02/12/2024 - 09:15

Doanh nghiệp đồng hành cùng Viện Lúa ÐBSCL thương mại hóa giống lúa OM 34 

Viện Lúa ÐBSCL vừa phối hợp Công ty Ðấu giá hợp danh MeKong tổ chức đấu giá quyền sử dụng giống lúa thuần OM 34 trong sản xuất và kinh doanh. Tại buổi đấu giá, đã có 2 doanh nghiệp đấu giá thành công quyền sử dụng 2 lô giống lúa thuần OM 34 với tổng sản lượng khai thác 400 tấn/năm. Ðây là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp chung tay cùng Viện Lúa thương mại hóa giống lúa thuộc phân khúc giống năng suất cao đáp ứng yêu cầu canh tác rất lớn của nông dân, cũng như phục vụ thị trường xuất khẩu..

Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện Trưởng Viện Lúa ÐBSCL (hàng đầu, bìa trái) ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống lúa thuần OM 34 cho Công ty CP Giống Cây trồng Sông Tiền.

Chinh phục thị trường bằng chất lượng

Ðược lai tạo bởi Viện Lúa ÐBSCL, giống lúa OM 34 có thời gian sinh trưởng từ 88-93 ngày, chiều cao cây 0,9-1m. Tiềm năng năng suất từ 6-9 tấn/ha. Về phẩm chất hạt, OM 34 cho mặt gạo khá, ít bạc bụng, cơm trắng, mềm. Giống lúa OM 34 phản ứng với rầy nâu cấp 3, đạo ôn cấp 7 và bạc lá cấp 3 trong điều kiện thanh lọc nhân tạo. Ðặc biệt, OM 34 được bầu chọn là giống lúa triển vọng nhất tại hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2023-2024. Ðây là giống lúa thuộc nhóm giống năng suất cao và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ðể khai thác, thương mại hóa giống lúa OM 34, Viện Lúa ÐBSCL đưa ra đấu giá quyền sử dụng giống lúa thuần OM 34 với thời hạn quyền sử dụng là 5 năm (từ tháng 11-2024 đến tháng 11-2029) tại vùng ÐBSCL. Có 21 lô giống OM 34 được đưa ra đấu giá với tổng sản lượng là 10.000 tấn lúa giống/năm. Sau khi phát hành hồ sơ, Công ty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) và Công ty CP Giống cây trồng Sông Tiền là 2 đơn vị đấu giá thành công quyền sử dụng 2 lô giống với tổng sản lượng 400 tấn/năm. Bên cạnh đó, Viện Lúa sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá các lô giống còn lại để các đơn vị, danh nghiệp quan tâm có thể cùng tham gia khai thác sử dụng giống lúa này.

Chia sẻ về quyết định tham gia đấu giá quyền sử dụng giống lúa thuần OM 34 trong sản xuất và kinh doanh, ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Công ty CP Giống Cây trồng Sông Tiền, cho biết: Giống lúa OM 34 đã có quá trình dài được Viện Lúa ÐBSCL tổ chức sản xuất thử ở nhiều địa phương ở ÐBSCL trước khi Bộ NN&PTNT chính thức công nhận. Qua quá trình nghiên cứu các đặc tính của giống lúa, tham quan các mô hình sản xuất thử, Công ty nhận thấy đây là giống lúa rất tiềm năng. Vì vậy, ngay sau khi giống lúa được công nhận lưu hành và được Viện Lúa ÐBSCL chuyển giao theo hình thức đấu giá quyền sử dụng giống, công ty mạnh dạn tham gia ngay vì nhận thấy tiềm năng của giống này. Sau khi đấu giá thành công quyền sử dụng giống OM 34, Công ty sẽ triển khai các thủ tục tiếp theo với Viện Lúa để sớm tiếp nhận giống siêu nguyên chủng về nhân giống trong vụ đông xuân 2024-2025. Công ty sẽ chủ động kết nối với các tổ hợp tác, hợp tác xã ở tỉnh Ðồng Tháp đang tổ chức sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn từ 300-1.000ha để cung ứng giống OM 34 cho các đơn vị này. Ðặc biệt là hướng tới làm việc với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo có liên kết tham gia đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp để kết nối đưa giống OM 34 vào sản xuất đại trà, cũng như cung ứng giống cho các DN bao tiêu đầu ra lúa hàng hóa để cung ứng cho thị trường xuất khẩu.

