01/06/2011 - 20:58

Khuẩn E. coli hoành hành ở châu Âu:

Dưa leo Tây Ban Nha "vô can"

* Tiếp tục truy tìm nguồn gốc dịch bệnh

Tình trạng nhiễm khuẩn thực phẩm đang bùng phát tại Đức và các nước khác ở châu Âu không giống với bất kỳ dịch bệnh nào mà các chuyên gia phương Tây từng chứng kiến. Ít nhất 16 người đã thiệt mạng và hơn 1.000 người mắc bệnh, trong đó có 400 người bị bệnh nặng với nhiều triệu chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguồn gốc lan truyền dịch bệnh.

Ngày 31-5, một phụ nữ độ 50 tuổi ở Thụy Điển đã tử vong sau khi từ Đức trở về. Đây là ca tử vong do chủng vi khuẩn E. coli nguy hiểm EHEC đầu tiên bên ngoài nước Đức, kể từ khi dịch bệnh bùng phát cách đây vài ngày. Cùng ngày, một cụ bà 87 tuổi ở thành phố Paderborn, Tây Bắc nước Đức trở thành nạn nhân mới nhất chết vì khuẩn EHEC. Hiện tại ngoài Đức, nhiều quốc gia khác ở châu Âu như Đan Mạch, Tây Ban Nha, Pháp, Áo, CH Séc, Anh, Hà Lan và Thụy Sĩ cũng đã phát hiện những trường hợp mắc bệnh do vi khuẩn E.coli. Nhiều bệnh nhân trong số đó từng sang Đức trong thời gian gần đây.

Các nhà điều tra ở khắp châu Âu đang nỗ lực xác định phạm vi nhiễm khuẩn EHEC cũng như địa điểm rau quả bị nhiễm độc trong suốt hành trình dài từ nông trại đến các cửa hàng thực phẩm. Tại Đức, nơi có nhiều người tử vong và bệnh nặng nhất, các quan chức cho biết kết quả thăm khám những bệnh nhân cho thấy nhiều người nhiễm bệnh do ăn dưa leo, cà chua và xà lách tươi sống. Tuy nhiên, các cuộc xét nghiệm sau đó cho thấy những loại rau này, dù cũng nhiễm khuẩn, nhưng không phải là chủng gây nên dịch bệnh hiện nay. Từ kết luận ấy, giới chức Đức tuyên bố dưa leo Tây Ban Nha “vô can” trong vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt đang gây hoang mang khắp châu Âu. Như vậy, cho đến thời điểm này, nguồn gốc lây truyền khuẩn E.coli vẫn chưa được tìm ra.

Sau khi dưa leo Tây Ban Nha được “giải oan”, giới chức nước này đã bày tỏ thái độ bất bình trước những lời cáo buộc trước đó của Đức cho rằng xứ sở bò tót là nguồn phát sinh dịch bệnh. Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Rosa Aguilar cho biết hành động của Đức đã gây ra tổn thất nặng nề cho ngành sản xuất ở đất nước của bà. Bà gọi tình hình hiện nay là “cực kỳ nghiêm trọng” khi ngành nông nghiệp trong nước thiệt hại ước tính 200 triệu euro mỗi tuần. Đan Mạch, CH Séc, Luxembourg, Hungary, Thụy Điển và Bỉ đều ngưng nhập khẩu nông sản từ Tây Ban Nha, trong khi Đức thì khuyên người tiêu dùng không sử dụng các loại rau củ nghi nhiễm khuẩn. Hiện nay, cả Tây Ban Nha và Hà Lan đều đòi EU - nơi tiêu thụ phần lớn nông sản của họ, bồi thường vì đột ngột hủy bỏ các hợp đồng nhập khẩu. Trong khi đó, Cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm Nga cho biết họ đã cấm nhập khẩu dưa leo, cà chua và xà lách tươi từ Đức và Tây Ban Nha và có khả năng sẽ mở rộng lệnh cấm đối với các nước thành viên EU khi nguồn gốc dịch bệnh chưa được xác định.

Ủy viên châu Âu phụ trách chính sách y tế và tiêu dùng John Dalli cho biết việc xác định nguồn gốc dịch bệnh là ưu tiên số 1 hiện nay và Ủy ban châu Âu đang phối hợp với các cơ quan hữu trách của Đức để tiến hành việc này. Mặc dù khẳng định số ca nhiễm khuẩn mới đang có chiều hướng giảm, nhưng ông cho rằng phòng ngừa là việc cần làm “vì chúng ta vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm nguồn lây lan dịch bệnh”.

THANH TRÚC (Theo AP, AFP)

Chia sẻ bài viết