Tối 29-7, chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ sau khi Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát thông qua dự luật cắt giảm chi tiêu và nâng mức trần nợ công với tỷ lệ sít sao 218 phiếu thuận so với 210 phiếu chống, Thượng viện nước này do phe Dân chủ chiếm đa số đã bác bỏ với tỷ lệ 59 phiếu chống so với 41 phiếu thuận, đẩy cuộc thương lượng kéo dài và căng thẳng nhiều ngày qua giữa hai phe xung quanh vấn đề này tiếp tục lâm vào thế bế tắc.
Dự luật của Hạ viện Mỹ tuy chỉ yêu cầu chính phủ cắt giảm chi tiêu 917 tỉ USD trong 10 năm tới, nhưng mức trần nợ công từ nay đến cuối tài khóa 2012 (kết thúc vào cuối tháng 9 năm sau) chỉ được phép tăng thêm 900 tỉ USD. Phe Dân chủ cho rằng dự luật này sẽ khiến chính phủ Mỹ vào năm tới phải một lần nữa xin nâng mức trần nợ công mới trong bối cảnh chính trường nước này sẽ bận rộn với chiến dịch vận động tranh cử tổng thống và quốc hội. Vì vậy, các ông nghị Dân chủ ở Thượng viện Mỹ muốn tăng mức trần nợ đến hết tài khóa 2013 là 2.400 tỉ USD để đổi lại việc cắt giảm một khoản chi tiêu mạnh cũng tương đương con số ấy trong 10 năm tới.
Tính đến ngày 16-5 vừa qua, tổng nợ công của Mỹ đã chạm mức tối đa 14.300 tỉ USD. Bộ Tài chính Mỹ đã phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để giúp chính quyền Obama cầm cự đến ngày 2-8 tới. Sau thời hạn đó, nếu Hạ viện không ủng hộ phá ngưỡng trần nợ, Bộ Tài chính không thể phát hành thêm trái phiếu và khi đó Chính phủ Mỹ sẽ không có khả năng thực hiện một số nghĩa vụ tài chính và lâm vào cảnh vỡ nợ.
Giới quan sát cho rằng thực tế cả phe Cộng hòa lẫn Dân chủ đều tính toán đến nước cờ chính trị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, chứ vấn đề nâng mức trần nợ công là điều bắt buộc phải thông qua nhằm tránh cho nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ mà hậu quả kinh khủng của nó không thể lường trước.
Theo hãng tin Anh Reuters, Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Mỹ, hôm qua đã một lần nữa lên tiếng đề nghị Washington bảo vệ các khoản đầu tư bằng đồng USD của nước này. Tân Hoa Xã của Trung Quốc bình luận nước Mỹ đang “bị bắt làm con tin bởi những trò chính trị vô trách nhiệm một cách nguy hiểm”. Còn Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoelick, nhà ngoại giao nổi tiếng người Mỹ, thì cảnh báo giới lãnh đạo nước này đang “đùa với lửa!”.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)