08/09/2023 - 21:52

EU trước câu hỏi mở rộng liên minh 

MAI QUYÊN (Theo wilsoncenter, euractiv)

Kể từ năm ngoái, sự kiện Nga phát động chiến dịch quân sự nhắm vào Ukraine đã khiến chủ đề mở rộng Liên minh châu Âu (EU) trở thành tâm điểm.

Trụ sở EU tại Brussels, Bỉ.

Ngày 7-9, Ðại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tuyên bố liên minh đã sẵn sàng và sẽ hỗ trợ tối đa tiến trình xem xét tư cách thành viên của Gruzia. Theo lộ trình, Hội đồng châu Âu sẽ đánh giá tiến bộ của Gruzia vào tháng 10 và cân nhắc những bước tiếp theo trong tiến trình gia nhập của nước này.

Tuyên bố mới từ EU được đưa ra sau khi có những tranh luận về việc nên hay không đề ra mốc thời gian kết nạp thêm thành viên. Tháng rồi, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel kêu gọi EU sẵn sàng cho đợt mở rộng lớn tiếp theo vào năm 2030. Hội đồng châu Âu từ lâu được coi là “người gác cửa” quy trình mở rộng EU khi đưa ra hướng dẫn cho liên minh về nước ứng cử viên nào phải chờ, tiến hành thận trọng hoặc thúc đẩy đàm phán. Kể từ cuộc chiến ở Ukraine, việc kết nạp thành viên mới được nhắc đến nhiều hơn và khối bắt đầu có những tính toán cần thiết, chẳng hạn như quyết định cấp tư cách ứng cử viên cho Ukraine, Moldova, Bosnia và Herzegovina vào năm 2022.

Nội bộ chia rẽ

Ðề xuất của Hội đồng châu Âu trái với quan điểm lâu nay của Ủy ban châu Âu, rằng kết nạp thành viên mới là “quá trình dựa trên thành tích”, không có ngày kết thúc chính thức. Sau bài phát biểu của ông Michel, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg nói rõ nước này sẽ không ủng hộ bất kỳ thay đổi hiệp ước nào của khối. Áo và một số quốc gia thành viên khác lo ngại một cuộc tranh luận như vậy “thực sự có thể làm tan rã” EU.

Các ý kiến trái ngược hiện nay làm dấy lên câu hỏi về đoàn kết nội bộ của ban điều hành EU đối với quy trình quan trọng như mở rộng liên minh. Tranh luận về cải cách thể chế của EU và các hiệp ước tiềm năng không phải mới. Năm 2021, EU tổ chức Hội nghị về Tương lai châu Âu và vấn đề mở rộng nằm trong số 49 khuyến nghị về những biện pháp cụ thể thay đổi khuôn khổ thể chế EU nhằm ứng phó tốt hơn với những thách thức trong tương lai lâu dài. Nhưng cho đến nay, các cuộc thảo luận về cải cách đã cho thấy chia rẽ nhiều hơn là đồng tình.

Nhìn chung, theo 2 trụ cột EU là Pháp và Ðức, ngày càng có nhiều quốc gia thành viên nhận ra nhu cầu cải cách và EU nên sẵn sàng để mở rộng. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 20 năm Tuyên bố Thessaloniki vạch ra lộ trình ban đầu cho các nước Tây Balkan gia nhập EU. Do đó, việc lập khung thời gian rõ ràng và cải thiện quy trình kết nạp chắc chắn là bước đi đúng hướng chứng minh EU tiếp tục là đối tác đáng tin cậy.

Tuy nhiên, như lời Chủ tịch Michel, điều này không dễ dàng thực hiện. Ðặc biệt khi ở một số nước ứng cử viên, tiến độ đàm phán hiện bị đình trệ thậm chí còn thụt lùi như Thổ Nhĩ Kỳ, thì các cuộc thảo luận cần thực hiện một cách tế nhị để tránh làm suy yếu uy tín của EU với tư cách một chủ thể toàn cầu. Nói thêm về vấn đề này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận sự cần thiết phải cải cách EU trước khi mở rộng, có khả năng hướng tới liên minh “đa tốc độ”.

Vấn đề mở rộng EU còn liên quan việc các nước thành viên như Đức và Pháp có sẵn sàng đóng góp nhiều hơn cho khối, trong khi Ba Lan, Hy Lạp hay Hungary có chấp nhận chuyển từ vai trò thụ hưởng sang đóng góp ròng cho ngân sách EU.

Chia sẻ bài viết