12/07/2020 - 12:54

Đường-mối nguy đáng kể đối với sức khỏe tim mạch 

Chúng ta luôn nghĩ bệnh tim có liên quan đến các chất béo “xấu”, như chất béo bão hòa có trong thực phẩm chế biến sẵn. Mới đây, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Tim mạch dự phòng châu Âu cho thấy đường cũng ảnh hưởng to lớn tới sức khỏe tim mạch.

Dùng nhiều đường trong thời gian dài dễ gây tích tụ mỡ nội tạng. Ảnh: Healthline

Theo Nutritional Solutions, một lon nước ngọt dung tích 340ml chứa 7 muỗng cà phê đường và một thỏi sô-cô-la 50g chứa khoảng 6 muỗng cà phê đường. Lượng đường tiêu thụ nếu không được chuyển hóa hết thành năng lượng sẽ tích tụ lại dưới dạng mỡ cơ thể. Nhưng không chỉ vậy, dư đường còn có thể gây xáo trộn nồng độ glucose trong máu và ảnh hưởng đến sức khỏe trái tim.

Ðể tìm hiểu tác động của đường đối với sức khỏe tim mạch, các chuyên gia tại Ðại học Minnesota (Mỹ) đã thu thập số liệu về thói quen dùng thức uống chứa đường cũng như thêm đường vào thực phẩm và đồ uống của 3.070 tình nguyện viên khỏe mạnh từ 18-30 tuổi, trong thời gian 20 năm. Họ cũng phân tích mối liên hệ giữa tiêu thụ đường trong thời gian dài và việc tích tụ mỡ xung quanh tim và các nội tạng khác.

Sau 25 năm, những người tham gia được chụp cắt lớp vi tính vùng ngực và bụng để đo khối lượng mỡ ở bụng và quanh tim. Kết quả cho thấy việc dung nạp đường quá nhiều ở cả hai hình thức nêu trên có liên quan đến việc tích trữ mỡ nhiều hơn quanh nội tạng. “Phát hiện của chúng tôi cung cấp thêm bằng chứng về việc tiêu thụ quá nhiều đường và đồ uống chứa đường có liên quan đến lượng mô mỡ cao hơn. Chúng ta biết rằng tích tụ mỡ có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường cao hơn”- tác giả chính, Tiến sĩ Lyn Steffen, nhấn mạnh.

Những “mẹo” giúp hạn chế dung nạp đường

+ Học cách đọc thành phần trên nhãn hàng. Dù được thể hiện bằng tên gọi khác (như sucrose, siro bắp hàm lượng cao fructose, mạch nha, dextrose, maltose và siro gạo), đường vẫn là đường. Do đó, bằng cách nhìn vào phần liệt kê theo tỷ lệ ml/100g trên nhãn hiệu, bạn có thể dễ dàng so sánh các sản phẩm tương tự để chọn ra loại tốt hơn cho sức khỏe. Quy tắc chung để tránh dung nạp nhiều đường là sản phẩm nên chứa ít hơn 10g đường/100g sản phẩm.

+ Cảnh giác với thức uống có đường. Ðồ uống thể thao, nước ép trái cây, nước có gas và cà phê hòa tan là những thức uống khiến bạn dung nạp quá nhiều đường mà không hay biết.

+ Dùng thực phẩm ít qua chế biến, có lợi cho sức khỏe. Ðể hạn chế cơn thèm ngọt, hãy chọn ăn các thực phẩm lành mạnh như đạm không chứa mỡ (tốt nhất là cá), rau quả tươi, các loại đậu, thức phẩm từ bột mì nguyên cám và chất béo “tốt” trong các loại hạt và dầu thực vật.

+ Hạn chế dùng các loại sốt. Nước sốt kèm theo các món ăn hoặc rau trộn thường chứa nhiều đường, do đó, bạn cần hạn chế hoặc có thể thay thế bằng các hương liệu đơn giản - như nước cốt chanh, thảo mộc tươi, giấm hoặc một vài giọt dầu ô liu. Còn nếu không thể thay thế đường trong thành phần nước sốt, hãy nêm lượng ít nhất có thể.

+ Chọn món ngọt có lợi. Ví dụ, thay vì nhâm nhi sô-cô-la sữa, hãy chuyển sang dùng sô-cô-la đen. Lý do là sô-cô-la đen không chỉ giúp thỏa mãn cơn thèm ngọt, mà còn chứa ít đường chế biến hơn và giàu thành phần chống ôxy hóa có lợi sức khỏe.

Ăn gì để tim khỏe?

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chế độ ăn Địa Trung Hải là một trong những chế độ ăn tốt nhất cho tim. Điểm cốt lõi của chế độ ăn này là ưu tiên tiêu thụ rau củ nhiều màu sắc và giàu chất chống ôxy hóa, trái cây, các loạt hạt, ngũ cốc nguyên hạt, cá, các loại thảo mộc tươi, quả ôliu và dầu ôliu. Tiêu thụ có chừng mực chế phẩm từ sữa và rượu vang đỏ chất lượng cao, thịt nạc. Không dùng thức ăn chế biến sẵn, chứa đường hoặc nhiều dầu mỡ. Nhìn chung, nên tránh dung nạp chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, thường có trong thức ăn nhanh và thịt đỏ (heo, bò, cừu).

AN NHIÊN (Theo Health24, ESC)

Chia sẻ bài viết