01/05/2008 - 22:45

Doanh nghiệp TP Cần Thơ

Đổi mới để thích ứng và phát triển

Chi phí nguyên vật liệu, nhân công, vốn vay… tăng mạnh đang là thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, thực tế đang đòi doanh nghiệp phải thay đổi toàn diện – như một cuộc “lột xác”- để tồn tại và phát triển. Ngoài giải pháp tiết kiệm tối đa, nhiều doanh nghiệp ở TP Cần Thơ đang nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng sản phẩm và mở rộng kênh phân phối.

* Nỗ lực tiết kiệm và đổi mới công nghệ

Khi nước ta chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, các sản phẩm sơ-mi, xi lanh của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) cơ khí Sông Hậu chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN cơ khí Sông Hậu, nói: “Trước sức ép cạnh tranh, chúng tôi phải khai thác thế mạnh trong lĩnh vực gia công cơ khí chính xác, trung đại tu các động cơ từ 10 mã lực đến 500 mã lực để “nuôi” lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sơ-mi, xi lanh”.

Trong hàng chục năm qua, trung bình mỗi tháng DNTN cơ khí Sông Hậu sử dụng khoảng 6 tấn dầu FO để nấu chảy 30 tấn gang. Cuối năm 2007, giá dầu FO ở mức 5.500 đồng/kg, đến đợt giá điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào ngày 25-2-2008, giá dầu FO nhảy vọt lên mức 8.682 đồng/kg. Vì vậy, chi phí nhiên liệu của DNTN cơ khí Sông Hậu trung bình mỗi tháng tăng thêm khoảng 19 triệu đồng. Tháng 3 vừa qua, DNTN cơ khí Sông Hậu đã quyết định đầu tư khoảng 2 tỉ đồng để nhập khẩu một lò điện cảm ứng trung tầng đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Thiết bị này có công suất nấu chảy 1 tấn gang/mẻ/giờ. Theo dự kiến của ông Tăng Hồng, ngày 30-4-2008, DNTN cơ khí Sông Hậu sẽ dùng điện và thiết bị mới để nấu chảy tấn gang đầu tiên. Theo lý thuyết, DNTN cơ khí Sông Hậu sẽ tiết kiệm được khoảng 700.000 đồng/tấn gang nấu chảy so với dùng dầu FO để nấu gang, bình quân 1 tháng tiết kiệm được 21 triệu đồng. Mặt khác, việc sử dụng điện để nấu gang sẽ giảm khói bụi và khí thải, bảo đảm vệ sinh môi trường.

 Hệ thống điều khiển lò điện cảm ứng trung tầng để nấu gang vừa được DNTN cơ khí Sông Hậu đầu tư lắp đặt phục vụ sản xuất.

Cơ sở sản xuất nhôm gia dụng Tân Đức Thành ở quận Ninh Kiều cũng đã hoàn tất thủ tục thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Tân Đức Thành và cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng mới tại phường Ba Láng, quận Cái Răng. Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Tân Đức Thành cũng đã đầu tư mới dây chuyền công nghệ hiện đại để nấu nhôm bằng lò điện cảm ứng trung tầng.

Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam cũng đã có công văn chỉ đạo các thành viên sản xuất và kinh doanh phân bón tập trung sản xuất, áp dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ và có các biện pháp tiết kiệm triệt để trong sản xuất, nhằm giảm áp lực chi phí đầu vào tăng, phấn đấu hạ giá thành sản phẩm. Theo Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam, ở TP Cần Thơ, Công ty Cổ phần phân bón hóa chất Cần Thơ có dây chuyền sản xuất phân NPK vào loại hiện đại nhất trong số các cơ sở sản xuất phân NPK trong nước. Để phát triển thương hiệu phân “Cò Bay”, công ty đã đầu tư quy trình công nghệ gần 98 tỉ đồng cho việc sản xuất phân bón hữu cơ đậm đặc, công suất 40.000 tấn/năm. Đây là dòng sản phẩm thị trường đang rất cần.

* Đa dạng sản phẩm và mở rộng kênh phân phối

Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Motilen Cần Thơ (Motilen Cần Thơ) chuyên sản xuất và kinh doanh một số mặt hàng vật liệu xây dựng đã chọn giải pháp đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường tiết kiệm. Ngoài sản xuất kinh doanh các sản phẩm ống thép, tôn sóng vuông, tấm lợp fibrociment... Motilen Cần Thơ còn tăng cường liên kết hợp tác với nhiều đơn vị khác như làm đại lý phân phối các sản phẩm sơn Haky, phân phối các loại đá trang trí của Công ty cổ phần Vĩnh Cửu và các loại gạch Shera của Thái Lan.

Trong lĩnh vực sản xuất, Motilen Cần Thơ đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất cửa composite để sản xuất các loại cửa giả gỗ cao cấp với các tính năng chống cháy, chống mối mọt, chống nước. Sản phẩm mới cửa composite giả gỗ của Motilen Cần Thơ đã cung cấp ra thị trường ĐBSCL trong tháng 4-2008. Motilen Cần Thơ cũng đang tính đến phương án đầu tư khoảng 1 tỉ đồng để nhập thiết bị công nghệ về tự sản xuất kinh doanh tấm Eron (dạng tấm lợp phẳng để làm vách ngăn hoặc đóng la-phông) nhằm giảm giá bán so với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Để mở rộng sản xuất, Motilen Cần Thơ tổ chức sắp xếp lại theo hướng tận dụng tối đa diện tích mặt bằng và nhà xưởng hiện có, không thuê mướn thêm mặt bằng. Ngoài ra, Motilen Cần Thơ còn ký kết hợp tác cung cấp các loại vật liệu xây dựng dài hạn với các doanh nghiệp xây dựng để từng bước thiết lập sự hợp tác giữa ngân hàng-nhà sản xuất-nhà phân phối và nhà tiêu thụ.

Với Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ, vấn đề đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm là giải pháp quan trọng trong việc phát triển sản xuất phân bón. Hiện tại, công ty có hơn 80 chủng loại phân bón NPK phức hợp có tính năng đa dụng. Đặc biệt là các sản phẩm NPK Cò Bay Hi-End (có 7 dưỡng chất trong cùng một hạt, giá thành thấp hơn phân ngoại nhập 15%) được bổ sung thêm đạm nitrat và các chất trung vi lượng cần thiết. Ngoài mặt hàng chủ lực là phân phón, công ty còn tập trung phát triển sản xuất mặt hàng chất tẩy rửa và hóa chất phục vụ nuôi trồng thủy sản. Công ty còn đầu tư hơn 153 tỉ đồng xây dựng nhà máy thức ăn thủy sản công suất 40.000 tấn/năm, dự kiến đến quí III/2008 sẽ đi vào hoạt động.

Bài, ảnh: Nhật Chánh

Chia sẻ bài viết