20/03/2013 - 21:45

SẢN XUẤT LÚA GẠO NĂM 2013

Đối mặt với nhiều thách thức

Tại Hội nghị "Sơ kết sản xuất lúa vụ đông xuân 2012-2013 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông và mùa 2013 ở Nam Bộ" do Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, ngành nông nghiệp nhận định, mặc dù gặp không ít khó khăn trong quá trình chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, song tính đến thời điểm này, sản xuất lúa đông xuân 2012-2013 ở ĐBSCL cơ bản thắng lợi. Kết quả này mang tính bản lề, tạo đà cho việc đầu tư sản xuất vụ hè thu và thu đông 2013. Tuy nhiên, tình hình sâu bệnh, khô hạn, xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp… là những nguy cơ đe dọa 2 vụ lúa chính còn lại trong năm…

Lúa đông xuân thắng lợi

 Thu hoạch lúa đông xuân 2012-2013 trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. 

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, tính đến nay, lúa đông xuân 2012-2013 thu hoạch được 1,15/1,545 triệu ha, năng suất tương đương vụ đông xuân năm ngoái (6,8 tấn/ha), sản lượng đạt khoảng 10,6 triệu tấn (giảm khoảng 240.000 tấn so với cùng kỳ). Dự kiến, diện tích lúa đông xuân 2012-2013 còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm vào khoảng giữa tháng 4-2013. PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đánh giá: "Thời gian qua, chủ trương đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Phong trào xây dựng mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" (CĐML), áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như IPM, "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"… dần phát huy tác dụng. Nhờ đó, ĐBSCL không những giữ vững năng suất, sản lượng mà còn góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị lúa gạo". Chính sách tạm trữ 1 triệu tấn gạo triển khai đúng vào thời điểm thu họach rộ tác động tích cực trong việc giữ giá lúa ở mức ổn định đảm bảo nông dân có lời từ 30% trở lên.

Qua 5 vụ triển khai thực hiện, mô hình CĐML đã từng bước khẳng định tính ưu việt. Phong trào nhân rộng phương thức sản xuất mới này ở các tỉnh Nam Bộ nói chung và ĐBSCL nói riêng rầm rộ hơn bao giờ hết. Hiện mô hình CĐML tại các tỉnh Nam Bộ đã nhân rộng được hơn 76.000ha, diện tích dao động từ 50-200ha/mô hình. "Được phát động trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đòi hỏi phải được tổ chức, sắp xếp phù hợp với thực trạng, yêu cầu từ thị trường; phương thức tổ chức vừa giải quyết tốt vấn đề về an ninh lương thực trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu… mô hình CĐML nhận được sự đồng thuận từ phía người dân. Với năng suất tăng từ 4,6-7,46%, lợi nhuận trung bình tăng trên 28,3% so với canh tác truyền thống, niềm tin của người dân về mô hình này ngày càng được củng cố. Vụ đông xuân 2012-2013, TP Cần Thơ đã phát triển lên 9.000ha với 7.000 nông hộ tham gia"-ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, bày tỏ.

Nguy cơ hạn, mặn

Dựa vào tình hình thời tiết, mực nước, dự kiến lúa hè thu 2013 sẽ xuống giống vào khoảng tháng 4-2013. Cơ cấu giống đề xuất gồm: Giống chủ lực (OM 4900, OM 4218, OM 6976, OM 6162, OM 5451…), giống bổ sung (OM 2717, OM 7347, OM 2395, OMCS 2000…), giống triển vọng (OM 6377, OM 6916, OM 8928, OM 8018…). Ông Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, nhận định: Sản xuất lúa hè thu 2013 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn. Năm nay, do nguồn nước ngọt từ thượng nguồn đổ về quá ít, cộng với thời tiết nắng gay gắt nên mặn xuất hiện sớm và lấn sâu vào nội đồng. Tính đến đầu tháng 3-2013 đã có hàng ngàn héc-ta lúa xuân hè 2013 ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu bị nhiễm mặn nặng nề...

Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT chỉ đạo công tác xuống giống lúa hè thu 2013 cần tuân thủ nguyên tắc: "Dựa vào dự báo các đợt rầy di trú kết hợp với việc theo dõi bẫy đèn; tình hình thủy văn (hạn, mặn) để  xác định lịch gieo sạ cụ thể cho từng vùng, tiểu vùng nhằm đảm bảo tính tập trung, đồng loạt, né rầy và vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, cày ải đảm bảo thời gian cách ly nguồn bệnh". Để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, mỗi tỉnh, thành chủ động xây dựng phương án phòng chống hạn, xâm nhập mặn; tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến thời tiết, nguồn nước để chính quyền và nhân dân địa phương phối hợp trong công tác chống hạn và xâm nhập mặn. Đối với vụ thu đông 2013, Bộ NN&PTNT chỉ đạo phát triển dựa trên cơ sở hiệu quả khai thác công trình; hiệu quả sản xuất, ổn định đời sống nông dân và bền vững với môi trường...

Một số ý kiến đề xuất, bên cạnh kế hoạch chỉ đạo sản xuất, ngành nông nghiệp cần xây dựng kế hoạch cho cả việc lưu thông, phân phối lúa gạo, nhất là thời điểm thu hoạch rộ. Mô hình CĐML là bước hoàn thiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là nhạc trưởng. Song Nhà nước vẫn chưa có cơ chế chính sách đặc thù nên doanh nghiệp không khỏi lúng túng, ngán ngại trong việc tham gia mô hình. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, kiến nghị: Nhà nước cần đề ra "quy chuẩn" cụ thể khi doanh nghiệp tham gia mô hình CĐML. Chẳng hạn, nên đầu tư trọn gói theo cách làm của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, thu mua theo giá sàn hay tùy theo năng lực doanh nghiệp có thể chỉ hỗ trợ "đầu vào" hoặc "đầu ra"…

Tại Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, chỉ đạo: Để sản xuất vụ hè thu và thu đông 2013 thắng lợi, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật cần bám sát thực tế để có hướng chỉ đạo kịp thời (cơ cấu giống, lịch thời vụ, giải pháp kỹ thuật). Các địa phương ngoài tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ cần chú trọng đẩy mạnh cơ giới hóa nhằm tiết giảm chi phí, hạn chế tối đa thất thoát sau thu hoạch; tập trung các giải pháp tổng hợp, đồng bộ nhằm gia tăng chất lượng lúa, gạo trên nền tảng thực hiện mô hình CĐML, "ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo VietGAP"… Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực hiện nghiêm túc Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT về việc quy định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nhằm ngăn chặn tình trạng các loại vật tư nông nghiệp không đạt chất lượng lưu thông trên thị trường, giá tăng đột biến vào thời điểm đầu vụ…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết