24/06/2022 - 20:26

EU trao “liều thuốc tinh thần” cho Ukraine 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tối 23-6 xác nhận, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấp “quy chế ứng cử viên” gia nhập EU cho Ukraine và Moldova. Quyết định này được đánh giá là động thái thể hiện sự ủng hộ của Brussels dành cho Kiev và Chisinau trong bối cảnh Nga đang tiếp tục “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Các nhà lãnh đạo EU tại cuộc họp hôm 23-6. Ảnh: AP

Trên trang cá nhân Twitter, ông Michel thông báo: “Hội đồng châu Âu gồm các nhà lãnh đạo EU vừa ra quyết định cấp quy chế ứng cử viên gia nhập EU cho Ukraine và Moldova. Ðây là một thời khắc lịch sử. Ngày hôm nay đánh dấu một bước tiến quan trọng trên lộ trình hướng tới EU của các bạn. Chúc mừng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Moldova Maia Sandu, cũng như nhân dân Ukraine và Moldova. Tương lai của chúng ta song hành cùng nhau”.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng cho rằng đây là một thời khắc lịch sử và là một ngày tốt đẹp dành cho châu Âu. Theo bà Leyen, quy chế nói trên sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Ukraine, Moldova, Gruzia và cả EU.

Hội đồng châu Âu sẽ thực hiện các bước tiếp theo sau khi các nước ứng cử viên đáp ứng những điều kiện do EC đưa ra. Theo ông Michel, cơ quan này cũng quyết định công nhận quan điểm châu Âu về Gruzia và tái khẳng định sẵn sàng cấp quy chế ứng cử viên khi những vấn đề còn tồn tại được giải quyết.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Zelensky cùng ngày đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của EU, gọi đây là “một thời khắc độc nhất và mang tính lịch sử” trong mối quan hệ giữa Kiev và liên minh gồm 27 quốc gia thành viên. Trên trang cá nhân Twitter, ông Zelensky chia sẻ: “Tương lai của Ukraine là nằm trong EU. Chúng tôi rất trân trọng quyết định của các nhà lãnh đạo EU”.

Từ lâu, Ukraine đã tìm cách gia nhập EU. Những ngày nổ ra xung đột với Nga, Tổng thống Zelensky đã tìm mọi cách để có thể nhanh chóng trở thành thành viên của khối, coi đây là một vấn đề sống còn.

Nếu như Ukraine gia nhập EU ngay bây giờ thì nước này sẽ trở thành thành viên đông dân thứ 5 và nghèo nhất của khối. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của Ukraine hồi năm ngoái là 4.872USD, chưa bằng một nửa so với thành viên nghèo nhất EU hiện nay là Bulgaria với 11.683USD.

Thế nhưng, việc Ukraine gia nhập EU sẽ mang lại cho Kiev nhiều lợi ích. Kể từ sau khi Nga tấn công Ukraine, EU đã đồng ý tài trợ 2 tỉ euro viện trợ quân sự cho Ukraine, chủ yếu là vũ khí. Sau nhiều lần Ðức bị phàn nàn về việc trì hoãn đưa ra quyết định viện trợ cho Ukraine, Kiev mới đây đã nhận được lô vũ khí hạng nặng đầu tiên từ Berlin, gồm pháo tự hành Panzerhaubitze 2000, một trong những vũ khí pháo mạnh nhất của Ðức. Theo các nguồn tin ngoại giao, Ðức và Hà Lan đang cùng cung cấp cho Ukraine 12 hệ thống vũ khí. Không những vậy, Ukraine được cho sẽ được hỗ trợ về mặt tài chính. Hiện EC đang có kế hoạch trợ cấp khẩn cấp 9 tỉ euro cho Ukraine.

Ðây được xem như là liều thuốc tinh thần mà EU dành cho Ukraine trong giai đoạn đầy khó khăn hiện nay. “Ukraine sẽ thắng thế. EU cũng sẽ vậy. Hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của một chặng đường dài mà chúng ta sẽ cùng nhau bước đi. Người Ukraine thuộc về gia đình châu Âu. Tương lai của Ukraine sẽ song hành cùng EU” - Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bày tỏ.

Cùng ngày, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 450 triệu USD cho Ukraine, để cung cấp cho Kiev thêm 4 hệ thống phóng đa tên lửa, đạn pháo và các vũ khí khác.

Theo CNN, gói viện trợ trên sẽ được lấy từ kho hiện có của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó có 18 tàu tuần tra để giám sát đường biển và sông, cùng với một số vũ khí cỡ nhỏ. Phần quan trọng nhất trong gói viện trợ lần này là 4 hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS), mẫu pháo tầm trung sử dụng đầu đạn dẫn đường chính xác, có thể tấn công mục tiêu cách xa hơn 64km. Mỹ thông qua lô gồm 4 hệ thống HMARS đầu tiên hồi đầu tháng này. Hôm 23-6, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov trên trang cá nhân Twitter cho biết số pháo này đã được đưa đến Ukraine.

Ðược biết, từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, chính quyền Tổng thống Biden đã thông qua ngân sách hơn 6 tỉ USD để viện trợ an ninh cho Kiev.

Các nhà ngoại giao cho rằng việc EU trao quy chế ứng cử viên cho Ukraine chỉ mang tính biểu tượng thúc đẩy tinh thần chiến đấu của nước này chống lại Nga, chứ vấn đề cấp bách nhất hiện nay là làm sao giúp Kiev tồn vong trong cuộc chiến cùng giải pháp vượt qua những khó khăn tài chính nghiêm trọng. Con đường gia nhập EU còn rất dài ở phía trước. Hàng loạt cải cách về tư pháp, chống tham nhũng và kiểm soát giới tài phiệt được đưa ra đối với Kiev là khó thực thi. Thổ Nhĩ Kỳ đã xin gia nhập EU năm 1987 nhưng đến nay vẫn mãi là ứng cử viên. Các nước Serbia, Montenegro, Bắc Macedonia, Albania và Bosnia đã đàm phán xin gia nhập từ nhiều năm qua đến nay cũng chưa có bước đột phá nào. 

Chia sẻ bài viết