01/03/2021 - 08:44

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở ĐBSCL

Động lực nâng tầm kinh tế nông thôn
Bài 1: OCOP đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn 

Sau 3 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) đã đạt kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, chương trình đã nâng tầm sản phẩm đặc trưng, thế mạnh tại các địa phương vùng ĐBSCL, tạo ra giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người dân.

Các sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ được trưng bày, quảng bá tại một sự kiện hội nghị được tổ chức ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ.

Các sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ được trưng bày, quảng bá tại một sự kiện hội nghị được tổ chức ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ.

Hiệu ứng tích cực

Sau 3 năm triển khai tại tỉnh Bến Tre, Chương trình OCOP đã giúp sản phẩm đặc sản thế mạnh của tỉnh này chuyển dịch cả về chất và lượng, tạo một lực đẩy mới cho kinh tế nông thôn phát triển. Tỉnh đã tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP với 59 sản phẩm, trong đó có 31 sản phẩm đạt 4 sao, 25 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao theo Bộ tiêu chí Trung ương. Có 28 chủ thể sản xuất đã tham gia chương trình OCOP  gồm 7 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 14 doanh nghiệp và 6 cá thể. Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, cho biết: “Chương trình OCOP đã mang lại nhiều tín hiệu rất tốt cho phát triển và tiêu thụ các sản phẩm địa phương. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp có sản phẩm đạt OCOP đã mở rộng thị trường tiêu thụ. Trước đây sản phẩm thạch dừa của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tại tỉnh Bến Tre chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp cảnh bấp bênh. Tuy nhiên, khi tỉnh vận động doanh nghiệp làm sản phẩm OCOP và đã có một doanh nghiệp sản xuất thạch dừa được chứng nhận đạt hạng 4 sao, sản phẩm không đủ để bán sang Nhật Bản. Đây cũng là lần đầu tiên sản phẩm thạch dừa Bến Tre được xuất khẩu sang thị trường này”.

Tỉnh Đồng Tháp cũng đã đánh giá xếp hạng, công nhận 70 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó có 47 sản phẩm đạt 3 sao, 23 sản phẩm đạt 4 sao và có 30 chủ thể tham gia chương trình. Tỉnh có 130 sản phẩm đang được xem xét đưa vào giai đoạn 2 để công nhận sản phẩm OCOP. Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Tháp đã xác định đây là chương trình trọng tâm, quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn và giao ngành nông nghiệp tham mưu thực hiện. Đến nay, kết quả rất tích cực, sản phẩm tham gia chương trình không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp đảm bảo về chất lượng, mẫu mã và hệ thống nhận diện thương hiệu”.

Đến cuối năm 2020, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án, Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP tại địa phương. Các  tỉnh, thành đã tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận 3.200 sản phẩm OCOP, vượt 800 sản phẩm so với kế hoạch đề ra.

Cần Thơ hiện đã có 19 sản phẩm được tiêu chuẩn hóa và đánh giá, xếp hạng sao theo OCOP, gồm có 5 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 14 sản phẩm hạng 3 sao. Chủ yếu là các sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu đặc trưng, thế mạnh của địa phương như lúa gạo, trái cây và thủy sản. Từ con cá linh và cá tra nguyên liệu được nuôi tại địa phương, ông Chương Văn Khanh ở khu vực Trường Thọ 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đã nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm chế biến có thể bảo quản để lâu và giúp mang lại giá trị gia tăng và được công nhận đạt theo OCOP gồm: nước mắm cá linh và khô cá tra tẩm ướp đạt hạng 3 sao, mắm cá tra, khô cá tra một nắng đạt hạng 4 sao. Ông Khanh cho biết: “Được khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, hướng dẫn xây dựng bao bì, thương hiệu và sản xuất theo quy trình nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn mà tôi đã đầu tư, nghiên cứu cho ra các sản phẩm có giá trị cao hơn rất nhiều so với nguyên liệu thô ban đầu và dễ tiêu thụ. Qua việc phát triển các sản phẩm chế biến, cơ sở tiêu thụ 100-130 tấn cá tra nguyên liệu/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động tại địa phương. Có sản phẩm đạt theo OCOP cũng là danh dự rất lớn đối với người sản xuất bởi đây là sự công nhận của Nhà nước về chất lượng sản phẩm, tạo động lực để mình tiếp tục phấn đấu, nâng cấp, phát triển sản phẩm hơn nữa”.

Theo nhiều hộ dân, doanh nghiệp tham gia OCOP, chương trình rất thiết thực, tạo ra động lực mới cho khu vực kinh tế nông thôn phát triển. Chương trình OCOP hỗ trợ người dân trong quá trình tổ chức lại sản xuất và phát huy các sáng tạo để “nâng tầm” phát triển các sản phẩm có lợi thế tại địa phương, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và bao bì, nhãn hiệu, đẩy mạnh thương mại hóa, tạo giá trị gia tăng cao. Từ đó, nâng cao thu nhập cho các chủ thể sản xuất, góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động ở nông thôn thôn và đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông thôn, nhiều người dân thoát cảnh phải ly hương...

Chuyển biến tích cực

Chương trình OCOP đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có tốc độ phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm chủ lực cấp địa phương và ngành nghề ở nông thôn, giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Thời gian qua, số lượng địa phương tham gia Chương trình OCOP và số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP liên tục tăng. Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ NN&PTNT, đến tháng 10-2020, tại các tỉnh, thành phía Nam đã có 11/19 tỉnh, thành tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, với số lượng sản phẩm được đánh giá, phân hạng chiếm 18,07% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước, có 3 tỉnh tại ĐBSCL là Bến Tre, Sóc Trăng và Đồng Tháp nằm trong nhóm 10 tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước. Vùng ĐBSCL có số lượng sản phẩm OCOP đứng thứ 3 cả nước (với 375 sản phẩm, chiếm 17,3%), trong đó số lượng sản phẩm đạt 3 sao chiếm gần 62,7% và 33% sản phẩm 4 sao. Các địa phương vùng ĐBSCL đã phát huy lợi thế của các sản phẩm vùng miền, gắn với thế mạnh như: lúa gạo, trái cây, thủy sản, du lịch sinh thái để lựa chọn, tập trung phát triển các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của các địa phương, từng bước hình thành chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Chương trình OCOP góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn, các nhóm người yếu thế như người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển sản phẩm OCOP không chỉ là giải pháp để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, mà còn là cơ hội, điều kiện để nhiều người có thời gian chăm lo và thực hiện trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Chương trình OCOP triển khai thực hiện rất tốt được các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, đặc biệt là các chủ thể sản xuất và người dân tại các vùng nông thôn. Nhiều siêu thị, tập đoàn bán lẻ lớn của cả nước tích cực tham gia tiêu thụ sản phẩm, sẵn sàng mở gian hàng để bán sản phẩm OCOP. Hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP không chỉ được các bộ, ngành Trung ương quan tâm và các địa phương cũng thường xuyên thực hiện. Chương trình OCOP đã phát triển kinh tế nông thôn và phát huy trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương, cũng như tiềm năng phát triển của các chủ thể tham gia làm sản phẩm OCOP là còn rất lớn, cần tiếp tục phát huy nâng chất…

Ngày 7-5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) giai đoạn 2018-2020, thực hiện trên phạm vi cả nước. Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý, chính sách để thực hiện và định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Quản lý, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Qua đó, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Hạn chế và giảm tình trạng nông dân di cư ra thành phố, bảo vệ môi  trường, gìn giữ ổn định xã hội khu vực nông thôn và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Bài 2: Giữ gìn bản sắc địa phương

Chia sẻ bài viết