29/05/2019 - 19:08

F-35 trong chiến lược FOIP của Nhật Bản 

Trong ngày cuối cùng của chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản 28-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cùng Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe tham quan khu trục hạm chở trực thăng JS Kaga tại cảng Yokosuka.

F-35B trong một lần hạ cánh thẳng đứng. Ảnh: Defense News

Sự kiện trên đánh dấu lần đầu tiên một nguyên thủ Mỹ đặt chân lên tàu của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF). Các nhà phân tích nhận định động thái chính trị này cho thấy mức độ tiến tới xây dựng một liên minh giữa hai nước và đây sẽ là trọng tâm trong chiến lược “Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Được đề xuất lần đầu tiên hồi năm 2016 bởi Thủ tướng Abe, chiến lược này nhấn mạnh tính “thượng tôn pháp luật và tự do hàng hải” và nó cũng ngầm được hiểu là chính sách đối đầu của Nhật Bản trước sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc tại Đông Á. Phát biểu trên chiến hạm lớn nhất của Hải quân Nhật, ông Abe nêu rõ: “Nhiệm vụ của chúng tôi là thực hiện khái niệm Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở và tạo nền tảng cho sự thịnh vượng và hòa bình của khu vực”.

Về phần mình, chủ nhân Nhà Trắng đánh giá cao kế hoạch của Tokyo về việc trang bị thêm 105 chiến đấu cơ tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất sau khi đặt mua 42 chiếc. Nhật Bản hồi tháng 12-2011 đặt mua 42 tiêm kích F-35A từ Mỹ để thay thế các phi đội F-4EJ vốn đã lạc hậu. 4 chiếc đầu tiên được tập đoàn Lockheed Martin chế tạo ở xứ cờ hoa và bàn giao cho Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF). 38 máy bay còn lại lắp ráp tại nhà máy Mitsubishi. Đến tháng 2 vừa qua, Chính phủ Nhật thông qua kế hoạch quốc phòng mới, trong đó đề xuất “tậu” thêm 105 chiếc F-35 cho JASDF, bao gồm 63 chiếc F-35A và 42 máy bay F-35B. Kế hoạch này sẽ giúp Nhật sở hữu phi đội F-35 lớn nhất trong số các đồng minh của Washington, với tổng cộng 147 chiếc.

Thách thức Trung Quốc tại Biển Đông

Nhằm khai thác những chiếc F-35, Tokyo cũng dự định nâng cấp hai tàu JS Kaga và JS Izumo để đủ khả năng mang theo tiêm kích hiện đại và có thể hoạt động như các tàu sân bay đầu tiên của nước này kể từ sau Thế chiến thứ hai. Hai tàu lớp Izumo này không khác gì hàng không mẫu hạm thu nhỏ, sở hữu chiều dài gần 250m, rộng 38m, lượng choán nước 24.000 tấn cùng khoang chứa máy bay rộng lớn và thang nâng hạ máy bay. Cả hai đều được thiết kế để có thể “cõng” 28 trực thăng, với nhiệm vụ chính là săn ngầm và triển khai nhanh khí tài trên biển. “Một khi Nhật Bản trang bị cho khu trục hạm trực thăng lớp Izumo khả năng thực hiện những thao tác cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, thì F-35B chắc chắn là lựa chọn duy nhất”- Giáo sư Ryo Hinata-Yamaguchi tại Đại học Quốc gia Pusal (Hàn Quốc) nhận định. Theo ông này, thỏa thuận mua chiến đấu cơ F-35 tối tân sẽ tăng cường khả năng làm chủ không trung và sức mạnh hải quân của Nhật - điều vốn rất cần thiết đối với khả năng phòng vệ của nước này. Ngoài ra, thắt chặt hơn nữa quan hệ quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ cải thiện khả năng phối hợp tác chiến của hai nước. Việc ông Trump và ông Abe thăm tàu JS Kaga tô đậm những nỗ lực lâu nay của lãnh đạo Nhật Bản trong việc tăng cường liên minh quân sự song phương. Theo giải thích của Giáo sư Toshiyuki Ito tại Viện Công nghệ Kanazawa, mấu chốt trong liên minh Mỹ-Nhật là chính sách “hải quân- hải quân”. Sự hợp tác giữa MSDF và Hạm đội 7 Hải quân Mỹ được mô tả là “trái tim” của liên minh quân sự này.

Trong cuộc họp báo, ông Trump nhấn mạnh Mỹ sẽ hỗ trợ những nỗ lực cải thiện sức mạnh phòng thủ của Nhật Bản và trong những tháng gần đây Washington đã gửi đến đồng minh số lượng lớn thiết bị quân sự. Được biết, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ gồm có 3 biến thể là F-35A, F-35B và F-35C (có giá lần lượt là 148 triệu USD, 251 triệu USD và 337 triệu USD/chiếc). Giới quan sát quân sự cho rằng thỏa thuận mua F-35 cùng với kế hoạch hoán cải các tàu khu trục trực thăng thành hàng không mẫu hạm sẽ giúp quân đội Nhật Bản mở rộng tầm hoạt động, “đe dọa đến kế hoạch của Trung Quốc trên Biển Đông”. Gần đây, tàu Izumo đã được triển khai xuống Biển Đông và Ấn Độ Dương để tham gia các cuộc tập trận chung với Mỹ và các nước khác. Đặc biệt, năng lực quân sự mới sẽ giúp nước này ứng phó kịp thời các hành động xâm lấn của Trung Quốc tại quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Quần đảo này cách đất liền Nhật khoảng 560 dặm và cách căn cứ không quân gần nhất trên đảo Okinawa 255 dặm.

THANH BÌNH (Theo SCMP, TIME)

Chia sẻ bài viết