng cường các giải pháp vận động người dân tham gia BHYT. Đồng thời, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực thi hành, quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng, người có thẻ BHYT được tiếp cận tối đa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. 

Cán bộ y tế Trường THCS Thới Long, quận Ô Môn tư vấn bệnh cho học sinh.

Tích cực vận động, thuyết phục

Các quận, huyện của thành phố đang tăng tốc để hoàn thành nhiệm vụ, sớm “cán đích” lộ trình BHYT toàn dân theo chỉ tiêu Chính phủ giao (năm 2017 là 78,8%). Nhiều nơi có cách làm hay trong vận động hộ gia đình tham gia BHYT.

Cuối tháng 9-2017, tại UBND xã Trường Long, huyện Phong Điền, bà Lâm Thị Chức, đại lý thu BHYT hộ gia đình của xã khá bận rộn tiếp nhận thông tin người dân đến đăng ký tham gia BHYT. Anh Nguyễn Bá Đạt, ở ấp Trường Thuận, cho biết: “Cả nhà tôi tham gia BHYT nhiều năm nay, khi ốm đau, có BHYT đỡ tốn chi phí viện phí”. Có thể thấy, BHYT đã san sẻ rất nhiều gánh nặng chi tiêu cho người dân trong lúc ốm đau và đảm bảo các điều kiện chữa trị. Không những thế, tham gia BHYT, người dân còn thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng. 

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện BHYT toàn dân TP Cần Thơ, khẳng định, bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT là hai chính sách quan trọng của Nhà nước. Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố quan tâm thực hiện nhiệm vụ này, xem đây là công việc thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Chỉ tiêu BHYT được thông qua trong Nghị quyết hằng năm của HĐND thành phố. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, chưa thấy hết tầm quan trọng của tham gia BHYT. Vì vậy, công tác tuyên truyền vận động, phổ biến, giáo dục thuyết phục là những yếu tố quan trọng, để người dân hiểu và tự giác tham gia. 

Bác sĩ Nguyễn Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cái Răng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện BHYT toàn dân của quận, cho biết: “Thời gian qua, Ban chỉ đạo tích cực thực hiện nhiều giải pháp để đạt chỉ tiêu trên giao. Trong đó, chú trọng các giải pháp đối thoại đến cộng đồng, giải đáp kịp thời các thắc mắc của người dân. Nhờ đó, người dân hiểu rõ lợi ích của BHYT và tích cực tham gia, nâng tỷ lệ độ bao phủ”. Tính đến cuối tháng 9-2017, quận Cái Răng dẫn đầu kết quả độ bao phủ BHYT của thành phố, với tỷ lệ gần 78%.

Cùng với Cái Răng, các quận, huyện trên địa bàn đều tăng tốc chạy nước rút. Ông Hồ Văn Sum, Giám đốc BHXH huyện Phong Điền chia sẻ, thay vì kinh phí dùng cho các hoạt động treo băng gôn, pano áp phích, năm nay, huyện chuyển sang tổ chức các hoạt động đối thoại với người dân ở các xã, ấp. Đồng thời phát huy vai trò của cán bộ cơ sở. “Mưa dầm thấm lâu”, người dân dần thấy được lợi ích và trách nhiệm tham gia BHYT, giúp địa phương đạt sớm chỉ tiêu. 

Năm 2017, quận Ô Môn dẫn đầu về công tác BHYT học sinh. Trong đó, nhiều năm liền, đơn vị Trường THCS Thới Long, phường Thới Long, quận Ô Môn đạt chỉ tiêu 100% sớm nhất. Thầy Nguyễn Văn Bướm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, năm học này, số lượng học sinh tăng hơn so với năm trước, nhưng vẫn đạt kết quả trong công tác BHYT nhờ tập thể giáo viên tích cực vận động và được sự đồng tình của phụ huynh. Trong năm học này, nhà trường vận động học sinh tham gia BHYT thời hạn cả năm thay vì 6 tháng như trước đây.

Thêm nhiều quyền lợi cho người dân

Luật BHYT 2014 (sửa đổi) đã bổ sung quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh theo hướng mở rộng tăng quyền lợi các đối tượng thuộc hộ nghèo, bảo trợ xã hội; các đối tượng cựu chiến binh, người tham gia kháng chiến; các đối tượng là thân nhân người có công, hộ cận nghèo; người dân sinh sống vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; xã đảo, huyện đảo. Đồng thời khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình, với mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể, người thứ nhất trong hộ gia đình đóng 4,5% mức lương cơ sở/tháng, người thứ 2, 3, 4 đóng lần lượt là 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, kể từ người thứ 5 trở đi chỉ đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Từ ngày 1-8-2017 các đơn vị y tế của TP Cần Thơ điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Theo đó, tăng giá 1.906 các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho hạng bệnh viện (BV) đối với các đối tượng chưa có thẻ BHYT. HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐND ngày 7-7-2017 điều chỉnh các mức thu dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; dịch vụ ngày giường bệnh; các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm với những người chưa tham gia BHYT hoặc có thẻ nhưng đi khám chữa bệnh (KCB), sử dụng các dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Cụ thể, dịch vụ ngày giường bệnh: điều trị hồi sức cấp cứu, tại BV hạng đặc biệt, mức thu là 362.000 đồng (tăng gấp 2 – 3 lần so với trước khi điều chỉnh); dịch vụ phẫu thuật cắt ruột thừa 2.460.000 đồng (tăng 345.000 đồng); dịch vụ phẫu thuật cắt amidan bằng dao plasma hoặc laser tại BV hạng II (BV Tai mũi họng TP Cần Thơ) 3.679.000 đồng (tăng hơn 3 lần),… Tuy nhiên, Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐND không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, do các đối tượng này được Nhà nước hỗ trợ và được BHXH thanh toán chi phí KCB theo quy định.

Theo bác sĩ La Văn Phú, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, BV Đa khoa TP Cần Thơ, đa số bệnh nhân điều trị tại Khoa đều có BHYT. Hiện nay, chi phí điều trị cao, nếu không có BHYT, người bệnh và BV đều khó khăn trong điều trị. Người bệnh có BHYT, dù BV có thực hiện kỹ thuật cao, chi phí từ vài chục đến vài trăm triệu đồng thì đều được bảo hiểm thanh toán. Do đó, mở rộng độ bao phủ BHYT, vừa lợi ích cho người bệnh và cho cả bác sĩ trong lựa chọn phương pháp điều trị, thuốc, trang thiết bị... 

Từ ngày 1-7-2017, nhiều quyền lợi khám chữa bệnh BHYT tăng đối với người có thẻ BHYT đi KCB đúng quy định. Nếu tổng chi phí một lần KCB thấp hơn 195.000 đồng người có thẻ BHYT không phải thực hiện cùng chi trả (quy định trước đây là thấp hơn 181.500 đồng). 

Đối với các trường hợp người bệnh được cơ sở y tế chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật quy định tại Quyết định 36/2005/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Danh mục dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi mức hưởng nhưng không vượt quá 52 triệu đồng cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật (quy định trước là không vượt quá 48,4 triệu đồng). Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 58,5 triệu đồng (quy định trước đây là 54,45 triệu đồng).

Chú Trần Thanh Danh (50 tuổi, ở quận Thốt Nốt), kể: “Mấy năm trước tôi mua BHYT nhưng mạnh cùi cụi. Thấy vậy, tôi tiếc tiền, nên năm nay không tiếp tục mua BHYT. Vừa rồi lâm bệnh, cảnh nhà càng khốn khó hơn. Tôi bị áp xe trung thất, gây nhiễm trùng nhiễm độc, xuất viện về nhà với món nợ hơn 60 triệu đồng vay mượn của hàng xóm để trị bệnh”. Theo bác sĩ Phan Thị Phụng, Trưởng Khoa Hồi sức – tích cực chống độc, BV Đa khoa TP Cần Thơ, chi phí điều trị cho bệnh nhân tại Khoa rất cao, từ vài triệu đồng/ngày trở lên; nếu có biến chứng cần lọc máu, mất từ 20 triệu đồng/lần/giờ. Qua thực tế điều trị tại khoa, có hơn 20% bệnh nhân không có BHYT, bác sĩ rất cân nhắc lựa chọn thuốc men, dịch vụ kỹ thuật phù hợp khả năng tài chính của bệnh nhân.

Theo quy định khi người dân tham gia BHYT 5 năm liên tục không gián đoạn và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở theo mức lương hiện hành đối với trường hợp KCB đúng tuyến, sẽ được chi trả 100% chi phí KCB BHYT cho các lần KCB tiếp theo. Cụ thể như trường hợp người bệnh điều trị ung thư có tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT là 300 triệu đồng/năm. Khi chưa đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm, người bệnh phải cùng chi trả 20% chi phí KCB BHYT, tương ứng 60 triệu đồng, nhưng nếu đủ các điều kiện để hưởng quyền lợi của BHYT 5 năm liên tục, người bệnh sẽ không cùng chi trả 60 triệu đồng này.

Mặt khác, cuối tháng 3 – 2017, việc thông tuyến KCB tuyến huyện cũng giúp người bệnh có nhiều cơ hội lựa chọn nơi KCB theo nguyện vọng của mình. Theo đó, người bệnh đăng ký KCB BHYT ban đầu ở các BV tuyến huyện có thể đi KCB ở các BV quận, huyện trên toàn quốc, được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí. Quy trình này không cần giấy chuyển tuyến, hay xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác. Việc tăng quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT là giải pháp quan trọng mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhưng để đảm bảo tính bền vững, cần hoàn thiện một số cơ chế, chính sách liên quan.l

    

Bài cuối:  Tiếp sức cho chặng cuối lộ trình

YẾN SƯƠNG

Chia sẻ bài viết