25/04/2018 - 07:04

Giúp dân thực hiện khát vọng làm giàu 

Hệ thống chính trị xã Định Môn, huyện Thới Lai, đã tích cực vận động, triển khai nhiều giải pháp giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích. Nhờ đó, nhiều nông hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, vươn lên làm giàu…

Nông dân xã Định Môn trồng nhãn IDO cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: NGỌC QUYÊN
Nông dân xã Định Môn trồng nhãn IDO cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: NGỌC QUYÊN

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng Khối vận xã Định Môn, thực hiện Nghị quyết 06/NQ-HU của Huyện ủy Thới Lai về phát triển kinh tế hộ gia đình, Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể xã tập trung vận động bà con áp dụng những mô hình mang hiệu quả kinh tế cao, nhằm tăng thu nhập trên diện tích đất sản xuất. Các ngành, đoàn thể xã đã phối hợp với huyện hỗ trợ cây giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu vay vốn ưu đãi... giúp nông hộ phá bỏ vườn tạp, kém hiệu quả trồng lại các cây cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2017, các đoàn thể đã vận động xây dựng được 9 mô hình dân vận khéo về phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Mô hình trồng nhãn IDO của ông Nguyễn Văn Triều ở ấp Định Khánh A là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu ở xã Định Môn. Năm 2014, ông Triều lên liếp 7.500m2 trong tổng diện tích 3ha để trồng nhãn IDO. Vụ trái chiếng, gia đình ông thu 160 triệu đồng. Năm 2017, ông bán nhãn giống thu nhập thêm khoảng 100 triệu đồng. Ông Triều nói: “Chủ trương vận động bà con chuyển đổi mô hình sản xuất của các cán bộ xã, ấp đã giúp nông dân sản xuất hiệu quả hơn nên bà con rất đồng lòng thực hiện. Nhờ cán bộ xã, ấp tuyên truyền, vận động chuyển đổi mô hình và hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp, tập huấn kỹ thuật trồng trọt nên cuối năm 2017 tôi chuyển hết diện tích đất của mình sang trồng nhãn. Trồng nhãn lời hơn trồng lúa nhiều, vì thế kinh tế gia đình tôi khấm khá hơn”.

Ở xã Định Môn, còn nhiều hộ trồng nhãn IDO cho thu nhập cao. Ông Lê Sơn Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Môn, cho biết: “Năm 2016, Tổ hợp tác Sản xuất nhãn IDO Đồng Tâm được thành lập có 35 thành viên với diện tích canh tác 42,85ha. Đến nay, Tổ hợp tác có 52 thành viên với diện tích canh tác 62,85ha, lợi nhuận 283,7 triệu đồng/ha. Tổ hợp tác cũng góp phần tạo việc làm cho 307 lượt lao động ở địa phương với thu nhập bình quân 1,8 triệu đồng/tháng. Hội Nông dân xã cũng phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; lập dự án vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố 500 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách- Xã hội trên 200 triệu đồng cho các thành viên trong Tổ hợp tác. Tổ hợp tác đã đăng ký nhãn hiệu Nhãn IDO Đồng Tâm”.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Định Môn cũng vận động hội viên xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả như: trồng huệ, chanh, mít Thái… Trong đó, có mô hình trồng huệ trắng của gia đình chị Mã Linh Chi ở ấp Định Yên. Theo chị Linh Chi, ban đầu, chị thấy trồng huệ trắng cho hiệu quả kinh tế cao nên quyết định chuyển hơn 8.000m2 đất lúa trồng thử. Nhờ đúc kết được kinh nghiệm cộng với sự chỉ dẫn của bà con mà gia đình chị đã áp dụng thành công mô hình trồng huệ trắng, thu nhập trung bình mỗi ngày 500.000 đồng. Ngoài ra, tận dụng đất mé bờ, chị làm giàn trồng mướp. Mỗi năm, gia đình chị thu nhập từ huệ, mướp khoảng 500 triệu đồng. Chị Linh Chi nói: “Làm nghề này phải chịu cực, nắm vững kỹ thuật mới thành công, bù lại lợi nhuận khá cao. Nhờ các cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động chị em tích cực lao động, chọn những cây trồng phù hợp mà cuộc sống gia đình tôi khá lên”.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng Khối vận xã Định Môn, thời gian tới, hệ thống chính trị xã Định Môn tiếp tục ra sức vận động nhân dân xây dựng những mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

THANH THY

Chia sẻ bài viết