20/04/2025 - 08:53

Lợi ích kép từ tầm soát, phát hiện bệnh lao cộng đồng 

Từ ngày 20-3 đến 16-4-2025, gần 4.000 người dân quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ được tầm soát bệnh lao, lao tiềm ẩn và đái tháo đường. Ðây là đợt tầm soát miễn phí lớn nhất về bệnh lao, đái tháo đường trên địa bàn quận từ trước đến nay nhằm phát hiện sớm nguồn lây, người bệnh được điều trị sớm và giảm lây lan cho cộng đồng.

Ðông đảo người dân đến Trạm Y tế phường An Khánh tầm soát lao, lao tiềm ẩn, đái tháo đường.

Tầm soát miễn phí

Ðưa người thân đến Trạm Y tế phường tầm soát bệnh lao, anh Trần Quang Minh, người dân ở phường An Khánh, cho biết: “Mẹ tôi mắc bệnh lao, đã điều trị khỏi lâu rồi nhưng khi được phường phát thư mời đi tầm soát, tôi tranh thủ nghỉ làm chở mẹ đến đây. Trước đây, muốn tầm soát, tôi phải đưa mẹ đi Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, vừa tốn thời gian, tiền bạc. Ðợt này có tầm soát miễn phí ở Trạm Y tế, tôi mừng lắm. Tôi sống cùng mẹ, tôi từng mắc COVID-19 nên cũng tầm soát luôn cho an tâm”.

Trong đợt tầm soát này, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ phối hợp trạm y tế, Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều tổ chức. Bà Nguyễn Thu Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều cho biết: Ða phần tâm lý người dân ít khi đi tầm soát bệnh, nhất là bệnh lao. Thường chỉ đi khám khi có dấu hiệu bệnh. Với bệnh lao, khi có dấu hiệu thì đã có nguy cơ lây lan cho cộng đồng và người sống chung. Ðợt này, có sự tài trợ của dự án, người dân được tầm soát lao tại chỗ bằng các phương tiện hiện đại như X-quang lưu động, có kết quả ngay; xét nghiệm đàm bằng Xpert chẩn đoán lao, lao đa kháng thuốc, lao tái phát... Ngoài ra, đợt này còn tầm soát bệnh đái tháo đường.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, hoạt động này nằm trong dự án “Tăng cường đổi mới, lồng ghép và quản lý lao tiềm ẩn vì sự tiến bộ quốc gia tiến tới chấm dứt bệnh lao năm 2025”. Trong cả nước, dự án được triển khai ở 4 tỉnh, thành. Tại TP Cần Thơ, dự án triển khai tại quận Ninh Kiều và huyện Cờ Ðỏ (trong tháng 5-2025, dự án tầm soát tại các xã của huyện Cờ Ðỏ). Ðối tượng tầm soát là trẻ em từ 5 tuổi trở lên, trừ phụ nữ mang thai. Trong đó, đối tượng tầm soát ưu tiên cho nhóm nguy cơ cao như người mắc bệnh mãn tính, mắc lao cũ đã điều trị, người mắc COVID-19, bệnh phổi, bệnh đồng nhiễm lao như HIV, viêm  gan... và các nhóm đối tượng dễ tổn thương như người làm việc trong khu vực bụi, tiếp xúc hóa chất, khu lao động nghèo... Ngoài ra, tất cả các đối tượng đều xét nghiệm Mantoux (TST) để tầm soát lao tiềm ẩn.    

Lợi ích kép

Thống kê sơ bộ, tính đến ngày 12-4-2025 (chưa tính số người dân phường An Khánh tầm soát ngày 15 và 16-4), đội ngũ y tế đã khám sàng lọc cho 3.250 người. Trong đó chụp X-quang phổi cho 3.186 người, phát hiện 136 người có kết quả X-quang bất thường và được thực hiện xét nghiệm đàm bằng Xpert. Kết quả sơ bộ ban đầu phát hiện 29 ca lao, 2 ca lao kháng thuốc. Ðã tiêm Mantoux (TST) để tầm soát lao tiềm ẩn cho 2.395 người, đã đọc kết quả 1.900 người, phát hiện 509 người có kết quả dương tính. Các trường hợp dương tính được tư vấn, thu dung điều trị.

BS CKI Huỳnh Văn Thanh, cố vấn chương trình lao quốc gia, làm việc tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, tham gia đợt tầm soát, cho biết: “Các phương tiện tầm soát rất hiện đại, lại được thực hiện ngay tại khu vực người dân sinh sống, hoàn toàn miễn phí, không cần lên tuyến trên. Tầm soát bệnh lao mang lại lợi ích kép cho cả người bệnh và cộng đồng. Khi bệnh được phát hiện sớm, tổn thương ít, hiệu quả điều trị cao, ít để lại di chứng và giảm nguy cơ lây cho người thân, cộng đồng. Nếu kết quả mắc lao, lao tiềm ẩn, trạm y tế quản lý, liên lạc và giới thiệu điều trị”.

Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất thế giới. Bệnh lao là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và cũng là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở Việt Nam. Hầu hết bệnh lao có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân tuân thủ đúng và đủ liệu trình điều trị. Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao ở Việt Nam là trên 90% với những ca mắc mới và trên 70% với những trường hợp lao kháng thuốc. Tầm soát phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời bệnh lao, từ đó giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do lao.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết