29/09/2022 - 17:06

Giải ngân vốn FDI tăng 16,2% so cùng kỳ 

Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng năm 2022,  vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đạt khoảng 15,4 tỉ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Khối ngoại đã đóng góp tích cực vào đà phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn: Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài.

Tín hiệu tích cực

Trong 9 tháng năm 2022, có 40 địa phương cả nước có dự án FDI đăng ký mới, với 1.355 dự án, tăng 11,8% về dự án so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, vốn đăng ký mới chỉ bằng 84,7% so cùng kỳ, với hơn 7,12 tỉ USD. Theo Cục đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20-9-2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18,7 tỉ USD. Tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và biến động địa - chính trị toàn cầu, song vốn điều chỉnh và GVMCP tăng lần lượt 29,9% và 1,9%. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 15,4 tỉ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo các chuyên gia kinh tế, mô trường đầu tư kinh doanh Việt Nam được cải thiện mạnh mẽ và được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Thêm vào đó, các tổ chức, ngân hàng quốc tế đều nhận định lạc quan về đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua; Việt Nam còn là quốc gia Đông Nam Á duy nhất không bị hạ dự báo tăng trưởng theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới. Cùng đó, các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế được triển khai đồng bộ, có hiệu quả là động lực để khối ngoại tăng giải ngân vốn và chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Những tín hiệu tích cực này thể hiện có đến 769 lượt dự án FDI đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 13,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8,3 tỉ USD. Có 2.697 lượt GVMCP của nhà đầu tư FDI, tổng giá trị vốn góp đạt trên 3,28 tỉ USD.

Trong 9 tháng năm 2022, phân theo ngành đầu tư, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư, khi thu hút tổng vốn trên 12,1 tỉ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư trên 3,5 tỉ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, bán buôn và bán lẻ cũng thu hút khá lớn vốn FDI, với vốn đăng ký đạt lần lượt 676,9 triệu USD và 617,9 triệu USD.

Các nhà đầu tư nước ngoài đóng góp đáng kể vào cán cân thương mại của Việt Nam. Trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI đạt trên 210,8 tỉ USD (kể cả dầu thô), tăng 18,4% so cùng kỳ và chiếm đến 7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 181,78 tỉ USD, tăng 13,8 % so cùng kỳ và chiếm 65,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tính chung trong 9 tháng, khu vực FDI xuất siêu trên 29 tỉ USD (kể cả dầu thô), nếu không kể dầu thô, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu trên 27,3 tỉ USD. Trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu trên 23,3 tỉ USD.

Theo Cục đầu tư nước ngoài, các ngành công nghệ, sản xuất, dược phẩm, năng lượng… là những ngành còn dư địa lớn để thu hút vốn FDI. Cùng với chính sách mở cửa nền kinh tế, các hiệp định tự do thế hệ mới với các cam kết phát triển khá rộng mở là những động lực mới để hút dòng đầu tư ngoại vào Việt Nam thời gian tới.

Để tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam có độ mở khá cao là thuận lợi để thu hút vốn FDI; đặc biệt năm 2022 được dự báo sẽ có sự dịch chuyển mạnh dòng vốn FDI dựa vào khả năng phục hồi kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các quốc gia. Với các diễn biến hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư ngoại. Cùng với nỗ lực phục hồi kinh tế, các ngành các cấp cũng đang nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Song, thận trọng và chắc lọc dự án, tránh dự án công nghệ kém và lạc hậu, ô nhiễm cũng được các chuyên gia khuyến cáo các địa phương trong chiến lược thu hút vốn FDI.

Nguồn: Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài.

Cả nước hiện có 35.725 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký trên 431,56 tỉ USD; vốn thực hiện 267 tỉ USD, bằng 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Hiện có 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu, tiếp đến là Singapore, Nhật Bản và Đài Loan, HongKong…  

Theo Cục đầu tư nước ngoài, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 256,4 tỉ USD (chiếm 59,4% tổng vốn đầu tư). Lĩnh vực kinh doanh bất động sản gần 65,5 tỉ USD (chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 36,4 tỉ USD (chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư)… Trong các tỉnh, thành, TP Hồ Chí Minh là địa phương có vốn FDI cao nhất, với trên 55,4 tỉ USD (chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư); Bình Dương xếp vị trí thứ hai với trên 39,6 tỉ USD (chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư); Hà Nội trên 38,1 tỉ USD (chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư).

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đón đầu xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI trên toàn cầu, các địa phương cần chủ động trong đào tạo lao động trình độ tay nghề cao, phù hợp với ngành, nghề, lĩnh vực mà địa phương muốn thu hút vốn FDI. Đồng ‘thời phải huy động tốt các nguồn lực nhằm tạo quỹ “đất sạch” cho mời gọi đầu tư và có bộ phận hỗ trợ các dự án lớn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện khi được chấp thuận đầu tư.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết