15/09/2024 - 09:52

Đông Nam Á trước áp lực hàng giá rẻ từ Trung Quốc 

Trong bối cảnh các công ty Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sản lượng dư thừa ra nước ngoài với giá cực thấp, nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu thắt chặt kiểm soát nhằm bảo vệ ngành công nghiệp địa phương. Đông Nam Á cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Trung Quốc “xuất khẩu giảm phát” ra thế giới

Hàng giá rẻ do Trung Quốc sản xuất là “đặc trưng” của thương mại toàn cầu kể từ khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001. Nhưng gần đây, nước này đối mặt ngày càng nhiều cáo buộc “xuất khẩu giảm phát” khi giá hàng đại lục xuất ra thế giới giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Hàng giảm giá Trung Quốc được bán qua các nền tảng thương mại điện tử đang tràn vào Đông Nam Á. Ảnh: Getty Images

Theo danh mục, thặng dư thép đang chảy nhanh ra khỏi Trung Quốc với tỷ lệ xuất khẩu tăng 22% lên 61,23 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay. Nhưng về giá trị, giá thép đã giảm 9% kể từ tháng 9-2022. Giá xuất khẩu các tài nguyên như nhôm, đất hiếm hay vi mạch cũng giảm 10%. Do nhu cầu trong nước yếu, mô hình xuất khẩu giá rẻ đã lan sang ngành hàng tiêu dùng và thực phẩm. Cụ thể, giá các mặt hàng giày dép giảm 11% trong khi đồ nội thất, gia dụng được đẩy ra nước ngoài với giá giảm 5%. Từ tháng 4, giá ngũ cốc đã giảm 20% và tiếp tục đà đi xuống trong khi giá hải sản giảm sâu 10-20%.

Tuy dữ liệu kinh tế ảm đạm, các nhà phân tích cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 5% trong nửa đầu năm nay. Trong đó, thế mạnh xuất khẩu được dự báo là nguồn lực đặc biệt hỗ trợ tăng trưởng của Trung Quốc. Theo thống kê thương mại sơ bộ trong tháng 7, xuất khẩu của Trung Quốc đạt 300 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng tăng trưởng thứ 4 liên tiếp. Vì vậy, giới chuyên môn dự đoán “xuất khẩu giảm phát” của Trung Quốc có thể tăng tốc trong nửa cuối năm khi Bắc Kinh muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong bối cảnh chính phủ chưa có biện pháp quyết liệt để hỗ trợ tiêu dùng chậm chạp trong nước.

Đông Nam Á nỗ lực xây rào cản

Làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc đang đẩy một số nước Đông Nam Á rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cục diện này hình thành khi ở nhiều quốc gia, doanh nghiệp bán lẻ và nhà sản xuất vẫn loay hoay tìm cách thoát khỏi những gì họ coi là cạnh tranh không lành mạnh khi người tiêu dùng bị thu hút trước lượng lớn hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, từ đồ tiêu dùng hằng ngày đến thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe hay quần áo…Ngược lại, chủ trương của chính phủ là khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác và tăng cường đầu tư vào sản xuất trong nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Việc cân bằng những ưu tiên này trở nên khó khăn khi kinh tế ảm đạm lan rộng ở Trung Quốc buộc các công ty đại lục bán tháo hàng tồn kho với giá cực thấp, gia tăng sự mất cân bằng thương mại của Đông Nam Á với Trung Quốc. Trong khi sản phẩm Trung Quốc bị giới hạn ở nhiều thị trường, xu hướng phát triển của các nền tảng thương mại điện tử, chẳng hạn như TikTok Shop, Lazada hay Shopee đã mở ra “cầu nối mới” cho các nhà xuất khẩu đại lục tiếp cận khách hàng Đông Nam Á đang tìm kiếm vật liệu và sản phẩm giá hời. Năm 2023, Đông Nam Á và các thị trường mới nổi khác ở châu Á tiếp nhận khoảng 1/3 lượng xuất khẩu của Trung Quốc. Doanh số bán hàng của các nền tảng thương mại điện tử năm ngoái ở khu vực tăng 15%, đạt gần 115 tỉ USD.

Bên cạnh sự nở rộ của sàn thương mại điện tử, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ký năm 2022 giữa 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand tiếp tục hạ thấp các rào cản thương mại, nhờ đó hàng nhập khẩu giá rẻ từ đại lục càng tự do thâm nhập Đông Nam Á. Xu hướng này gây khó cho nhiều quốc gia khi nó làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp địa phương, thậm chí nhiều công ty phải đóng cửa khiến người dân mất việc làm. Đơn cử như ở Indonesia, khoảng 49.000 công nhân ngành dệt may và giày dép Indonesia bị sa thải trong năm nay khi nhiều nhà máy ở các tỉnh Banten, Tây Java và Trung Java phải đóng cửa. Theo các nhà kinh tế HSBC, thâm hụt thương mại của ASEAN với Trung Quốc đại lục hiện tăng vọt lên gần 115 tỉ USD từ mức 80 tỉ USD thời kỳ đại dịch COVID-19. Không chỉ giảm doanh thu trong nước của các công ty Đông Nam Á, hàng rẻ hơn từ Trung Quốc còn khiến các nhà xuất khẩu khu vực mất doanh số tại những thị trường nước ngoài. 

