20/04/2025 - 20:43

Bám trụ với nghề làm heo đất 

Cơ sở làm heo đất của vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Tuân, chị Vũ Thị Hải, ngụ khu vực Thới Bình 2, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, khá rộng, nằm dọc tuyến đường Thới Thuận - Thạnh Lộc. Dù không phải mùa cao điểm, nhưng hằng ngày, cơ sở của anh chị giải quyết cho hơn 20 lao động địa phương. Không khí lao động hăng say, mỗi người một việc để cho ra sản phẩm truyền thống phù hợp thị hiếu người dân…

Chị Hải bén duyên với nghề làm heo đất được 5 năm.

Vợ chồng anh Tuân, chị Hải chưa đầy 30 tuổi, nhưng đã có hơn 5 năm gắn bó, bám trụ với nghề làm heo đất. Chị Hải bộc bạch: “Hồi đó, kinh tế của gia đình khó khăn lắm. Ban đầu, chúng tôi đến với nghề này xuất phát từ hai bàn tay trắng. Chồng tôi đi lấy heo đất thành phẩm, rồi đi bán dạo dọc các tuyến đường ở nhiều địa phương. Sau đó, chúng tôi lấy hàng đi bỏ mối cho các tiệm tạp hóa ở các chợ. Khi có nguồn khách hàng ổn định, chúng tôi mạnh dạn đầu tư cơ sở, mua sản phẩm thô, rồi về gia công, hoàn thiện sản phẩm”.

Để cơ sở đi vào hoạt động ổn định như hiện nay, vợ chồng anh Tuân đã trải qua bao thăng trầm, buồn vui với nghề. Cái khó nhất của cơ sở là nguồn lao động có tay nghề. Bởi vì đối với người dân địa phương thì đây là nghề mới, ít người làm, nên không thạo việc. Để có một sản phẩm heo đất hoàn thiện ra đời, anh chị nhập heo đất thô ở Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, rồi cho nhân công thực hiện các công đoạn chà nhám, vẽ họa tiết… Trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh chị giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động thường xuyên, vào vụ thì tăng gấp đôi. Bà Nguyễn Thị Năm, người dân địa phương, nhiều năm gắn bó với công việc chà nhám, nên đôi tay bà thoăn thoắt, thành thục từng động tác. Bà Năm chia sẻ: “Tôi làm công, ăn lương theo sản phẩm. Trung bình, tôi làm từ lúc 7 giờ đến xế trưa, thu nhập tầm khoảng 200.000 đồng. Với mức thu nhập này đủ giúp gia đình tôi xoay xở cho các khoản chi phí sinh hoạt trong nhà”.

Người lao động chà nhám heo đất thô.

Để tạo ra nhiều sản phẩm bảo đảm thẩm mỹ, thị hiếu khách hàng, thao tác của người thợ phải nhanh và khéo léo. Với thị trường nhiều cạnh tranh, vợ chồng chị Hải phải tự tìm cho mình lối đi riêng, luôn sáng tạo trong từng mẫu sản phẩm. “Ngoài làm heo đất, tôi tìm mua các mẫu như 12 con giáp theo từng năm hoặc các nhân vật hoạt hình được trẻ nhỏ ưa thích. Nhờ tạo hình, kiểu dáng, họa tiết khác lạ, nên rất được khách hàng ưa chuộng”, chị Hải bộc bạch.

Hằng năm, từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau là thời gian sản phẩm này hút hàng. Một ngày, cơ sở heo đất của anh chị có thể cho ra từ 2.800 đến hơn 3.000 heo đất lớn, nhỏ. Theo chị Hải, heo đất gắn liền với tuổi thơ của biết bao trẻ nhỏ; là vật ai cũng từng sở hữu để cất giữ tiền tiết kiệm, tiền lì xì. Điều hấp dẫn ở mỗi heo đất chính là sắc màu bắt mắt, những nét vẽ đơn sơ nhưng hài hòa, tạo nên những heo đất trong sáng, hồn nhiên. Chị Lê Thị Bích, phụ trách pha màu, họa tiết của cơ sở, nói: “Từ màu đất trắng nâu mộc mạc khi mới ra lò, với những nét chấm phá nhẹ nhàng, người thợ đã khoác lên mình heo đất bộ áo mới, thu hút người mua”.

Heo đất của cơ sở vợ chồng anh Tuân chị Hải được ưa chuộng ở nhiều tỉnh, thành. Nhờ vậy, người lao động nơi đây an tâm bám trụ với nghề. Không giấu niềm hạnh phúc khi theo đuổi nghề truyền thống, anh Nguyễn Văn Kiên, bộc bạch: “Nghề này tuy cực, cứ quanh quẩn với bùn đất, dính màu lem luốc nhưng cũng có niềm vui riêng. Gắn bó với nghề, chúng tôi có công ăn việc làm, thu nhập khá ổn định”.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Công chức Văn hóa - Xã hội, UBND phường Thuận An, cho biết: “Nghề làm heo đất dẫu lấm lem bùn đất, màu sơn, nhưng vợ chồng chị Hải vẫn giữ lửa đam mê với nghề, cố gắng gìn giữ để nghề truyền thống không bị mai một. Cơ sở của vợ chồng anh chị đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp họ có thêm thu nhập, ổn định đời sống”.

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết