21/08/2019 - 07:32

Gỡ khó cho ngành thủy sản 

BĐSCL có bờ biển dài hơn 700km, tiếp giáp biển với hệ thống kênh rạch chằng chịt, có 3,9 triệu héc-ta đất ngập nước tự nhiên, đa dạng sinh học cao và nguồn lợi thủy sinh phong phú. Đây là khu vực hoạt động thủy sản sôi động với các sản phẩm chủ lực: tôm, cá tra - cá basa, cá rô phi, nghêu, nhuyễn thể… trở thành khu vực nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam. Hằng năm đóng góp hơn 74% sản lượng nuôi trồng thủy sản trong cả nước. Tuy nhiên, để ngành thủy sản phát triển bền vững cần sự hỗ trợ, hiệp lực của các tổ chức, hội nghề nghiệp...

► Còn khó khăn

Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) cho biết: theo quy hoạch, đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, trái cây, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. Đặc biệt, những năm qua, ĐBSCL đã góp phần đem lại thắng lợi cho ngành thủy sản Việt Nam, với kết quả năm 2018 tổng giá trị sản phẩm thủy sản đạt 190.123 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 3,43% toàn nền kinh tế và 23,57% toàn ngành nông nghiệp cả nước, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 9 tỉ USD, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,74 triệu tấn thì năm 2019 ngành thủy sản Việt Nam tự tin với mục tiêu phải đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD và tổng sản lượng trên 7,9 triệu tấn. Tuy nhiên, ngành nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL và cả nước đang gặp khó khăn, cần tập trung tháo gỡ.

Hiện nay ở ĐBSCL giá cá tra xuống thấp gần như “chạm đáy”, người nuôi cá lao đao, lỗ nặng. Nhiều người nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cho biết, từ đầu tháng 8-2019 đến nay, giá cá tra giảm sâu, còn 20.000-21.000 đồng/kg, giảm dưới mức giá thành nuôi trồng từ 2.000-3.000 đồng/kg. Qua đó có người nuôi lỗ nặng từ 3-4 tỉ đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do một số hộ nuôi cá không ký kết hợp đồng với nhà máy chế biến thủy sản; đồng thời từ năm 2018, cá tra có giá cao đem lại lợi nhuận khá lớn cho người nuôi cá, do đó tình trạng nuôi cá tự phát tái diễn và có một số người tự ý thả cá nuôi không liên kết với doanh nghiệp chế biến thủy sản. Đến khi thị trường gặp bất lợi như hiện nay, doanh nghiệp chỉ ưu tiên thu hoạch cá trong vùng nuôi của mình và thu mua cá từ các hộ nuôi theo hợp đồng gia công, liên kết tiêu thụ...

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2019 cá nguyên liệu còn ở mức cao, khoảng 30.000-31.000 đồng/kg. Đến tháng 3 giảm còn khoảng 25.000 đồng/kg, sau đó giảm liên tục và hiện còn khoảng 20.500 đồng/kg. Giá cá tra nguyên liệu phụ thuộc vào tình hình xuất khẩu, sản lượng cá tra và các yếu tố khác. Song, hậu quả còn kéo theo cá tra giống giảm mạnh liên tục theo xu thế của giá cá nguyên liệu. Từ đầu năm đến tháng 3-2019, giá cá tra giống cao khoảng 30.000 đồng/kg, nhưng hiện nay giảm còn khoảng 17.500 đồng/kg. Theo số liệu thống kê, đến cuối tháng 7-2019, cá tra giảm cả 3 mặt, từ diện tích nuôi đến sản lượng và năng suất. Từ đầu năm đến 31-7-2019, diện tích nuôi mới cá tra các tỉnh, thành ĐBSCL là 2.292ha, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2018, diện tích thu hoạch là 2.330ha, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2018, sản lượng đạt trên 739.000 tấn, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018 và năng suất trung bình đạt 317 tấn/ha, so với năm 2018 là 319 tấn/ha.

Cá tra vẫn được doanh nghiệp vùng ĐBSCL thu mua, nhưng với giá không cao.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết: “Sản lượng cá tra xuất khẩu còn lệ thuộc nhiều vào thị trường nhập khẩu, với các điều kiện nhập khẩu, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều nước từng nhập khẩu cá, thủy sản Việt Nam cũng bắt đầu nuôi trồng, với nhiều chủng loại khác nhau và tiêu thụ trong nội địa. Do đó, ngoài nỗ lực tìm kiếm thị trường, các doanh nghiệp, đơn vị nuôi trồng thủy sản cần ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào quá trình nuôi, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, vệ sinh, hạ giá thành nuôi trồng thì ngành thủy sản mới có lợi nhuận cao…”.

► Tháo gỡ 

Theo VINAFIS, 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng thủy sản nuôi trồng trên cả nước đạt 1,92 triệu tấn, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 100,7%  so với kế hoạch đề ra. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4 tỉ USD, tăng 0,6% với cùng kỳ năm 2018, trong đó, tôm các loại ước đạt 1,43 tỉ USD (bằng 87,9% so với cùng kỳ), cá tra 991 triệu USD (bằng 98,8% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, ngành thủy sản ĐBSCL và cả nước phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, như: biến đổi khí hậu, các hiện tượng cực đoan nắng nóng, khô hạn kéo dài, giá cả của các đối tượng chủ lực (tôm, cá tra) biến động và suy giảm trong những tháng đầu năm 2019... Bên cạnh đó còn có những khó khăn, thách thức sinh ra trong quá trình sản xuất, như: chất lượng tôm giống không ổn định do phải nhập khẩu tôm chân trắng bố mẹ hoặc tôm sú bố mẹ phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, chất lượng của con giống cá tra cũng đang trên đà suy giảm; giá thức ăn và năng lượng tiếp tục có chiều hướng gia tăng…

Với mong muốn tháo gỡ khó khăn, nắm bắt được nhu cầu cũng như tiếp nối thành công của ngành thủy sản Việt Nam trong 2 năm qua (2017-2018), Tập đoàn UBM Asia cùng VINAFIS, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền Vững phối hợp tổ chức “Triển lãm & Hội thảo Quốc tế chuyên ngành Thủy sản Việt Nam - VIETNAM AQUACULTURE 2019” tại TP Cần Thơ vào tháng 10-2019 sắp tới. Triển lãm và hội nghị khoa học lần này nhằm đánh giá những nỗ lực của 2 năm qua trong tổ chức sản xuất, nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào sản xuất, đồng thời nhận diện những thách thức mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thị trường thế giới và những yêu cầu mới của các đối tác nhập khẩu… Ngoài ra, hội nghị khoa học cũng ghi nhận các ý kiến của những người sản xuất, nhà đầu tư, tổ chức liên quan đến sản xuất và thương mại của ngành thủy sản, như: ngân hàng, các tổ chức cấp chứng chỉ, các tổ chức tư vấn và các nhà mua hàng đại diện cho khối người tiêu dùng… Từ đó, tìm ra tiếng nói và hành động chung làm cho sản phẩm nuôi trồng của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của người tiêu dùng, phát triển bền vững.

Bà Rose Chitanuwat, Giám đốc chuỗi dự án Tập đoàn UBM Asia, cho biết: “Triển lãm & Hội thảo lần này sẽ góp phần giúp ngành thủy sản Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển trong năm 2019 thông qua việc hợp tác với các cơ quan chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, các doanh nghiệp và học viện để quảng bá các kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi nhận thấy TP Cần Thơ là một trong những khu vực trọng điểm về nuôi trồng và chế biến thủy sản tại Việt Nam, vì vậy thành phố sẽ là cầu nối tổ chức sự kiện, nhằm giúp các đơn vị, doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản tìm hiểu, chọn lựa những công nghệ, dịch vụ tốt nhất cho ngành thủy sản ĐBSCL, cả nước, đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của các quốc gia…”.

Theo kế hoạch, năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam tập trung thực hiện đạt các chỉ tiêu, như: tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 4,25% so với 2018, trong đó tốc độ tăng giá trị sản xuất nuôi trồng là 5,19%, tốc độ tăng giá trị sản xuất khai thác là 2,72%. Tổng sản lượng thủy sản năm 2019 phấn đấu đạt 7.983,8 nghìn tấn, tăng 3,1% so với năm 2018, trong đó sản lượng khai thác đạt 3.680,5 nghìn tấn, tăng 2,5%; sản lượng nuôi trồng đạt 4.303,3 nghìn tấn, tăng 3,6% (trong đó: sản lượng cá tra 1.468,9 nghìn tấn, tăng 3%; sản lượng tôm các loại 852 nghìn tấn, tăng 6,5%). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản phấn đấu đạt 10 tỉ USD, tăng 11,1% so với năm 2018...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết