28/12/2015 - 14:53

Điều trị thai ngoài tử cung bằng phương pháp nội khoa

Thai ngoài tử cung là bệnh lý sản khoa không mong muốn của phụ nữ. Thạc sĩ – bác sĩ Trịnh Hoài Ngọc, Phó Trưởng khoa Phụ, Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ lưu ý cách phòng tránh và nhận biết thai ngoài tử cung; đồng thời khuyến cáo, chị em mắc bệnh lý này, nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và xử trí kịp thời, tránh biến chứng ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng.

* Thai ngoài tử cung là gì?

Thai ngoài tử cung là trường hợp thai không nằm trong lòng tử cung mà ở những nơi khác bên ngoài tử cung, thường gặp nhất là ở vòi trứng chiếm 95%. Ngoài ra, thai ngoài tử cung có thể gặp ở buồng trứng, cổ tử cung, sẹo mổ lấy thai cũ hay trong ổ bụng. Thai ngoài tử cung chiếm tỷ lệ 1% – 3% thai kỳ. Tỷ lệ này không thay đổi nhiều giữa các quốc gia trên thế giới. Cứ 1.000 người có thai sẽ có từ 1 đến 3 người có thể bị thai ngoài tử cung. Người có thai ngoài tử cung một lần sẽ có khả năng bị thai ngoài tử cung lại.

* Tại sao thai phụ có thể bị thai ngoài tử cung?

Nguyên nhân gây thai ngoài tử cung là tất cả yếu tố ngăn cản hay làm chậm trễ sự di chuyển của phôi từ nơi thụ tinh ở 1/3 ngoài vòi trứng tới buồng tử cung. Tuy nhiên, nguyên nhân gây thai ngoài tử cung thường không quan trọng bằng các yếu tố nguy cơ, vì đây là các yếu tố có thể ngăn chặn và phòng ngừa được. Các yếu tố nguy cơ có thể gây ra thai ngoài tử cung đứng hàng đầu gồm: viêm nhiễm vòi trứng do nạo phá thai; viêm nhiễm vùng chậu; tiền căn thai ngoài tử cung; hút thuốc lá; những phẫu thuật thực hiện trước đó trên vòi trứng,…

Khoa Phụ BV Phụ sản TP Cần Thơ điều trị hiệu quả các bệnh lý phụ khoa.

* Hậu quả thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung có thể vỡ bất cứ lúc nào. Khi vỡ, máu ồ ạt vào trong ổ bụng, người bệnh có thể tử vong khi chưa kịp đến BV hoặc nếu sống được thì sẽ ảnh hưởng sức khỏe và tương lai sản khoa về sau.

* Làm sao biết được có thai ngoài tử cung ?

Thai ngoài tử cung được biểu hiện qua 3 triệu chứng "kinh điển" sau:

Trễ kinh: đây là biểu hiện thường gặp vì thai ngoài tử cung cũng là "thai", người bệnh có thể nghĩ rằng mình đang có thai mà không đi khám. Điều này rất nguy hiểm, vì vậy khi có biểu hiện trễ kinh, chị em cần đi khám ngay.

Rong huyết: có thể người bệnh ra huyết trước hoặc sau chu kỳ kinh bình thường nên thường bỏ qua. Tuy nhiên, ra huyết trong thai ngoài tử cung có đặc điểm khác là lượng máu ít, bầm đen, ra rỉ rả kéo dài và không đông.

Đau bụng: đây là dấu hiệu người bệnh nào cũng thường có. Đau vùng bụng dưới, âm ỉ một bên, thỉnh thoảng có cơn đau nhói.

Việc thăm khám, chẩn đoán những trường hợp thai ngoài tử cung chưa vỡ rất khó. Bác sĩ có thể sờ có một khối u cạnh tử cung, dạng hơi dài theo chiều dài vòi trứng, giới hạn khá rõ, mật độ mềm, chạm đau. Đôi khi người bệnh có ra huyết âm đạo giống như sẩy thai. Định lượng β_hCG giúp chẩn đoán có thai, nhưng không thể xác định được thai ngoài tử cung. Siêu âm cho thấy trong lòng tử cung không có túi thai, có thể nhìn thấy khối u cạnh tử cung với echo dạng hỗn hợp, hoặc thấy (nhưng rất khó thấy) hình ảnh túi thai trong vòi trứng. Nội soi ổ bụng là phương pháp nhanh chóng, hiện đại, có thể chẩn đoán chính xác gần 100%. Hiện nay, các trung tâm sản phụ khoa lớn như BV Phụ Sản TP Cần Thơ, kết hợp giữa định lượng β_hCG và siêu âm ngã âm đạo có thể cho chẩn đoán chính xác thai ngoài tử cung tương đương với nội soi ổ bụng.

* Hiện có 2 phương pháp chính điều trị thai ngoài tử cung là phẫu thuật nội soi ổ bụng và điều trị nội khoa

- Phẫu thuật nội soi: Với ưu điểm ít đau, sử dụng ít kháng sinh, thời gian nằm viện ngắn, phục hồi sức khỏe nhanh, trở lại với công việc thường ngày sớm, thẩm mỹ vì không để lại sẹo xấu trên bụng (vết sẹo nhỏ 0,5 – 1cm).

Về nhược điểm, có thể gặp một số biến chứng như: tai biến của thuốc mê, chảy máu, tổn thương các cơ quan trong bụng như: ruột, bàng quang, niệu quản, trực tràng… Phẫu thuật nội soi bảo tồn tai vòi còn làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung lần sau; đồng thời do sử dụng công nghệ hiện đại nên chi phí cuộc phẫu thuật nội soi khá cao.

- Điều trị nội khoa: là sử dụng thuốc (Methotrexate) để làm chết thai, sau đó cơ thể sẽ tự hấp thu khối thai. Điều trị nội khoa có nhiều ưu điểm như: tỷ lệ thành công cao từ 90 – 95%; không gặp biến chứng phẫu thuật; chi phí thấp hơn nhiều lần so với phẫu thuật nội soi. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng có thể điều trị nội khoa mà phải có đầy đủ các tiêu chuẩn sau: khối thai chưa vỡ, không có tim thai, kích thước khối thai < 4cm; chức năng gan, thận bình thường và không có chống chỉ định với Methotrexate.

Năm qua, BV Phụ Sản TP Cần Thơ điều trị hơn 200 trường hợp thai ngoài tử cung, tỷ lệ điều trị nội khoa đạt 70%, với tỷ lệ thành công trên 90%. Tất cả bệnh nhân ra viện với tình trạng sức khỏe tốt, tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn.

Thạc sĩ – bác sĩ Trịnh Hoài Ngọc khuyên phụ nữ trong độ tuổi sinh sản: Thai ngoài tử cung là bệnh lý không mong đợi ở tất cả phụ nữ đang mong muốn có con nhưng đôi khi thai ngoài tử cung khó tránh và phải chấp nhận. Các chị em khác chưa muốn có con thì nên ngừa thai, không nên nạo phá thai bừa bãi vì đó là một trong những nguyên nhân thường dẫn đến vô sinh và thai ngoài tử cung sau này. Khi nghi ngờ thai ngoài tử cung, người bệnh cần phải nhập viện, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Dự, trước đây thai ngoài tử cung chỉ có một lựa chọn là phải phẫu thuật nhưng giờ đây điều trị thai ngoài tử cung nội khoa là một tiếp cận mới giúp chị em an tâm không cần phải phẫu thuật, tỷ lệ thành công rất cao với điều kiện là phải phát hiện sớm để có chỉ định điều trị đúng và phù hợp.

THU SƯƠNG (lược ghi)

Chia sẻ bài viết