22/09/2022 - 09:20

Giấc mơ carbon trung tính của Đan Mạch vỡ tan 

Thủ đô Copenhagen (Đan Mạch), nơi từ lâu được tôn vinh là một trong những thành phố xanh nhất thế giới nhờ văn hóa đạp xe cùng với nhiều sáng kiến xanh khác, mới đây tuyên bố từ bỏ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025. Việc Copenhagen “vỡ kế hoạch” trong cuộc đua toàn cầu về carbon trung tính là dấu hiệu cảnh báo đối với những nước đặt mục tiêu carbon trung tính khác, qua đó cho thấy các cam kết ngưng góp phần gây ra biến đổi khí hậu đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ hơn.

Người dân đạp xe trên đường phố Copenhagen. Ảnh: iStock

Người dân đạp xe trên đường phố Copenhagen. Ảnh: iStock

Kể từ năm 2012 khi Copenhagen đưa ra tham vọng trở thành thành phố carbon trung tính đầu tiên trên thế giới vào năm 2025, thủ đô của Đan Mạch đã được quốc tế công nhận, từ đó nâng cao danh tiếng đáng kể. Theo kế hoạch, thành phố dự kiến sẽ cắt giảm 80% lượng khí thải bằng sử dụng năng lượng sinh khối, năng lượng gió và năng lượng mặt trời, cải tạo các tòa nhà sao cho chúng có thể tiết kiệm năng lượng cũng như cải tạo giao thông công cộng. Lượng khí thải còn lại sẽ được xử lý bằng cách lắp đặt công nghệ thu hồi và lưu trữ (CCS) tại nhà máy biến chất thải thành năng lượng.

Song, Quốc hội Đan Mạch khi đó đã bác bỏ đơn yêu cầu triển khai CCS tại nhà máy điện than ở phía Bắc bán đảo Jutland của Công ty năng lượng Vattenfall (Thụy Điển), bởi giới chính trị gia Đan Mạch muốn theo dõi tính hiệu quả của CCS ở nước ngoài trước khi cho phép nó được triển khai ở nước này. Thay vào đó, mục tiêu carbon trung tính của Copenhagen dựa trên kỳ vọng giảm lượng khí thải bằng cách tái chế nhiều hơn chất thải nhựa và gia tăng tỷ lệ chất thải hữu cơ.

Tuy nhiên, khi lộ trình thứ ba và cuối cùng cho quá trình chuyển đổi của Copenhagen được công bố vào năm ngoái, còn tới 430.000 tấn CO₂ cần giảm nữa mới đạt được mục tiêu ban đầu. Cùng với các biện pháp khác, CCS được cho là sẽ giúp đạt mục tiêu cắt giảm 390.000 tấn CO₂.  Thế nhưng, vào đầu tháng 8 vừa qua, Nhà máy điện AMAGER, đơn vị chủ quản của nhà máy biến chất thải thành năng lượng nói trên thông báo rằng họ không đủ điều kiện để lắp đặt CCS. Do đó, Copenhagen buộc phải tuyên bố từ bỏ mục tiêu carbon trung tính.

Thật ra, Copenhagen không đơn độc trong việc đưa công nghệ CCS vào chiến lược khí hậu. Các thủ đô Oslo (Na Uy) và Stockholm (Thụy Điển) cũng có kế hoạch đạt mức thải ròng bằng 0 nhờ vào CCS. Song, công nghệ thu giữ carbon này lại có thành tích kém. Nghiên cứu của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính cho thấy, các dự án CCS có xu hướng hoạt động kém hiệu quả so với mục tiêu cắt giảm phát thải của các nước này.

Mặc dù Copenhagen không đạt được mục tiêu đề ra nhưng Đan Mạch vẫn là nước đi đầu trong việc khử carbon. Trong khi Thỏa thuận Xanh của Liên minh châu Âu đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% lượng khí hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Đan Mạch đặt ra mục tiêu tham vọng nhiều hơn ở cấp quốc gia. Theo Bộ Ngoại giao Đan Mạch, nước này sẽ giảm 70% lượng khí thải CO₂ vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tương tự như Copenhagen, các thành phố như Glasgow (Scotland) hay Helsinki (Phần Lan), các quốc gia như Thụy Điển hay Vương quốc Anh và các công ty gồm Tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới IKEA (Thụy Điển) hay Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Apple (Mỹ) cũng đưa ra mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030, 2045 hoặc 2050. Tuy nhiên, nhiều báo cáo và nghiên cứu khác nhau cho thấy những cam kết này thường bỏ qua các chi tiết quan trọng, bằng cách không đưa vào các báo cáo tiến độ hoặc chỉ rõ mức phát thải mà họ đặt mục tiêu. Giới phê bình từng cảnh báo rằng mục tiêu carbon trung tính của họ chỉ nhằm mục đích nâng cao danh tiếng và làm giảm đi tính cấp thiết của việc khử carbon.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết việc thiếu sự hợp tác quốc tế có nguy cơ làm suy yếu nỗ lực khử carbon trong các lĩnh vực gây ô nhiễm và có thể khiến cho con đường hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 bị trì hoãn hàng thập niên. IEA nhấn mạnh, sự phối hợp nhiều hơn giữa các quốc gia sẽ làm cho các công nghệ xanh rẻ hơn, từ đó giúp các nước đang phát triển có thể triển khai trên quy mô lớn.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết