29/03/2018 - 07:39

Giảm lượng lúa giống gieo sạ nhờ cơ giới hóa 

Ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ vừa tổ chức Hội thảo ứng dụng cơ giới hóa giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa vụ đông xuân 2017-2018. Qua thực tế triển khai mô hình trình diễn đã chứng minh ứng dụng cơ giới hóa sẽ giảm được một lượng lớn giống gieo sạ, lúa ít sâu bệnh, trúng mùa, giúp tăng thu nhập và lợi nhuận đáng kể cho người nông dân.

Hiệu quả bước đầu

Vụ đông xuân 2017-2018, TP Cần Thơ đã chọn 4 hộ nông dân của Hợp tác xã Nông nghiệp Huỳnh Phúc (xã Thạnh Lợi) và Hợp tác xã Nông nghiệp Hiếu Bình (xã Thạnh An), huyện Vĩnh Thạnh tham gia mô hình ứng dụng cơ giới hóa giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa. Mỗi hộ tham gia với diện tích 1ha để ngành nông nghiệp so sánh hiệu quả việc áp dụng cơ giới hóa trong gieo sạ; gồm các phương pháp gieo sạ như: sạ bằng máy sạ hàng và dụng cụ sạ hàng (100kg/ha), sạ bằng máy phun hạt (130 kg/ha), cấy bằng máy (40 kg/ha) và sạ lan bằng tay (150 kg/ha).

Ruộng mô hình ứng dụng cơ giới hóa giảm lượng giống gieo sạ tại huyện Vĩnh Thạnh cho lợi nhuận cao. Ảnh: ANH KHOA
Ruộng mô hình ứng dụng cơ giới hóa giảm lượng giống gieo sạ tại huyện Vĩnh Thạnh cho lợi nhuận cao. Ảnh: ANH KHOA

Song song với mô hình ứng dụng cơ giới hóa giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại huyện Vĩnh Thạnh, ngành nông nghiệp thành phố cũng triển khai thực hiện mô hình ứng dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất lúa (trong khuôn khổ Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững

- VnSAT) cho các hộ dân. Nông dân tham gia mô hình thí điểm phải tuân thủ hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và ghi chép đầy đủ thông tin liên quan đến ruộng mô hình vào sổ nhật ký sản xuất như: công lao động, vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…), tình hình sâu bệnh và thiên địch xuất hiện trên ruộng thí nghiệm…

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, kết quả thực hiện mô hình cho thấy sạ thưa kết hợp với bón phân cân đối, nên các ruộng cấy máy hoặc sạ hàng ít sâu bệnh hơn so với sạ máy phun hoặc sạ tay. Số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm từ 1-2 lần, giảm chi phí đầu tư và quan trọng hơn chính là bảo vệ môi trường, tăng chất lượng lúa gạo, cho năng suất lúa cao hơn. Về hiệu quả kinh tế, ruộng cấy máy (40 kg/ha) chi phí đầu tư là cao nhất (hơn 20 triệu đồng/ha), nhưng vẫn đạt lợi nhuận cao nhất so với 3 phương pháp sạ và mật độ sạ còn lại. Ruộng sạ hàng 100 kg/ha chi phí đầu tư thấp hơn ruộng cấy máy khoảng 5 triệu đồng nhưng lợi nhuận vẫn tương đương nhau.

Cụ thể: ruộng cấy máy (40 kg/ha) tổng chi phí đầu tư 20,33 triệu đồng/ha (chi phí lao động 12,73 triệu đồng, vật tư 7,6 triệu đồng), năng suất 11,2 tấn/ha, với giá lúa tươi 6.200 đồng/kg cho thu nhập 69,44 triệu đồng, lợi nhuận đạt 49,1 triệu đồng/ha. Ruộng sạ hàng (100 kg/ha) tổng chi phí đầu tư 15,21 triệu đồng/ha, năng suất 10,32 tấn, với giá lúa tươi 6.200 đồng/kg cho thu nhập 63,98 triệu đồng, lợi nhuận đạt 48,67 triệu đồng/ha. Ruộng sử dụng phương pháp phun máy (130 kg/ha) tổng chi phí đầu tư 14,52 triệu đồng/ha, năng suất 8,95 tấn, với giá lúa tươi 5.700 đồng/kg cho thu nhập 51,01 triệu đồng, lợi nhuận đạt 36,48 triệu đồng/ha. Ruộng sạ tay (150 kg/ha) tổng chi phí đầu tư 18,06 triệu đồng/ha, năng suất 8,93 tấn, với giá lúa tươi 5.700 đồng/kg cho thu nhập 50,9 triệu đồng, lợi nhuận đạt 32,84 triệu đồng/ha.

Đẩy mạnh cơ giới hóa

Theo nông dân Phạm Phi Hùng, ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh (Hợp tác xã Nông nghiệp Huỳnh Phúc), ruộng lúa của ông gieo sạ khoảng 150 kg/ha (sạ tay), dù rất muốn áp dụng sạ thưa với lượng giống 80-100 kg/ha nhưng chi phí thuê máy cấy khá cao. Lẽ đó, ông Hùng và nhiều nông dân ở đây mong muốn được Dự án VnSAT hỗ trợ máy cấy, áp dụng cơ giới vào sản xuất lúa để đạt hiệu quả kinh tế hơn.

Anh Liêu Thanh, Phó Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Hiệu quả của mô hình thí điểm đã rõ, huyện đề xuất tiếp tục mở rộng ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa từ công đoạn gieo sạ đến thu hoạch, nhằm giảm chi phí giá thành sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân. Đồng thời, kiến nghị Dự án VnSAT hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho việc sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, hợp tác, tạo điều kiện áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật. 

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tư vấn cho Dự án VnSAT, trước đây nông dân gieo sạ trên 400 kg/ha. Từ những năm 2007-2008 nhờ đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” nông dân đã từng bước giảm giống gieo sạ. Lượng lúa giống gieo sạ từ 80kg đến dưới 100 kg/ha là mật độ gieo sạ tốt nhất. Muốn làm được điều này, nông dân phải xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã để củng cố đê bao, trạm bơm; tổ chức sản xuất lúa giống và chia sẻ giống xác nhận; phát triển phong trào cơ giới hóa, dựa vào một phần hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư máy cấy, máy sạ hàng để thực hiện giảm giống gieo sạ.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho rằng: Mô hình thí điểm với 4 phương pháp và mật độ gieo sạ khác nhau cho nông dân đạt hiệu quả khá cao. Thành phố đã có những chính sách hỗ trợ cho nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa và mô hình thí điểm thành công là điều kiện cần thiết để khuyến khích nông dân đẩy mạnh cơ giới sản xuất lúa.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết