15/09/2009 - 08:18

Đồng USD mất giá và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu mới

Hôm qua, một USD đổi được 90,19 yên Nhật, mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua. Ảnh: AFP

(TTXVN)- Trong bối cảnh đồng USD liên tục mất giá trong tuần trước, xuống mức thấp nhất trong một năm vừa qua so với các đồng tiền chủ chốt khác, báo “Điện tín” của Anh ngày 13-9 có bài phân tích cho rằng kinh tế thế giới có thể rơi vào một cuộc suy thoái mới nếu xu hướng giảm giá của đồng USD vẫn tiếp tục.

Theo bài báo, sau nhiều năm bán hàng giá rẻ cho các nước phương Tây, Trung Quốc đã nắm giữ khoảng 2.000 tỉ USD trong kho dự trữ ngoại hối, hơn một nửa trong đó là tài sản bằng đồng USD. Vì vậy, khi đồng USD giảm giá, dù chỉ là chút ít, thiệt hại đối với Trung Quốc là rất lớn.

Bài báo cho biết trong những năm gần đây, Mỹ luôn bị thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách, khiến đồng USD bị đè nặng bởi sức ép giảm giá. Điều này đồng nghĩa với khối tài sản của Trung Quốc bị “teo” lại, buộc Bắc Kinh tuần trước phải tuyên bố sẽ “đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ sang đồng euro, đồng yên Nhật Bản hoặc các đồng tiền khác” nếu Mỹ tiếp tục in tiền để mua trái phiếu, một biện pháp có thể dẫn đến lạm phát. Sau tuyên bố này của Trung Quốc, đồng USD giảm giá liên tục trong tuần qua. Sự suy yếu của đồng USD đã “đẩy” giá vàng tăng vượt 1.000 USD/ounce, mức cao nhất trong 18 tháng trở lại đây và giá dầu thô cũng tăng trở lại, lên 72 USD/thùng.

Bài báo nhận định nếu đồng USD tiếp tục mất giá, giá các loại hàng hóa sẽ tiếp tục tăng, do dầu thô được định giá bằng đồng USD và các nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào hàng hóa để tránh thiệt hại do lạm phát. Các động lực này có thể khiến đồng USD “rơi tự do”. Giả sử đồng USD tránh được kịch bản sụp đổ thì Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng sẽ phải nhanh chóng tăng lãi suất một khi Trung Quốc nghiêm túc với ý định đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ và Mỹ sẽ phải tìm chỗ khác để vay nợ. Trong cả hai trường hợp này, kinh tế Mỹ sẽ bị mắc kẹt giữa cái bẫy suy thoái và lạm phát - hay còn gọi là lạm suy.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc không muốn Mỹ bị lạm suy, bởi nếu vậy Bắc Kinh sẽ bị thiệt hại quá lớn. Nhưng ngay cả khi hai nước “dắt tay nhau” để tránh rơi vào cái bẫy này, thị trường tiền tệ vẫn có thể tạo ra một cái bẫy khác. Hiện đồng USD đang được coi là đồng tiền “carry-trade” - tức là giới đầu tư tranh thủ đồng tiền này có lãi suất thấp để vay tín dụng bằng đồng USD, rồi dùng nó để mua các đồng tiền khác có lãi suất cao hơn, từ đó ăn chênh lệch lãi suất. Sức ép mất giá do tuyên bố chuyển hướng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc và sức ép từ hiện tượng “carry-trade” rất nguy hiểm, có thể gây ra một sự đổ vỡ trong hệ thống tài chính của Mỹ, sau đó lan rộng thành một cú sốc tài chính toàn cầu, như đã từng xảy ra năm 1998, khi hoạt động “carry-trade” xảy ra với đồng yên Nhật Bản, khiến kinh tế toàn cầu sau đó rơi vào suy thoái và nhiều nơi rơi vào khủng hoảng.

Chia sẻ bài viết