|
Thực hiện niêm yết và bán đúng giá niêm yết hàng hóa đúng theo chủ trương chung ở TP Cần Thơ. Ảnh: VĂN TUẤN |
Bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát trong các tháng cuối năm là một nhiệm vụ quan trọng của các tỉnh, thành trong cả nước. Đó là tinh thần Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 8-7-2008 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 5755/BCT-TTTN (ngày 7-7-2008) của Bộ Công Thương. Với quyết tâm cao, UBND TP Cần Thơ, Sở Công Thương và các ngành chức năng đang vào cuộc để kiểm tra, rà soát lại tình hình sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, đồng thời kêu gọi các DN chung tay bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát. DN sẵn sàng hưởng ứng nhưng họ cũng cần được trợ lực để vượt qua khó khăn...
NGUỒN CUNG KHÔNG THIẾU...
Giữa tháng 7-2008, Sở Công Thương TP Cần Thơ đã khảo sát một số DN sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn cho thấy, nguồn hàng cơ bản đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của người dân thành phố. Đối với mặt hàng lương thực, nguồn cung khá dồi dào cả trong dân và DN. Một số DN lớn, bình quân lượng gạo dự trữ trong kho khoảng 20.000 tấn/DN. Theo ước tính, tổng sản lượng lúa đông xuân và hè thu 2008, TP Cần Thơ có trên 1,24 triệu tấn lúa hàng hóa. Năm 2008, thành phố có kế hoạch xuất khẩu khoảng 550.000 tấn gạo, do vậy, lượng gạo dôi dư đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa trên địa bàn. Đó là chưa kể nguồn cung từ các tỉnh lân cận như: Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp... TP Cần Thơ hiện có 134 doanh nghiệp kinh doanh xay xát và chế biến gạo xuất khẩu. Trong 7 tháng đầu năm, tổng lượng gạo xuất khẩu khoảng 262.000 tấn (đạt trên 47% kế hoạch năm), chiếm tỷ trọng 32% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Ngoài ra, nguồn hàng sản xuất tại chỗ và nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, phân bón, sắt thép, xi măng... cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Chẳng hạn, đàn heo thịt của thành phố hiện có khoảng 112.988 con; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản (cá, tôm) 165.958 tấn... Thành phố hiện có 3 doanh nghiệp sản xuất phân bón, tổng sản lượng sản xuất hàng năm ước khoảng 164.146 tấn; ước sản lượng xi măng 878.400 tấn/năm; sắt thép sản xuất trong năm trên 33.017 tấn...
Theo nhận định của DN sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm, giá cả hiện chưa có biến động, nhưng từ nay đến cuối năm giá sẽ tăng theo chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, việc “sốt” giá hoặc khan hiếm nguồn hàng rất khó xảy ra. Bởi lẽ, khi giá cả tăng, người dân buộc phải tính toán lại chi tiêu trong gia đình. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực sông Hậu (Khu Công nghiệp Trà Nóc I), cho biết: “Trong đợt sốt gạo vừa qua, công ty đã cung ứng 30 tấn gạo ra thị trường theo vận động của thành phố. Hiện nay, lượng gạo trữ trong kho của công ty khoảng 20.000 tấn và nguồn hàng không khan hiếm, do đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu”. Theo ông Trượng, Công ty Lương thực sông Hậu có 1 cửa hàng trung tâm đặt tại quận Cái Răng và 28 đại lý vệ tinh. Lượng gạo tiêu thụ trên địa bàn thành phố của đơn vị bình quân từ 1.000- 2.000 tấn/năm, còn tính chung ở thị trường ĐBSCL cũng chỉ 10.000 tấn/năm.
Ông La Minh Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, nói: “Hiện tại, lượng cung ứng 2 mặt hàng thịt heo và cá (cá đồng, cá biển) của công ty ra thị trường vẫn ổn định về số lượng, giá cả. Riêng các mặt hàng bách hóa như: dầu ăn, bột ngọt... giá có nhích lên, do tâm lý lo ngại tăng giá của người tiêu dùng khi giá xăng tăng, nên mua nhiều hàng. Nhưng hiện tượng này sẽ không kéo dài và không tạo ra khan hàng khi người dân cân đối chi tiêu gia đình. Còn cá biển, chắc chắn giá sẽ tăng trong nay mai, do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá dầu. Song bù lại, nguồn cá tra, cá ba sa rất dồi dào”. Ông Hồng dự đoán, một số mặt hàng thực phẩm từ nay đến cuối năm sẽ tăng, nhưng không gây rối loạn thị trường. Hiện nay, công ty này cung ứng ra thị trường hàng ngày từ 25- 30 tấn cá các loại, lượng thịt heo tiêu thụ trung bình 400 con/ngày. Nguồn hàng được lấy tại Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang...
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết: “Ngành Công Thương đang vận động một số DN nhà nước sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu dự trữ nguồn hàng để cùng UBND thành phố bình ổn giá từ nay đến cuối năm 2008. Trong thẩm quyền của mình, Sở sẽ tập trung giải quyết những khó khăn về thủ tục giúp DN đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, giảm áp lực tăng giá. Tuy nhiên, cũng cần một chính sách cụ thể của thành phố và Trung ương để hỗ trợ DN”. Tháng 4-2008, trong đợt “sốt ảo” gạo, Sở Công Thương đã vận động 4 DN sản xuất, kinh doanh gạo như: Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ, Công ty Nông nghiệp Sông Hậu, Công ty CP Gentraco, Công ty Lương thực Sông Hậu cung ứng ra thị trường hơn 110 tấn gạo thông qua việc tổ chức một số điểm bán lẻ ở các chợ trung tâm. Giá bán được niêm yết từ 10.000- 12.000 đồng/kg, thấp hơn giá thị trường từ 3.000- 5.000 đồng/kg và được duy trì đến hôm nay.
THÀNH LẬP QUỸ BÌNH ỔN GIÁ
Từ đầu tháng 7-2008, Đội kiểm tra liên ngành thành phố do Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương) chủ trì phối hợp cùng với các ngành Công an, Chi cục đo lường chất lượng, Thanh tra Sở Tài chính, Cục thuế, Cục Hải quan bắt đầu kiểm tra tình hình cung- cầu 10 mặt hàng thiết yếu, gồm: lương thực, xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh, sắt thép, xi măng, đường, giấy, muối, than. Trong đó, tập trung kiểm tra khối lượng hàng hóa trên thị trường, chất lượng, niêm yết giá và xuất xứ hàng hóa... nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, góp phần bình ổn giá, đồng thời đưa công tác niêm yết giá vào nề nếp ở các siêu thị và thị trường bán buôn, bán lẻ.
Trong đợt kiểm tra, Chi cục Quản lý thị trường phát hiện có 2 cửa hàng bán lẻ xăng ở huyện Thốt Nốt có biểu hiện đóng cửa, ngưng hoạt động, lực lượng quản lý thị trường đã lập biên bản tại hiện trường. Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương, việc kiểm tra, kiểm soát tình hình cung cầu, nhất là các mặt hàng thiết yếu phải thực hiện liên tục và xuyên suốt. Ngoài vận động, tuyên truyền doanh nghiệp góp phần chia sẻ khó khăn với địa phương để kiềm chế lạm phát, việc thưởng, phạt cũng phải kịp thời. Vừa qua, Sở đã đề nghị với UBND thành phố tặng bằng khen cho 4 DN sản xuất, kinh doanh gạo. Đối với 2 cây xăng vi phạm, Sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phải xử lý nghiêm, nếu cần thiết sẽ rút giấy phép kinh doanh.
Mới đây, tại cuộc họp triển khai quán triệt chủ trương của Chính phủ, Bộ Công Thương và giải pháp của UBND TP Cần Thơ về kiềm chế lạm phát, đảm bảo sự phát triển bền vững, nhiều DN đã thể hiện quyết tâm bắt tay cùng thành phố kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, để DN tham gia thực hiện tốt thì cần có vốn đáp ứng nguồn hàng. Theo nhận định của Sở Công Thương TP Cần Thơ, giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực sẽ ổn định giá ở mức cao như hiện nay; thực phẩm, phân bón, sắt thép, vật liệu xây dựng, giấy... có thể tăng nhẹ và đứng ở mức cao. Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: “Để bình ổn giá trong 6 tháng cuối năm, Sở đã đề xuất với Bộ Công Thương trình Chính phủ hỗ trợ cho thành phố xây dựng Quỹ bình ổn giá khoảng 200 tỉ đồng nhằm giúp địa phương chủ động cùng DN tạo nguồn hàng dự trữ và điều tiết kịp thời tránh biến động giá, đồng thời thiết lập hệ thống phân phối một số mặt hàng thiết yếu”. Ngoài ra, Sở đang rà soát lại hệ thống phân phối của các DN sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.
Hiện phân bón, sắt thép, xi măng... chưa thiết lập hệ thống phân phối như xăng dầu. Chính vì vậy, quá trình phân phối còn nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Nguồn hàng được cung cấp từ một hoặc nhiều DN sản xuất, nhập khẩu nên nguồn gốc khác nhau và việc thực hiện niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết cũng chưa thống nhất. Quỹ bình ổn giá và thiết lập một hệ thống phân phối chặt chẽ sẽ là giải pháp thiết thực, góp phần bình ổn thị trường.
GIA BẢO