17/03/2015 - 09:34

Giới thiệu tinh hoa, giá trị của bánh dân gian Nam bộ ra thế giới

 

Sau 3 lần tổ chức thành công, Ngày hội bánh dân gian Nam bộ tại TP Cần Thơ lần thứ IV năm 2015 (dự kiến từ ngày 27-4 đến 1-5) được nâng tầm thành lễ hội. Với chủ đề "Bánh dân gian Nam bộ hướng đến hội nhập", theo Ban tổ chức, lễ hội năm nay sẽ thực hiện với qui mô lớn hơn, không chỉ qui tụ các món bánh đặc sản của miền đất Nam bộ mà còn có rất nhiều loại bánh ngon của các vùng miền khác và trên thế giới. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch (XT ĐT TM DL) TP Cần Thơ, Phó Ban thường trực Ban Tổ chức "Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ" lần thứ IV năm 2015.

* Ông có thể giới thiệu sơ lược qui mô của Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ IV?

- Với mục đích nhằm quảng bá các sản phẩm đặc trưng được làm từ gạo, nếp, bột gạo, bột nếp, các loại rau, củ, quả, ngũ cốc… của Nam bộ. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thương phẩm của hạt gạo và ngũ cốc, đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho người dân Nam bộ. Năm 2015, Ngày hội bánh dân gian Nam bộ được nâng tầm thành Lễ hội bánh dân gian Nam bộ và được thực hiện với quy mô lớn hơn, thời gian tổ chức được kéo dài hơn (5 ngày) so với các ngày hội trước. Lễ hội diễn ra tại vòng xoay công viên nước với khuôn viên rộng 2 hecta.

Tham gia lễ hội là các nghệ nhân, cơ sở sản xuất, nhà hàng – khách sạn, công ty du lịch lữ hành và các đơn vị sản xuất khác trong và ngoài nước với qui mô trên 100 gian hàng, trong đó có các gian hàng của doanh nghiệp quốc tế, cam kết có hơn 100 loại bánh dân gian và 50 món ăn đặc sản vùng miền trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động hưởng ứng lễ hội như: trình diễn nghệ thuật làm bánh, hướng dẫn làm bánh, thi làm bánh và ăn bánh cho người lớn và trẻ em; cuộc thi làm bánh ngon và ẩm thực giữa các đơn vị tham gia lễ hội; các trò chơi dân gian; biểu diễn nghệ thuật dân gian (đờn ca tài tử, múa Khmer, biểu diễn võ Vovinam, thư pháp, vẽ nghệ thuật…) và các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ. Dự kiến thu hút khoảng 70.000 lượt khách du khách trong và ngoài nước đến tham quan và thưởng thức.

Với chủ đề "Bánh dân gian Nam bộ hướng đến hội nhập", lễ hội năm nay còn có sự tham dự của một số đoàn quốc tế. Ảnh: N. HƯƠNG

* Lễ hội năm nay có gì nổi bật? Ở phần hội, các trò chơi dân gian được phục dựng như thế nào, thưa ông?

- Với xu thế hội nhập toàn diện trong các lĩnh vực, văn hóa ẩm thực cần được chủ động hội nhập quốc tế. Chủ đề của lễ hội năm nay là "Bánh dân gian Nam bộ hướng đến hội nhập" có ý nghĩa giới thiệu những tinh hoa và giá trị bánh dân gian Nam bộ ra thế giới, giúp cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người, văn hóa ẩm thực truyền thống, đặc biệt là các loại bánh dân gian của con người Nam bộ, tạo dựng lòng tin và sự yêu mến đối với Việt Nam, góp phần thúc đẩy việc triển khai quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác. Ngoài ra, đây cũng là dịp để người dân Nam bộ nói chung và Cần Thơ nói riêng giao lưu và tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài. Điểm nhấn của "Lễ hội bánh dân gian Nam bộ" năm nay là có sự tham dự của nghệ nhân của nhiều dân tộc của Việt Nam lẫn quốc tế. Tham gia lễ hội du khách sẽ được thưởng thức giao lưu ẩm thực, văn hóa nghệ thuật đặc sắc các dân tộc vùng ĐBSCL (Kinh, Chăm, Hoa, Khmer…), các dân tộc vùng Tây Nguyên. Đặc biệt có sự tham gia của các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore…

Trong bối cảnh hiện nay, bảo tồn, lưu giữ và phát triển các trò chơi văn hóa dân gian đang được đặc biệt chú trọng. Ở phần hội sẽ tái hiện lại các trò chơi dân gian sinh động, mang đậm chất truyền thống như: ô quan, cờ nhào, đi cầu khỉ trên cạn, bịt mắt đập heo, đua cà kheo, nhảy bao bố, bịt mắt ăn bánh… Đặc điểm chung của trò chơi dân gian này là rất đơn giản, dễ chơi, dễ hòa nhập và mang đậm nét truyền thống, các trò chơi được dựng lại với các vật dụng bằng tre, mây, nứa… thực hiện trong khung cảnh đậm nét cổ truyền dân tộc.

* Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần IV năm 2015 rơi vào thời điểm nghỉ lễ. Vậy, Ban Tổ chức đã liên kết với các công ty du lịch như thế nào để thu hút khách du lịch đến TP Cần Thơ?

- Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch thực hiện lễ hội chúng tôi cũng quan tâm đến phương án hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài TP Cần Thơ để đưa thông tin về lễ hội đến với du khách trong và ngoài nước để các công ty du lịch sớm chủ động lập kế hoạch, xây dựng tour du lịch. Ngoài ra, Ban Tổ chức lễ hội phát hành nhiều tờ bướm, giá chữ giới thiệu về lễ hội đặt tại các công ty du lịch để các du khách nắm bắt nhanh thông tin.

Ngoài ra, để đảm bảo lễ hội phục vụ tốt và an toàn Ban Tổ chức phối hợp với các đơn vị như: Công an thành phố (chủ trì phối hợp), Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố… thực hiện an ninh, trật tự, an toàn mọi mặt trong thời gian tổ chức Lễ hội. Sở Y tế thành phố chủ trì chỉ đạo Chi Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Bệnh viện và các bộ phận liên quan đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các vấn đề có liên quan trong những ngày tổ chức lễ hội. UBND quận Ninh Kiều phối hợp với Điện lực Ninh Kiều, Công ty TNHH MTV Công trình đô thị, Công ty TNHH NN MTV Cấp thoát nước Cần Thơ, Công ty cổ phần du lịch Cần Thơ đảm bảo điện, nước, môi trường, cảnh quan trong thời gian diễn ra lễ hội. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng yêu cầu các đơn vị, nghệ nhân tham gia lễ hội đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm các loại thức ăn, bánh để phục vụ tốt du khách. Đối với các tiểu thương nhỏ lẻ sẽ được phổ biến, tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm trước lễ hội. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm thực hiện việc kiểm tra vệ sinh đối với các thực phẩm, bánh…

* Xin cảm ơn ông!

NAM HƯƠNG (Thực hiện)

Ông Nguyễn Khánh Tùng cho rằng: Ban tổ chức luôn tạo điều kiện tốt nhất để các đơn vị tham gia Lễ hội bánh dân gian lần IV năm 2015. Các đơn vị tham gia sẽ được hỗ trợ: Nguồn điện và đèn chiếu sáng, nước, 1 bàn 2 ghế, bảng tên gian hàng, đặc biệt là được hỗ trợ miễn phí 1 bình gas (12 kg).

Đối với nghệ nhân tham gia biểu diễn, Ban Tổ chức sẽ hỗ trợ mặt bằng biểu diễn và nguyên vật liệu.

Chia sẻ bài viết