20/04/2025 - 21:06

Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần tăng trưởng kinh tế 

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã tập trung cung cấp vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống người dân.​

Nông dân huyện Giồng Riềng thu hoạch lúa đông xuân 2024-2025.

Ông Quách Thanh Hùng, ngụ khu phố 6, phường Vĩnh Thông (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) cho biết, vừa vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long (KienlongBank) - Chi nhánh Rạch Giá. Với số tiền này ông Hùng đầu tư cho việc thuê máy tran phẳng mặt ruộng, giúp lúa không còn thất thoát lúc mới gieo sạ. "Tôi vừa thu hoạch 2ha lúa Đài Thơm 8, trừ chi phí lời khoảng 70 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn của KienlongBank nên tôi thuê dịch vụ làm phẳng mặt ruộng, nhờ vậy vụ rồi lúa giống không bị  hao hụt".

Ông Hùng là 1 trong 1.831 hộ nông dân trồng lúa của tỉnh được vay vốn không cần tài sản đảm bảo do KienlongBank - Chi nhánh Rạch Giá phối hợp Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện từ tháng 9-2024 đến nay. Với thủ tục vay đơn giản theo mô hình tổ vay vốn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp do các cấp hội nông dân quản lý, hơn 155,5 tỉ đồng đã được giải ngân đến tay nông dân trồng lúa, giúp họ đầu tư sản xuất, hạn chế tình trạng vay nóng, tín dụng đen trên địa bàn.

Hệ thống ngân hàng tại Kiên Giang đã đóng góp quan trọng bằng việc cung cấp vốn tín dụng cho các doanh nghiệp và nông dân để sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, tạo động lực tăng trưởng kinh tế địa phương. Năm 2024, tổng giá trị sản phẩm GRDP của khu vực 15 đạt khoảng 481,64 ngàn tỉ đồng, chiếm khoảng 34% GRDP vùng ĐBSCL, tốc độ phát triển kinh tế đạt từ 6,44-7,5%, riêng tỉnh Kiên Giang đạt 7,5%.

Theo Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 15 - Trần Văn Phước, ước thực hiện đến 3-2025, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt 136.300 tỉ đồng, tăng 10,32% so cùng kỳ. Đối với lĩnh vực ưu tiên, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 70.949 tỉ đồng, chiếm 52,8% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 18.702 tỉ đồng, chiếm 14% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt 7.693 tỉ đồng, chiếm 6% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh…

Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và người dân là rất quan trọng. Các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều sản phẩm ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp, như các gói giảm lãi suất cho vay, cho vay ưu đãi lãi suất ngắn hạn bằng VND và USD đối với khách hàng doanh nghiệp và cá thể.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - Chi nhánh Kiên Giang là ngân hàng có dư nợ lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với dư nợ 6.596 tỉ đồng, chiếm 4,9% tổng dư nợ trên địa tỉnh Kiên Giang.

Giám đốc Sacombank - Chi nhánh Kiên Giang - Phạm Thái Bình, cho biết: "Nền kinh tế năm 2025 được dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn và thách thức. Để tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, khách hàng, ngay trong những ngày đầu tháng 3-2025, Sacombank triển khai gói tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân với mức lãi suất ưu đãi 4%/năm; đồng thời, phát hành thẻ tín dụng doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp tiện lợi, linh hoạt hơn trong việc chi tiêu trước, thanh toán sau, giải quyết các chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Song song đó, Sacombank cũng ưu đãi về phí đối với giao dịch tại quầy, đặc biệt, giảm 50% phí thanh toán quốc tế đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu".

Ông Lâm Văn Tỷ,  Phó Giám đốc KienlongBank - Chi nhánh Rạch Giá cho biết, tiếp nối thành công từ chương trình cho nông dân trồng lúa vay vốn không tài sản thế chấp từ tháng 9-2024 đến nay, KienlongBank vừa cho ra đời sản phẩm tín dụng "Tín dụng xanh - nước ngọt lành" 100 tỉ đồng dành cho bà con nông dân có nhu cầu mua, lắp đặt các trang thiết bị xử lý nước ngọt, trữ nước ngọt và bơm tưới phục vụ đời sống và sản xuất. Ngoài các chương trình ưu đãi dành riêng cho cá nhân hội viên nông dân, từ 31-3-2025, KienlongBank triển khai gói tín dụng ưu đãi 1.000 tỉ đồng dành cho cá nhân có sản phẩm OCOP. Theo đó, các chủ thể OCOP được cấp hạn mức tín dụng tín chấp lên đến 500 triệu đồng.

Ông Lâm Văn Tỷ cho biết thêm: "Kể từ ngày 31-3-2025, KienlongBank có sản phẩm "Tri ân hội viên nông dân trồng lúa" giảm lãi suất 2%/năm cho nông dân so với thời gian trước đây. Ngoại trừ trường hợp bà con đang có số dư tại công ty tài chính thì được ưu đãi 1% thay vì 2%. Năm 2025, KienlongBank  - Chi nhánh Rạch Giá đề ra mục tiêu đến hết tháng 6 đạt mức giải ngân từ 200 tỉ đồng, đến hết 31-12 đạt mức giải ngân từ 400 tỉ đồng".

Bài, ảnh: AN LÂM

Chia sẻ bài viết