24/09/2019 - 15:10

Gia tăng kiện tụng về bản quyền âm nhạc 

Những vụ kiện về vi phạm bản quyền âm nhạc đang gia tăng và có xu hướng ngày càng phức tạp hơn, khiến ngành công nghiệp âm nhạc hiện đại đối mặt với nhiều sự rủi ro đến từ những cuộc chiến pháp lý.

“Dark Horse”, ca khúc khiến Katy Perry vướng vào kiện tụng.

“Dark Horse”, ca khúc khiến Katy Perry vướng vào kiện tụng.

Bồi thẩm đoàn Liên bang Mỹ vừa đưa ra phán quyết, ca sĩ Katy Perry và hãng đĩa chủ quản Capitol Records phải bồi thường vì những cáo buộc liên quan đến vi phạm bản quyền âm nhạc. “Dark Horse” (2013) - ca khúc nằm trong album bán được hơn 13 triệu bản của Katy Perry, từng được trình diễn trong chương trình Super Bowl và nhận đề cử Grammy, vướng cáo buộc vi phạm bản quyền từ rapper Flame. Sau khi “Dark Horse” “làm mưa làm gió” các bảng xếp hạng thì Flame đã cáo buộc rằng “Dark Horse” ăn cắp nhịp phách từ ca khúc “Joyful Noise” (2009) của anh.

Cuộc chiến pháp lý giữa hai bên đã giằng co trong nhiều năm và đến tháng 8 vừa qua, Katy Perry bị xử thua kiện và phải bồi thường 2,78 triệu USD. Phía Katy Perry vẫn không đồng tình với phán quyết này, tiếp tục tranh tụng. Christine Lepera, luật sư của Katy Perry, cho rằng họ đang sở hữu những chất liệu cơ bản của âm nhạc mà mọi người đều được sử dụng. Nhận định này được nhiều người đồng tình và họ cảnh báo rằng phán quyết trong vụ này sẽ tạo ra các tiền lệ nguy hiểm cho những vụ kiện phức tạp trong tương lai.

Minh chứng là vụ kiện của Blurred Lines mà Robin Thicke và Pharrell Williams phải trả giá vào năm 2015, đã nới lỏng các tiêu chuẩn xác định đạo nhạc và mở rộng phạm vi những “chất liệu” có thể được bảo vệ bởi luật bản quyền. Gần một thập kỷ trước, các luật sư về bản quyền và những nhà sáng tạo âm nhạc luôn mặc định rằng: cáo buộc đạo nhạc chỉ được áp dụng cho lời và giai điệu, chứ không phải những chi tiết mơ hồ như nhịp điệu, nhịp phách và cảm giác. Tuy nhiên, vụ kiện Blurred Lines đã thay đổi suy nghĩ này, khi tòa phán quyết các tác giả của bài hát phải trả hơn 5 triệu USD cho gia đình cố nghệ sĩ Marvin Gaye, vì nghe nó có cảm giác quá giống bài “Got to Give It Up” (1977) của ông. Thời điểm đó, Robin Thicke và Pharrell Williams bị cáo buộc thua kiện đã lên tiếng rằng: “Chúng tôi thất vọng với phán quyết được đưa ra, bởi sẽ tạo ra tiền lệ khủng khiếp cho âm nhạc và sự sáng tạo trong tương lai”.

Thực tế đang có sự gia tăng đáng báo động về những vụ kiện bản quyền âm nhạc, nhưng đúng sai vẫn đang được tranh cãi. Kenneth Freundlich, luật sư chuyên mảng giải trí tại Los Angeles cho hay kể từ vụ Blurred Lines thì ngày càng có nhiều cuộc gọi tới các văn phòng luật với câu hỏi: “Bài này nghe hơi giống bài kia đấy. Luật sư thấy thế nào?”. Christopher Buccafusco, Giáo sư Luật chuyên về bản quyền âm nhạc, đang điều hành chương trình sở hữu trí tuệ của Trường Luật Cardozo, nói rằng việc tìm ra nguyên đơn cho các vụ kiện cáo về vài điểm giống nhau giữa các bài hát cũng dễ dàng. Đó có thể là cộng đồng yêu thích ca khúc hay con cháu, người thừa kế, thành viên gia đình của những nghệ sĩ đã qua đời hoặc nghỉ hưu.

Khi vụ kiện của Katy Perry vẫn chưa hết ồn ào thì Ed Sheeran bị cáo buộc rằng ca khúc “Thinking Out Loud” vi phạm bản quyền bài “Let’s Get It On”. Vụ kiện cũng đã kéo dài hơn 1 năm vẫn chưa kết thúc.

Vì thế, phán quyết đối với Katy Perry và Capitol Records có thể sẽ tác động rất lớn đến ngành công nghiệp âm nhạc hiện đại.

Bảo Lam (Theo Rollingstone)

Chia sẻ bài viết