Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang dẫn đầu sáng kiến xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dưới biển, nối Dubai với thành phố đông dân nhất của Ấn Ðộ là Mumbai. Nếu được triển khai, phương tiện giao thông tương lai này không chỉ giúp di chuyển hiệu quả mà còn thân thiện hơn với môi trường.

Dự án đường sắt cao tốc dưới biển Mumbai - Dubai thu hút sự chú ý đặc biệt của quốc tế. Ảnh: Creative Commons
Hiện nay, để đi từ Mumbai đến Dubai, hành khách thường lựa chọn di chuyển bằng máy bay. Để rút ngắn thời gian, công ty National Advisor Bureau Limited của UAE đang theo đuổi dự án phát triển tàu siêu tốc dưới Biển Arab. Mặc dù du lịch hàng không vẫn là phương thức vận chuyển được ưa chuộng nhất hiện nay, việc mở tuyến đường cao tốc ngầm có thể cung cấp lựa chọn thay thế giá rẻ và thuận tiện hơn cho khách du lịch, đặc biệt những người Ấn Độ muốn đến UAE vì công việc hoặc giải trí.
Ý tưởng trên lần đầu tiên được đề cập vào năm 2018, như một phần của tầm nhìn táo bạo về mạng lưới đường sắt cao tốc dưới nước nối liền các thành phố như Muscat (Oman), Karachi (Pakistan) và Mumbai. Sử dụng công nghệ mới nhất tương tự hệ thống Hyperloop (phương thức vận chuyển hành khách và/hoặc vận chuyển hàng hóa bằng cảm ứng điện từ), dự án do UAE dẫn đầu có thể đưa hành khách xuyên qua quãng đường gần 2.000km với tốc độ từ 600 đến 1.000 km/giờ. Thay vì phải mất 3 đến 3,5 tiếng đồng hồ, mọi người ngồi tàu trong gần 2 tiếng là tới nơi.
Cân nhắc về kỹ thuật và tài chính
Chi tiết dự án vẫn chưa được công bố cụ thể, nhưng thông tin bên lề tiết lộ các bên liên quan đã bắt đầu thảo luận và đàm phán. Nếu tầm nhìn về hành lang đường sắt dưới biển đi vào thực tế, công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2030 và giá vé chắc chắn rẻ hơn so với đi máy bay. Nó cũng mở ra cuộc cách mạng hóa giao thông ở khu vực, thiết lập chuẩn mực mới cho cơ sở hạ tầng quốc tế trong bối cảnh nhu cầu kết nối toàn cầu ngày càng tăng.
Tuy nhiên, cần thừa nhận việc xây dựng đường hầm dưới biển dài 2.000km đặt ra những rào cản kỹ thuật đáng kể. Trước tiên, dự án đòi hỏi khoản đầu tư tài chính lớn, có thể lên tới hàng tỉ USD. Ngoài ra còn có các vấn đề kỹ thuật như duy trì tính toàn vẹn của cấu trúc dưới áp suất cực lớn dưới nước, triển khai hệ thống an toàn mạnh mẽ và phát triển các giải pháp năng lượng bền vững để cung cấp năng lượng cho tàu cao tốc. Trong đó, phối hợp quốc tế và đánh giá tác động môi trường sẽ rất quan trọng đối với hiệu quả của dự án.
Trong một chia sẻ gần đây, Tổng Giám đốc The National Advisor Bureau Limited, Abdulla Al Shehhi cho biết dự án vẫn đang trong giai đoạn ý tưởng và chưa sẵn sàng để triển khai. Trong khi chờ phê duyệt từ các chính phủ có liên quan, ông Al Shehhi nhấn mạnh dự án này là tầm nhìn dài hạn đòi hỏi nền tảng kỹ thuật và chính trị đáng kể. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là cột mốc quan trọng trong cơ sở hạ tầng giao thông quốc tế, giúp xác định lại kết nối khu vực cũng như thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa các bên tham gia.
Ý nghĩa rộng hơn
Nếu tuyến tàu ngầm Mumbai - Dubai được xây dựng thành công, nó có thể biến đổi du lịch xuyên lục địa và thiết lập mô hình cho các dự án tương tự trên toàn thế giới, hướng tới mục tiêu giảm lượng khí thải carbon liên quan du lịch hàng không và phù hợp với các sáng kiến quốc tế nhằm tạo ra các hệ thống giao thông hiệu quả cũng như bền vững.
Không chỉ thúc đẩy tiềm năng ngành công nghiệp không khói thân thiện môi trường, báo cáo của tờ Times of India cho biết tuyến tàu cao tốc Mumbai - Dubai còn mở ra những tiến bộ trong kỹ thuật quan trọng để giải quyết nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng dưới nước trong tương lai. Đồng thời, dự án còn củng cố mối quan hệ văn hóa chặt chẽ và kích thích tăng trưởng kinh tế giữa 2 quốc gia tham gia chính là UAE và Ấn Độ. Trước tiên, bằng cách cung cấp trải nghiệm du lịch mới lạ, tiềm năng dự án có thể thu hút đầu tư toàn cầu, đưa cả 2 quốc gia trở thành những người dẫn đầu trong phát triển cơ sở hạ tầng sáng tạo. Hơn nữa, ngoài chuyên chở hành khách, 2 bên còn có kế hoạch vận chuyển dầu từ UAE đến Ấn Độ và nước ngọt từ sông Narmada của Ấn Độ đến Vùng Vịnh.
Nhìn chung, đây tuy vẫn là ý tưởng mang tính tương lai nhưng tiềm năng tuyến tàu ngầm Mumbai - Dubai mở ra cuộc cách mạng hóa công nghệ giao thông là rất lớn. Các bên liên quan và giới chuyên môn sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các cuộc thảo luận để xem liệu có bất kỳ tiến bộ nào biến tham vọng này thành hiện thực hay không. Nếu được hiện thực hóa, hành lang đường sắt dưới nước sẽ không chỉ là kỳ quan của kỹ thuật hiện đại mà còn mở ra kỷ nguyên kết nối mới giữa Nam Á và Trung Đông. Sự thành công của một dự án như vậy có thể truyền cảm hứng cho các sáng kiến xuyên quốc gia tương tự ở những nơi khác, củng cố ý tưởng tương lai du lịch toàn cầu có thể nằm bên dưới đại dương.