27/06/2022 - 19:13

G7 tìm cách chống ảnh hưởng của Trung Quốc 

Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cho biết đã khởi động kế hoạch “Quan hệ Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu - PGII”, như một phần trong nỗ lực tạo ra những giá trị tương phản với sáng kiến ​ “Vành đai, Con đường - BRI” của Trung Quốc.

Tuyên bố trở thành hành động

Tổng thống Biden phát biểu tại thượng đỉnh G7. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Biden phát biểu tại thượng đỉnh G7. Ảnh: Getty Images

Tiền thân của PGII là sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn - B3W”, được đưa ra trong khuôn khổ thượng đỉnh G7 diễn ra ở Anh vào năm ngoái. Kế hoạch có phạm vi toàn cầu, nhằm giúp những quốc gia thu nhập thấp và trung bình xây dựng hạ tầng, mở ra quan hệ đối tác “định hướng giá trị, tiêu chuẩn cao và minh bạch”.

Trong nỗ lực biến kế hoạch thành hành động, các nhà lãnh đạo G7 tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay ở Đức tuyên bố đổi tên sáng kiến và đưa ra một số cam kết cụ thể. Theo đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington dự kiến huy động 200 tỉ USD vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân và nguồn viện trợ không hoàn lại trong 5 năm tới để hỗ trợ dự án ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, góp phần giải quyết biến đổi khí hậu và cải thiện sức khỏe toàn cầu, bình đẳng giới và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Trong cùng thời gian, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ đầu tư hơn 300 tỉ USD cho sáng kiến ​​này. Ngoài ra, Mỹ và đối tác trong G7 sẽ tiếp tục nỗ lực kêu gọi thêm hàng trăm tỉ USD vốn bổ sung từ các đối tác cùng chí hướng khác, hệ thống ngân hàng phát triển đa phương và tổ chức tài chính phát triển, các quỹ đầu tư quốc gia và hơn thế nữa.

Về tổng thể, các nước đặt mục tiêu tới năm 2027 huy động 600 tỉ USD. “Đó là khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cho tất cả mọi người” - Tổng thống Biden khẳng định.

“Đại chiến” địa chính trị

PGII đang tài trợ cho các dự án thuộc 4 hạng mục chính: năng lượng sạch, hệ thống y tế, bình đẳng giới, công nghệ thông tin và truyền thông. Ngoài ra, giới phân tích cho rằng phương Tây thông qua kế hoạch này còn muốn tạo ra các giá trị, tiêu chuẩn và cách thức kinh doanh tương phản với sáng kiến BRI, từ đó đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc. Gần 10 năm qua, sáng kiến của Trung Quốc tập trung vào các dự án xây dựng cầu đường, khai thác mỏ và nhiều công trình hạ tầng cứng khác ở các nước đang phát triển. Với tổng đầu tư ước tính khoảng 1.000 tỉ USD và có hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia, BRI được cho giúp Trung Quốc đi lên vị trí thống trị trong lĩnh vực tài chính phát triển toàn cầu.

Trong bối cảnh Trung Quốc luôn giữ bí mật về các khoản cho vay, họ cũng đối mặt cáo buộc của phương Tây về việc đang dùng chính sách “ngoại giao bẫy nợ” khiến các nước nghèo không thể trả nợ, cuối cùng phải từ bỏ quyền kiểm soát các tài sản chủ quyền quan trọng như sân bay, cảng biển để bù lại. Vấn đề là cuộc chiến thông tin từ phương Tây nhằm hạ thấp sáng kiến của Trung Quốc dường như không hiệu quả khi nhiều quốc gia đang phát triển vẫn phớt lờ và tiếp tục tìm kiếm đầu tư từ Trung Quốc, theo chuyên gia chính sách cấp cao của Trung tâm Phát triển Toàn cầu W. Gyude Moore.

Phát biểu bên lề hội nghị ở Đức, Tổng thống Biden cho biết Nhóm G7 có hàng chục dự án đang thực hiện trên toàn cầu và nỗ lực này là bằng chứng cho thấy các nền dân chủ có thể mang lại hiệu quả nhưng ít ràng buộc hơn so với cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ.

MAI QUYÊN (Theo Canberra Times, NPR)

Chia sẻ bài viết