Ðảm bảo công bằng, minh bạch

OM 34 là giống lúa đầu tiên được Viện Lúa ÐBSCL chuyển giao quyền sử dụng theo hình thức đấu giá. Theo ông Nguyễn Quốc Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giống Cây trồng miền Nam (SSC), Công ty sẽ nhanh chóng đưa giống OM 34 vào nhân giống trong vụ đông xuân 2024-2025 để sớm đưa giống cung ứng ra thị trường từ vụ hè thu 2025. Năng lực, quy mô sản xuất hiện tại đảm bảo các điều kiện để SSC đưa giống OM 34 vào tổ chức sản xuất, kinh doanh trên cơ sở đã được chuyển giao quyền sử dụng, kinh doanh giống lúa thuần OM 34. Vấn đề là cần quan tâm kiểm soát nhiều nguồn giống OM 34 cung cấp ra thị trường từ các tổ chức kinh doanh khác mà chưa được cấp phép thông qua đấu giá để đảm bảo công bằng, có trách nhiệm cho các đơn vị phải trả tiền bản quyền được thực thi hiệu quả quyền khai thác, sử dụng giống đã đấu giá thành công lần này. Các đơn vị không tham gia đấu giá, không trả tiền bản quyền mà vẫn tham gia sản xuất giống lậu, về pháp lý cần được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định nhằm tạo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh cho các đơn vị làm ăn chân chính, có trách nhiệm. Từ đó kết hợp tuyên truyền, khuyến khích sự chung tay của Nhà nước, ngành chức năng để kiểm soát hàng lậu, ngặn chặn tình trạng bán lúa giống trôi nổi theo hình thức “bao trắng” vẫn đang tồn tại trên thị trường hiện nay. Khi kiểm soát được vấn đề bán lúa giống lậu trên thị trường sẽ khuyến khích các DN tham gia, tạo sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Ðồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào các kỳ đấu giá tiếp theo khi Viện Lúa nghiên cứu được nhiều giống triển vọng và đưa vào khai thác chính thức sau khi giống lúa đã được Bộ NN&PTNT công nhận.

Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL, đây là lần đầu tiên Viện mời công ty đấu giá tham gia đấu giá quyền khai thác, sử dụng giống lúa. Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, hồ sơ, tính pháp lý để đảm bảo quy trình đấu giá đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong việc chuyển giao quyền sử dụng giống lúa. Sau khi công bố kết quả trúng đấu giá, Viện Lúa ÐBSCL sẽ tiến hành ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng để 2 công ty sớm đưa giống OM 34 vào nhân giống và sản xuất kinh doanh từ vụ đông xuân 2024-2025. Ðồng thời, Viện Lúa sẽ tiếp tục đấu giá các lô giống còn lại nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị quan tâm đến giống OM 34 tham gia chuyển giao quyền sử dụng giống lúa thuần này vào sản xuất kinh doanh ở ÐBSCL.

Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch chia sẻ: Viện Lúa rất cần sự đồng hành hỗ trợ của các địa phương, các cơ quan quan quản lý thị trường quản lý, ngăn ngừa các hành vi vi phạm quyền sử dụng giống lúa. Qua đó giúp đơn vị tham gia đấu giá được hưởng nhiều lợi ích khi được xác lập quyền sử dụng tiến tới các bên cùng tôn trọng và tuân thủ việc khai thác bản quyền sử dụng giống. Như thế ngành công nghiệp giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa mới phát triển ổn định, bền vững, tránh tình trạng bán giống qua “bao trắng”, không nhãn mác, sản xuất kinh doanh giống lậu… Khi các bên tham gia cùng cam kết đi trên con đường tôn trọng quyền sở hữu giống, quyền tác giả, sẽ góp phần nâng cao ý thức sản xuất giống tốt, đưa giống lúa chất lượng, không lẫn tạp, không bị thoái hóa đến tay nông dân. Khi nông dân sử dụng giống tốt sẽ góp phần đảm bảo năng suất, chất lượng và uy tín của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết