Ảnh: Pixabay
Ngoài việc thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo và giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhiều nước trên thế giới đang bắt đầu tăng tốc đầu tư phát triển các nhà máy điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng được dự báo sẽ ngày càng tăng cao, coi đây là giải pháp hiệu quả chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Đứng trước xu hướng đó, các quốc gia Đông Nam Á đã nhanh chóng khôi phục, tái khởi động hoặc bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu nhằm chuẩn bị bước vào kỷ nguyên năng lượng hạt nhân của riêng mình.
Đã qua một giai đoạn lịch sử
Các quốc gia Đông Nam Á có sự khác biệt về mức độ sẵn sàng khai thác năng lượng hạt nhân. Đáng chú ý, chưa có quốc gia nào trong khu vực đạt được vận hành thương mại một nhà máy điện hạt nhân.
Với 3 lò phản ứng nghiên cứu đang hoạt động, Indonesia là nước người đi đầu trong khoa học hạt nhân khu vực.
Thái Lan cũng dự định xây lò phản ứng hạt nhân trước 2020, nhưng từ bỏ kế hoạch sau thảm họa tại Fukushima (Nhật Bản) năm 2011.
Philippines hoàn thành việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân duy nhất của họ - Bataan từ năm 1984, do lo ngại cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973 lặp lại. Nhà máy có công suất 620MW này lẽ ra đã trở thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hoạt động tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, thảm họa Chernobyl tại Ukraine và sự kiện nhà độc tài Ferdinand Marcos bị lật đổ khiến chính phủ mới của Philippines thời đó quyết định đóng cửa nhà máy.
Hồi năm 2010, Chính phủ Malaysia đã công bố kế hoạch xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân, mỗi nhà máy có công suất 1.000MW và đặt mục tiêu hoàn tất việc định giá dự án vào năm 2013 và gọi thầu xây dựng vào năm 2016. Dự kiến nhà máy đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2021 và nhà máy thứ hai vận hành một năm sau đó. Tuy nhiên, Malaysia đã hủy bỏ kế hoạch trên vào năm 2018 sau làn sóng phản đối của công chúng về vấn đề an toàn, chi phí xây dựng trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Hướng đến mục tiêu mới
Một nghiên cứu năm 2012 chỉ ra rằng các lò phản ứng truyền thống, kích thước lớn không phù hợp để triển khai tại Singapore. Tuy nhiên, từ tháng 4-2022, giới chức Singapore đề cập đến điện hạt nhân. Họ thảo luận mọi khía cạnh, từ độ an toàn, chi phí đến các yếu tố môi trường. Chỉ riêng việc đề cập vấn đề này đã là bước đột phá tại đảo quốc sư tử. Đến tháng 7 năm nay, Singapore trở thành quốc gia thứ 4 tại Đông Nam Á ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân song phương với Mỹ, cùng với Indonesia, Việt Nam và Philippines.
Với quốc đảo có diện tích nhỏ bé như Singapore, các công nghệ mới như lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) là một sự lựa chọn thích hợp. SMR với công nghệ tiên tiến, có độ an toàn cao và bán kính giới hạn dưới 1km. SMR hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích, với công suất đầu ra nhỏ hơn, tương đương với một nhà máy nhiệt điện than hoặc khí đốt. Do đó, SMR có thể thay thế trực tiếp các nhà máy nhiên liệu hóa thạch có cường độ phát thải carbon cao. Mặc dù công nghệ SMR hiện có chi phí đầu tư cao hơn nhà máy nhiệt điện từ 2-3 lần, nhưng với tuổi thọ vận hành dài hơn lên tới 60 năm và chi phí nhiên liệu thấp hơn, SMR được cho là một khoản đầu tư đáng giá so với các nhà máy nhiệt điện chỉ có thể cung cấp điện trong thời gian 25 năm.
Ủy ban Điều tiết Năng lượng Thái Lan cho biết cơ quan này đang bước đầu nghiên cứu tính khả thi của năng lượng hạt nhân, tập trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức công chúng và lên kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nhỏ có công suất dưới 300MW.
Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, trong đó đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã bị tạm dừng từ năm 2016. Trước đó, tại Nghị quyết 41 năm 2009 của Quốc hội khóa XII, Quốc hội nước ta quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2) với tổng công suất trên 4.000MW, mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW. Theo dự kiến, khởi công Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)