20/04/2025 - 08:53

Nga mở rộng cửa quan hệ với Taliban 

Tòa án Tối cao Nga hôm 17-4 đã “tạm thời” dỡ bỏ lệnh cấm đối với Taliban, lực lượng từng bị Mát-xcơ-va coi là tổ chức khủng bố suốt hơn 20 năm qua. Động thái mới nhất này được cho nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ với lực lượng đang nắm quyền ở Afghanistan.

Các thành viên phái đoàn Afghanistan tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế ở Nga hồi tháng 6-2024. Ảnh: Reuters

“Lệnh cấm trước đây liên quan đến Taliban đã bị đình chỉ, nhóm này không còn nằm trong danh sách liên bang các tổ chức bị coi là khủng bố. Quyết định có hiệu lực pháp lý ngay lập tức” - thẩm phán Tòa án Tối cao Nga Oleg Nefedov phán quyết hôm 17-4.

Trong cuộc gặp với Đại sứ Nga tại Kabul Dmitry Zhirnov, Ngoại trưởng chính quyền Taliban Amir Khan Muttaqi hoan nghênh động thái trên là “diễn biến đáng chú ý trong quan hệ giữa Nga và Afghanistan”. “Với quyết định này, trở ngại duy nhất để tăng cường hợp tác giữa hai nước đã bị loại bỏ” - ông Muttaqi nhấn mạnh.

Theo giới phân tích, phán quyết trên của Tòa án Tối cao Nga rõ ràng là nhằm cho phép Nga hoàn tất các thỏa thuận toàn diện với Afghanistan, nơi Mát-xcơ-va đang tìm cách sử dụng làm trung tâm trung chuyển khí đốt xuất khẩu sang Đông Nam Á.

Evgeniy Smirnov, chuyên gia tại nhóm nhân quyền Pervyi Otdel, cho biết luật hình sự Nga quy định các bản án tù có thời hạn khác nhau đối với hành vi hợp tác với các tổ chức được chỉ định là khủng bố. “Việc tạm thời xóa Taliban ra khỏi danh sách khủng bố nghĩa là tổ chức này thực sự không còn nằm trong danh sách đó. Từ thời điểm này, việc hợp tác với Taliban không còn phải đối mặt với các bản án hình sự nữa” - ông Smirnov giải thích.

Năm 2003, Nga chính thức chỉ định Taliban là một tổ chức khủng bố bởi cho rằng lực lượng này liên quan cuộc nổi loạn của người Hồi giáo ở Bắc Kavkaz và cướp 1 máy bay dân sự của Nga vào năm 1995. Theo luật pháp Nga, bất kỳ thành viên Taliban nào đến Nga đều phải bị bắt và có thể phải đối mặt với án tù lên tới 20 năm vì tội tham gia vào hoạt động khủng bố. Tuy nhiên, trên thực tế, không có bất kỳ thành viên Taliban nào bị bắt giữ khi vào Nga kể từ năm 2016, thời điểm Điện Kremlin mở các cuộc đàm phán không chính thức với Taliban.

Không riêng gì Nga, các quốc gia khác ở châu Á cũng đã cải thiện quan hệ với Taliban trong những năm gần đây dù không có quốc gia nào có động thái công nhận lực lượng này hoàn toàn. Trung Quốc, Ấn Ðộ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar và Iran nằm trong số các nước có đại sứ quán tại Kabul. Ðáng chú ý, Trung Quốc hồi năm 2023 trở thành quốc gia đầu tiên bổ nhiệm đại sứ sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan từ tháng 8-2021.

Ruslan Suleymanov, chuyên gia về Trung Đông, cho hay cho đến nay chưa có quốc gia nào chính thức công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp của Afghanistan. Dù vậy, Taliban luôn nỗ lực chấm dứt tình trạng bị quốc tế cô lập. Theo đó, Taliban đã thuyết phục Kazakhstan và Kyrgyzstan xóa lực lượng này khỏi danh sách các tổ chức khủng bố của 2 nước. Kazakhstan hồi năm 2023 đã đưa Taliban ra khỏi danh sách “các tổ chức khủng bố”. Kyrgyzstan cũng làm điều tương tự hồi năm ngoái. Song, cho đến nay, Taliban chỉ nhận được sự công nhận gián tiếp. Ông Suleymanov cho rằng sở dĩ quốc tế luôn tỏ ra hoài nghi đối với Taliban là bởi lực lượng này thường xuyên tái áp đặt các luật lệ hà khắc ở Afghanistan, gồm những luật lệ được họ áp đặt trong giai đoạn 1996-2001.

Về phần mình, Nga bắt đầu thiết lập quan hệ với các đại diện của Taliban trong bối cảnh quan hệ giữa Mát-xcơ-va và phương Tây ngày càng xấu đi. Kể từ khi Taliban trở lại cầm quyền tháng 8-2021, các đại diện của tổ chức này đã nhiều lần đến thăm thủ đô Mát-xcơ-va và thành phố Saint Petersburg, thậm chí còn tham dự các cuộc họp bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế 2024. Từ cuối năm 2024, Mát-xcơ-va đã xúc tiến thực hiện các bước để đưa Taliban ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá Taliban là đối tác kinh tế tiềm năng và đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố. Đáng chú ý, ông Putin hồi năm ngoái còn ký sắc lệnh nhằm cho phép Taliban được xóa khỏi danh sách các tổ chức khủng bố của Nga. “Mát-xcơ-va sẽ tiếp tục phát triển quan hệ chính trị, thương mại và kinh tế với Kabul” - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố hồi tháng 10 năm ngoái.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết