14/08/2023 - 21:03

Giới trẻ Trung Quốc đối phó nạn thất nghiệp 

MAI QUYÊN

Theo số liệu thống kê, cứ 5 thanh niên ở các thành phố Trung Quốc thì có 1 người thất nghiệp. Trước dự báo tình hình có thể tệ hơn, trang tin CNA News đã tìm hiểu lý do tại sao người trẻ không thể tìm được việc và cách họ giải quyết vấn đề.

Zhang Jiayi làm vlog khi đưa bố mẹ đi dạo. Ảnh: CNA

Những “đứa con toàn thời gian”

Hồi đầu năm, Zhang Jiayi về sống với ba mẹ sau khi từ bỏ công việc kinh doanh quần áo do không chống chọi được với đại dịch COVID-19. Ở nhà, mỗi ngày “làm việc” của cô diễn ra như sau: sáng trò chuyện và đi chợ mua đồ với ba mẹ, sau đó chuẩn bị bữa trưa rồi chợp mắt trước khi làm công việc còn lại trong ngày. Mỗi tháng, Zhang được ba mẹ “trả lương” hơn 1.000 USD.

Theo cô gái 31 tuổi, “làm con toàn thời gian” không chỉ để nhận tiền từ phụ huynh. Thay vào đó, Zhang muốn ở bên cạnh ba mẹ và tận hưởng quá trình chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng dấy lên tranh cãi khi khá nhiều cư dân mạng chỉ trích người trẻ kiếm tiền trên chính ba mẹ mình, được gọi là “kenlao”, trong tiếng Trung có nghĩa là “ăn của già”. Vấn đề nữa là không phải tất cả những “đứa con toàn thời gian” hiện nay đều trở về nhà do thất nghiệp. Nhiều người từ bỏ công việc ở thành phố lớn vì các nguyên nhân như lương thấp, không theo kịp guồng quay của “996” (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần), đi lại xa và không có tương lai.

Li Zhuofei, tốt nghiệp Ðại học Công nghệ Bắc Kinh, cho biết người trẻ ngày nay muốn có “thu nhập hợp lý” nhưng không thích làm thêm giờ hoặc khối lượng công việc quá nặng. Ðiều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại rủi ro xã hội nếu một bộ phận thanh niên làm “con cái toàn thời gian” thời gian dài, liệu họ có cơ hội quay trở lại với lực lượng lao động khi kinh tế cải thiện hay sẽ mất động lực vì tâm lý “nằm im”.

Tìm kiếm cơ hội ở nông thôn

Trái với “làm con toàn thời gian” gây tranh cãi, nhiều thanh niên có lựa chọn tích cực hơn, đó là về nông thôn làm việc. Ðơn cử như trường hợp của Will Wang. Quê quán Thượng Hải và tốt nghiệp thạc sĩ quan hệ quốc tế tại Ðại học New York (Mỹ), Wang tìm thấy ý nghĩa của công việc trong tiến trình giúp xóa đói giảm nghèo và phát triển vùng nông thôn tỉnh Hồ Nam.

Cụ thể, trong 6 năm qua, doanh nghiệp Beyond the City do Wang quản lý đã tổ chức nhiều chuyến đi nghiên cứu thực tế cho sinh viên thành thị lẫn nông thôn. Ðể thu hẹp khoảng cách, chương trình sắp xếp sinh viên thành thị sinh hoạt chung với hộ gia đình địa phương để tìm hiểu về hệ sinh thái, nghề thủ công truyền thống cùng nhiều lĩnh vực khác. Ðổi lại, thanh niên nông thôn có cơ hội tìm hiểu ưu điểm và thách thức của việc di cư thành thị trong các chuyến đi đến thành phố. Theo Wang, nhiều người trẻ hiện nay sẵn sàng cân nhắc cuộc sống ở nông thôn, đặc biệt khi cơ sở hạ tầng ở các vùng quê được cải thiện. Chi phí sinh hoạt ở nông thôn cũng thấp hơn trong khi thu nhập có thể tương đương các vùng đô thị.

Chọn việc trái ngành

Có bằng thạc sĩ văn học sân khấu, điện ảnh và truyền hình, Qiu Qiu người gốc Bắc Kinh hy vọng được làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Nhưng tháng rồi, Qiu nhận công việc phân tích dữ liệu trong ngành nhân sự sau khi hàng chục đơn xin việc gởi đến đài truyền hình và công ty truyền thông không được chấp nhận. “Ðiều quan trọng là thực hiện được bước đầu tiên, tham gia vào thị trường lao động với những cơ hội khác nhau” - cô gái này chia sẻ.

Từ câu chuyện của Qiu, các chuyên gia nói rằng có những khoảng cách cần thu hẹp, ví dụ giữa công việc hiện có và những gì thanh niên mong muốn, hoặc giữa kỳ vọng về mức lương của thanh niên với khả năng các công ty sẵn sàng cung cấp. Theo giám sát viên nhân sự Nina Wu, có những cơ hội việc làm đang chờ tuyển được người chẳng hạn như vị trí kỹ thuật và lao động trực tiếp trong các nhà máy sản xuất. Nhưng đây có thể không phải công việc mà thanh niên ưu tú có học thức mong muốn.

Lý do thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của đối tượng từ 16-24 tuổi ở khu vực thành thị của Trung Quốc đã tăng lên 21,3% trong tháng 6. Con số đó được dự báo cao hơn khi 11,6 triệu sinh viên tốt nghiệp tham gia lực lượng lao động vào mùa hè này.

Sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc sau thời gian dài phong tỏa vì đại dịch là một phần nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh khó khăn của giới trẻ nước này. Ngoài ra, thanh niên Trung Quốc ngày nay hầu như được giáo dục và nuôi dưỡng để làm những công việc cao cấp hoặc đòi hỏi có trình độ học vấn hơn trước đây. Nhưng cấu trúc công nghiệp trong nước vẫn chưa hoàn toàn chuyển đổi từ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông sang công nghệ giá trị hoặc dịch vụ cấp cao. Kinh tế ảm đạm khiến những công việc như vậy ít hơn nữa.

Chia sẻ bài viết