24/06/2022 - 11:01

Gỡ khó, đảm bảo tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông 

Bài, ảnh: KIM PHÚC

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông là công trình trọng điểm quốc gia, được sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ. Trên tinh thần quyết tâm, đổi mới tư duy, phương thức, cách làm, bám sát quy định pháp luật, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan đơn vị đang nỗ lực tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án...

Chậm tiến độ

Về tiến độ triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài 652,86km, được chia thành 11 dự án thành phần. Ðầu năm 2022, dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2km đã đưa vào khai thác, 10 dự án còn lại đang tiếp tục triển khai theo kế hoạch. Công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng đạt 100%; bàn giao mặt bằng được 652,205km, đạt 99,9%, còn lại 0,655km dự kiến hoàn thành trong tháng 6-2022. Tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến ngày 10-6-2022 đạt khoảng 23.544 tỉ đồng, tương đương 41,3% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,74% giá trị hợp đồng so với kế hoạch.

Ðối với dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2021-2025 gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km), có tổng chiều dài 729km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành và được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. Ðến nay, các địa phương đã tiến hành kiểm đếm, cắm mốc và đang tích cực chuẩn bị dự án để có thể khởi công vào cuối năm nay. Trong đó, đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương là 670,3km, đạt 93%; 53,4km còn lại (chủ yếu ở các nút giao) sẽ hoàn thành bàn giao cho địa phương trước ngày 30-6-2022. Các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng; thành lập Ban Chỉ đạo và Hội đồng giải phóng mặt bằng để triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm…

Tại TP Cần Thơ, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2021-2025, trong đó dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài khoảng 37km, tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 9.700 tỉ đồng, đi qua địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, các đơn vị tư vấn, thiết kế để đảm bảo tiến độ triển khai dự án, quá trình thực hiện thuận lợi. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã giao cho UBND quận Cái Răng cột mốc giai đoạn 1 và quận tiến hành kiểm đếm, kê biên, áp giá bồi hoàn 100%... Thành phố đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sớm bàn giao cọc giải phóng mặt bằng phần còn lại để đảm bảo tiến độ đề ra…

Gỡ khó

Dù có nhiều nỗ lực nhưng những khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền đường, biến động giá vật liệu, thời tiết bất lợi và dịch COVID-19 ở giai đoạn đầu… làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án. Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông mới đây, đại biểu các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư và các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi công cũng như các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án theo yêu cầu của Bộ GTVT và Chính phủ đề ra.

Về vật liệu đắp nền đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Phong cho biết, tỉnh đã cấp phép 16/16 mỏ đất, đáp ứng yêu cầu 7,2 triệu m3 đất đắp nền cho toàn bộ dự án đi qua địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay còn 4 mỏ đã cấp phép nhưng đang làm thủ tục cho thuê đất. Trong tháng 6, tỉnh sẽ hoàn thành các thủ tục để các mỏ đi vào khai thác, bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2022.

Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Ðồng Tháp, tỉnh sẽ rà soát lại trữ lượng cát trong các thời kỳ quy hoạch tới để xem xét hỗ trợ cho các dự án cao tốc đi qua ÐBSCL…

Liên quan đến vướng mắc về biến động giá vật liệu, Bộ Xây dựng đã thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát ban hành hướng dẫn việc thực hiện điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương công bố giá vật liệu xây dựng hằng tháng. Cần công bố giá kịp thời để thanh toán cho các nhà thầu trong bối cảnh biến động giá. Dứt khoát không để vì biến động giá mà các nhà thầu chần chừ, không hoàn thành công việc...

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: Từ nay tới hết năm 2022, các dự án phải hoàn thành trong năm cần phải đẩy nhanh tiến độ thi công. Những nhà thầu nào không đáp ứng tiến độ thì cần phải thay thế; cán bộ của ban quản lý dự án không hoàn thành nhiệm vụ cũng thay thế. Ðối với các dự án thành phần giai đoạn 2021-2025, các bộ, ban, ngành Trung ương tăng cường phối hợp với địa phương khẩn trương hoàn thành các công việc như lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu, triển khai công tác cắm mốc thực địa giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ đền bù, hỗ trợ tái định cư, đánh giá tác động môi trường, thẩm tra khung chính sách giải phóng mặt bằng... để đảm bảo cho việc khởi công đúng tiến độ, đúng quy định của pháp luật. Bộ GTVT phải đổi mới cách làm, triển khai nhiệm vụ một cách chặt chẽ, quyết liệt, khẩn trương, có cơ chế giám sát hiệu quả tiến độ, chất lượng công trình, kiên quyết không lùi bất cứ mốc tiến độ nào đã đề ra…

Chia sẻ bài viết