03/07/2018 - 07:48

Đức trước nguy cơ khủng hoảng chính trị 

Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt tương lai đầy bấp bênh trước thông tin Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer sẵn sàng từ chức sau những nỗ lực bất thành thuyết phục nữ Thủ tướng thay đổi quyết định về chính sách tị nạn.

Thủ tướng Merkel và Bộ trưởng Nội vụ Seehofer. Ảnh: DPA
Thủ tướng Merkel và Bộ trưởng Nội vụ Seehofer. Ảnh: DPA

Trích nguồn tin thân cận, hãng tin AFP cho biết ông Seehofer đã có cuộc họp kín hơn 10 tiếng đồng hồ với các thành viên cấp cao Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) mà ông đang là Chủ tịch. Theo Bộ trưởng Seehofer, những bất đồng với Thủ tướng Merkel về vấn đề tị nạn đã ảnh hưởng đến mức độ tín nhiệm trên tư cách lãnh đạo CSU.

Tại cuộc họp, ông Seehofer đã giãi bày việc không chấp nhận thỏa thuận với 14 nước Liên minh châu Âu (EU) về cách xử lý những trường hợp tị nạn được bà Merkel và ban lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) ủng hộ. Theo đó, Bộ trưởng Seehofer đánh giá thỏa thuận đạt được tại Brussels (Bỉ) cuối tuần rồi còn “thiếu sót và không đáp ứng” các điều kiện mà ông đưa ra để trì hoãn việc đóng cửa biên giới Đức.  Được biết, ông Seehofer cách đây 2 tuần đã gởi “tối hậu thư” cho bà Merkel, đề nghị nữ Thủ tướng tìm một thỏa thuận với các đối tác châu Âu nhằm ngăn người nhập cư đã đăng ký tại một nước EU khác vào Đức. Bằng không, Bộ Nội vụ Đức sẽ tiến hành các biện pháp kiểm soát biên giới và không tiếp nhận người tị nạn vào lãnh thổ nước này. Bà Merkel cảnh báo sẽ phản đối động thái “bất tuân” như vậy. Trường hợp Bộ trưởng Nội vụ không làm theo quy tắc, Thủ tướng có quyền sa thải nhưng quyết định như vậy có thể dẫn đến nguy cơ sụp đổ chính phủ liên minh mà bà Merkel đã phải mất nhiều tháng để thành lập. Nguy cơ này đang rõ ràng hơn khi Bộ trưởng Seehofer tuyên bố sau cuộc họp, rằng ông sẽ tiến hành đàm phán lần cuối với bà Merkel để giải quyết bất đồng nhưng sẽ rút khỏi cả 2 vị trí bộ trưởng cũng như lãnh đạo CSU nếu đàm phán thất bại.

Đề nghị từ chức của ông Seehofer vẫn chưa được ban lãnh đạo CSU chấp nhận nhưng tình trạng lấp lửng hiện nay dấy lên quan ngại về tương lai của chính phủ liên minh giữa CDU/CSU và đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD). CSU là “chị em” với CDU của Thủ tướng Merkel và là trung tâm quyền lực trong nền chính trị Đức hàng chục năm qua. Trường hợp ông Seehofer cương quyết ra đi, CSU có thể đề cử ứng viên khác thay thế nếu họ vẫn muốn hợp tác với CDU. Ngược lại, việc rút khỏi liên minh không chỉ chấm dứt quan hệ đối tác hàng thập kỷ qua giữa hai đảng mà còn đẩy chính phủ của bà Merkel rơi vào thế thiểu số, mở ra cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có tại Đức. Diễn biến này sẽ buộc Thủ tướng Đức thành lập chính phủ thiểu số, tìm kiếm liên minh mới với đảng Xanh hoặc đảng Tự do Dân chủ. Kịch bản còn lại dành cho bà Merkel là tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, mở đường cho một cuộc bầu cử mới.

Theo dự đoán của giới phân tích chính trị, liên minh CDU/CSU nhiều khả năng tiếp tục duy trì nhưng mâu thuẫn có thể làm suy yếu quyền lực của Thủ tướng Merkel trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ.

Nhìn nhận về cuộc khủng hoảng chính trị tại Đức, các nhà quan sát cho đây là dấu hiệu mới nhất về sự chia rẽ ngày càng tăng trên toàn EU giữa một bên muốn mở cửa biên giới và phe muốn hạn chế dòng người nhập cư vào khối.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết