01/06/2011 - 20:04

Doanh nghiệp cần đổi mới để phát triển

May hàng xuất khẩu ở
Công ty Cổ phần may Tây Đô.

Sân chơi WTO ngày càng sâu rộng hơn, thách thức trong cạnh tranh hội nhập là vấn đề không tránh khỏi. Rồi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát trong nước đang ở mức cao, khó khăn chồng chất lên vai các doanh nghiệp (DN). Chủ động vượt khó, “khéo co” thời bão giá... là những cụm từ được nhắc đến rất nhiều hiện nay. Tuy nhiên, để trụ vững trên thị trường, vấn đề đang đặt ra cho các DN là một chiến lược khả thi tái cơ cấu sản xuất.

* Linh động vượt qua thách thức

Theo nhận định của các chuyên gia, cạnh tranh gay gắt sẽ xuất hiện tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, DN nội sẽ “hụt hơi” trước bài toán giá cạnh tranh với các sản phẩm cùng ngành hàng của DN nước ngoài. Tuy nhiên, rất nhiều DN đã biết tận dụng thời cơ trong khó khăn để phát triển sản xuất, đảm bảo thị phần và thu nhập cho người lao động.

Ông Lê Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Tây Đô, cho biết: “Xi măng Tây Đô chiếm khoảng 19% thị phần tại ĐBSCL. Riêng TP Cần Thơ là 60% và độ phủ thị trường khoảng 90%. Thị trường tiêu thụ xi măng của đơn vị được duy trì ở mức cao, bình quân đạt 55.000 tấn/tháng trong những năm qua”. Theo ông Lê Ngọc Anh, trong kinh doanh, công ty luôn chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm, liên tục tìm kiếm thị trường mới nhằm bảo toàn vốn hiệu quả. Ngoài ra, công ty luôn chủ động tìm nguồn clinker ổn định để đảm bảo cung ứng đủ cho sản xuất và dự trữ. Năm 2011, công ty tiếp tục thực hiện chương trình tiết kiệm toàn diện để giảm giá thành, đảm bảo lợi nhuận và phát triển bền vững.

Trước tình hình khó khăn hiện nay, nhiều DN đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ông Nguyễn Trung Trực, Chủ cơ sở cơ khí Trung Việt (Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng), cho biết: “Điều lo nhất hiện nay là lãi suất ngân hàng gần 25%/năm. Để duy trì sản xuất sản phẩm truyền thống trong lĩnh vực công nghiệp tân dược và mở rộng được thị trường, đơn vị phải sắp xếp lại tổ chức sản xuất, hạn chế vay vốn. Gói gọn sản xuất theo năng lực hiện tại và đôi lúc phải chấp nhận mất thị phần để được tồn tại. Và để tồn tại DN phải đảm bảo có lợi nhuận hơn 30% mỗi năm”. Ông Trực cho rằng, thị trường Cần Thơ hiện đã bão hòa, 50% thị trường của cơ sở là các tỉnh phía Bắc. Do vậy, phải bình tĩnh thực hiện từng mục tiêu nhỏ từng bước vượt qua khó khăn để tồn tại rồi mới tính đến kế hoạch lâu dài phát triển...

* Đổi mới để thích nghi

Có thể nói, vượt qua được “bão giá” là sự thành công đối với các DN hiện nay. Bởi lạm phát cao sẽ phát sinh nhiều cái khó như: phải co hẹp sản xuất, mất thị phần và tăng thất nghiệp... Sau lạm phát, “sức khỏe” của DN liệu có đảm bảo để củng cố lại sản xuất là vấn đề rất khó dự đoán. Nhiều chuyên gia cho rằng, các DN cần nỗ lực thích nghi với những biến động liên tục của thị trường, có vận động, DN mới có quyết sách mới phù hợp để “vượt bão”.

Ông Phan Quang Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần may Tây Đô, cho biết: “Hiện nay, nguyên phụ liệu cho ngành may mặc đa phần là nhập khẩu, chỉ sử dụng một số phụ liệu trong nước như nút áo, chỉ... Trong khi hầu hết giá cả nguyên liệu đều tăng, nên công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, để giữ vững vị trí của sản phẩm trên thị trường tiêu thụ, công ty chú trọng cải tiến sản xuất, hạn chế lãng phí thời gian làm việc”. Ngoài ra, May Tây Đô còn đưa công nghệ cao vào vận hành để tạo năng suất lao động cao. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thực hiện tiết kiệm triệt để qua sử dụng nguyên liệu trấu để đốt lò hơi thay cho lò điện trong vận hành sản xuất, nên tiết kiệm được khoảng 20% lượng điện năng (trong 5 tháng đầu năm 2011, đơn vị tiết kiệm hơn 10.000 Kwh điện). May Tây Đô còn chủ động đưa những công nhân kỹ thuật đến các công ty may khác học tập mô hình sản xuất tiên tiến, quản lý sản xuất... nhằm mang lại lợi nhuận cho đơn vị và cải thiện đời sống của người lao động.

Suy tính kỹ càng về chiến lược để phát triển ổn định sản phẩm của mình là lời khuyên của các chuyên gia đối với DN trong thời điểm giá cả đầu vào liên tục biến động theo xu hướng tăng như hiện nay. Ông Lê Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Tây Đô, cho biết: “Công ty luôn cân nhắc, chỉ nhập vật tư, thiết bị... theo nhu cầu sản xuất. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty đã đầu tư mua cổ phần của một số đối tác chiến lược, các DN cổ phần hóa thông qua hình thức đấu giá hoặc góp vốn trực tiếp”. Với phương châm: Sản phẩm - dịch vụ chất lượng cao, thân thiện với môi trường và hướng đến cộng đồng, Xi măng Tây Đô luôn được sự tin cậy của khách hàng. Theo ông Lê Ngọc Anh, đơn vị sẽ tăng cường tìm kiếm đối tác tiêu thụ nhiều hơn nữa các sản phẩm xi măng xá, đặc biệt là xi măng PCB50 dùng trong công nghiệp, đây là kênh có giá trị khẳng định ưu thế và chất lượng của sản phẩm đối với khách hàng. Song song đó, là việc cải thiện chất lượng dịch vụ để giữ vững niềm tin với khách hàng, đối tác của công ty.

Một chiến lược khả thi để ứng phó với lạm phát, khó khăn về thị trường luôn là thách thức lớn đối với DN, nhất là DN vừa và nhỏ, trình độ quản lý, năng lực tài chính hạn chế. Để không khoác chiếc áo quá rộng và đi qua cơn bão vững vàng, DN phải giải quyết rất nhiều vấn đề trong tái cơ cấu sản xuất.

Bài, ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

May hàng xuất khẩu ở Công ty Cổ phần may Tây Đô.

Chia sẻ bài viết