Trong bối cảnh trên, ngày càng có nhiều lời kêu gọi chính phủ các quốc gia hành động. Cân nhắc kỹ giữa lợi ích và tác động tiêu cực với doanh nghiệp vừa và nhỏ, Indonesia gần đây cho biết chính phủ sẽ xem xét áp thuế lên tới 200% đối với vải nhập khẩu. Nhiều loại thuế mới cũng được xem xét để hạn chế làn sóng nhập khẩu gốm sứ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử giá rẻ. Hồi tháng 1, Malaysia đã áp thuế bán hàng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu mua trực tuyến có giá dưới 108 USD. Những mặt hàng này trước đó được miễn thuế doanh thu và thuế nhập khẩu. Được biết, thâm hụt thương mại của Malaysia với Trung Quốc đã tăng từ 3,1 tỉ USD lên 14,2 tỉ USD trong giai đoạn 2020-2023.

Chờ hành động của Thái Lan

Thâm hụt thương mại của Thái Lan với Trung Quốc tăng đều đặn từ 20 tỉ USD năm 2020 lên 36,6 tỉ USD vào năm 2023. Trong đó, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cảnh báo hàng giá rẻ Trung Quốc xâm nhập nền kinh tế của nước này có thể gây ra “sóng thần” ở Thái Lan. Theo báo cáo, mô hình kinh tế dựa vào sản xuất kéo dài hàng thập kỷ của Thái Lan đã bị phá vỡ khi các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ khiến 2.000 nhà máy ở nước này phải đóng cửa từ năm 2023. Trong cùng kỳ, tình trạng mất việc làm tăng vọt 80% với hơn 51.500 công nhân bị thất nghiệp. Các ngành công nghiệp là động lực chính của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng, bao gồm ngành công nghiệp ô tô vốn do các nhà sản xuất Nhật Bản thống trị. Gần đây, khi hầu hết hàng hóa giá rẻ hoặc vốn của Trung Quốc tập trung vào thương mại điện tử và xe điện ở Thái Lan, nhiều nhà máy ô tô ở nước này buộc phải đóng cửa hoặc mất thị phần. Hồi tháng 7, thêm một nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc là Temu thâm nhập vào Thái Lan, khiến nhiều người thêm lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trước những cáo buộc trên, Trung Quốc nói rằng thương mại giữa nước này và Thái Lan dựa trên mục tiêu “cùng có lợi” khi gần 80% hàng xuất khẩu của đại lục sang Thái Lan là vốn hoặc hàng hóa trung gian, rất cần thiết cho sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này. Dựa vào đây, Bắc Kinh mong muốn hỗ trợ Thái Lan khai thác hình thức thương mại điện tử mới để khám phá thị trường đại lục. Theo giới chuyên môn, các khoản vốn của Trung Quốc có thể làm tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thái Lan nhưng nó cũng khiến nhiều doanh nghiệp địa phương khó tồn tại. Đơn cử như một chiếc ốp lưng điện thoại nhựa trên Lazada hiện có giá 1 USD, trong khi tại các cửa hàng bách hóa ở Thái Lan, sản phẩm tương tự có giá tới 12 USD. Hay chiếc quần họa tiết voi sản xuất ở Chiang Mai được xem là bản sắc của Thái Lan, khách du lịch có thể mua với giá dao động từ 4-30 USD. Nhưng quần voi từ Trung Quốc được bán ngay ở Thái Lan có giá chỉ khoảng 0,84 USD.

Trước thực tế đó, Thái Lan đã mở rộng thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% với các giao dịch mua hàng có giá trị dưới 42 USD. Phó Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết, chính phủ sẽ lập lực lượng đặc nhiệm gồm 28 cơ quan để xem xét và sửa đổi các quy định nhằm hạn chế mối đe dọa từ hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc đối với nền kinh tế vốn đã yếu kém. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Pichai Naripthaphan nói rằng chính phủ phải thực thi chặt chẽ hơn các luật liên quan thuế và phí hải quan; tăng cường kiểm tra đảm bảo chất lượng hàng hóa nhập khẩu, củng cố các quy định pháp luật về cạnh tranh công bằng và bảo vệ người tiêu dùng.

Với chuỗi cung ứng tự động hóa cao, các công ty Trung Quốc đang miệt mài tìm kiếm các thị trường mới trong bối cảnh thị trường nội địa ảm đạm và điều này đang làm thay đổi hoàn toàn cục diện cạnh tranh tại khu vực Đông Nam Á. “Vì hàng Trung Quốc ngày càng khó tiếp cận các thị trường phương Tây, Đông Nam Á đang trở thành điểm đến quan trọng”, ông Muhammad Zulfikar Rakhmat, giám đốc phụ trách bộ phận Trung Quốc  - Indonesia của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và pháp luật (CELS) có trụ sở tại Jakarta nhận xét.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, Bangkok Post)

Chia sẻ bài viết