22/11/2012 - 20:34

Điều trị hiếm muộn - đừng để quá muộn!

 Có con là mong muốn của các cặp vợ chồng (ảnh minh họa từ internet).

Tương tự tình hình trên thế giới, tại Việt Nam, ước tính khoảng 8-10% cặp vợ chồng có vấn đề về sức khỏe sinh sản. Theo kết quả khảo sát năm 2009 của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ, tại thành phố, con số này là 5,6%. Tỷ lệ hiếm muộn đang có xu hướng tăng. Bác sĩ Dư Huỳnh Hồng Ngọc, Đơn vị Hỗ trợ sinh sản (IVF Mekong), Bệnh viện Phụ Sản Quốc tế Phương Châu , cho biết:

Đa phần do bất thường tinh trùng

Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ hiếm muộn đang ngày càng gia tăng do sự suy giảm khả năng sinh sản của nam lẫn nữ giới, dưới tác động môi trường sống bị ô nhiễm, thói quen sinh hoạt không lành mạnh; do căng thẳng, áp lực tâm lý "phải có con". Ngoài ra, "cố gắng" ngừa thai bằng nhiều hình thức khác nhau, tình trạng kết hôn muộn và tuổi vợ càng cao, cũng ảnh hưởng không ít đến khả năng mang thai của phụ nữ.

Theo các tài liệu nghiên cứu trên thế giới, nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh - hiếm muộn, điểm cần đặc biệt lưu ý là các nguyên nhân này có thể do hai phía, với tỷ lệ tương đương nhau. Trong số 100 cặp vợ chồng đến khám vô sinh - hiếm muộn, khoảng 40 trường hợp do bất thường của người chồng, 40 trường hợp do người vợ, 10 trường hợp do những bất thường của cả vợ chồng, số còn lại không tìm được nguyên nhân. Những nguyên nhân hiếm muộn do người chồng thường tập trung vào bất thường của tinh trùng (chiếm khoảng 90%), còn lại 7 - 8% là các bất thường về rối loạn xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng (có cảm giác xuất tinh sau quan hệ vợ chồng hay sau thủ dâm nhưng không thấy tinh dịch ra ngoài) hoặc không xuất tinh (không có cảm giác xuất tinh và không có tinh dịch). Ngoài ra, một bất thường ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người chồng là rối loạn cương dương, chiếm tỷ lệ thấp (1-2%).

Riêng tại Việt Nam, theo báo cáo năm 2012 của khoa Y, Trường Đại học Quốc gia TPHCM, có đến 85,44% các cặp vợ chồng khám hiếm muộn bất thường về tinh trùng. Trong đó, khoảng 10% trường hợp người chồng hoàn toàn không có tinh trùng trong tinh dịch. Kết quả khảo sát trên 1.252 cặp vợ chồng ở ĐBSCL đến khám và tư vấn vô sinh, hiếm muộn tại IVF Mekong từ tháng 5-2011 đến 5-2012 cho thấy, có đến 94,4% trường hợp có tinh dịch đồ bất thường. Trong số này, trên 50% trường hợp có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm vì tinh trùng của chồng bất thường. Các bất thường của tinh trùng đang có xu hướng gia tăng, do tình trạng tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, các hóa chất độc hại như: thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu; thói quen hút thuốc lá, uống bia rượu nhiều, mặc đồ lót chật; ngồi lâu hay làm việc trong môi trường nóng…

Bên cạnh các nguyên nhân do bất thường tinh trùng của người chồng, các rối loạn trong hoạt động buồng trứng của người vợ cũng góp phần làm ảnh hưởng đến khả năng có con của các cặp vợ chồng. Bất thường của người vợ có thể là liên quan đến buồng trứng như: suy buồng trứng (buồng trứng không còn trứng, tương tự tình trạng mãn kinh ở phụ nữ lớn tuổi), rối loạn phóng noãn hay buồng trứng đa nang (buồng trứng có nhiều trứng, nhưng các trứng này thường ở tình trạng không hoạt động). Các bệnh lý gây tình trạng tắc hay dính vòi trứng cũng góp phần làm cơ hội có thai tự nhiên bị ảnh hưởng. Ngoài ra, một số bệnh lý khác như: lạc nội mạc tử cung, bất thường tử cung ở phụ nữ (u xơ tử cung to, pô-lýp lòng tử cung), cũng là nguyên nhân gây khó có con.

Giảm căng thẳng, tăng có thai

Áp lực công việc, áp lực phải có con từ phía gia đình, từ phía hai vợ chồng... là những áp lực vô hình dẫn đến hoạt động của buồng trứng kém đi, làm cho chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, dẫn đến giảm khả năng có thai tự nhiên. Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford, năm 2010, stress làm giảm 12% khả năng có thai tự nhiên của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản mà không có những bất thường về chức năng sinh sản. Do đó, "giảm căng thẳng, tăng có thai" cần được thực hiện. Bên cạnh đó, quan hệ vợ chồng với tần suất 2-3 lần/tuần, giảm các thói quen gây hại đến tinh trùng như: hút thuốc lá, uống rượu, bia… có thể làm tăng cơ hội có thai tự nhiên. Yếu tố tâm lý tích cực của các cặp vợ chồng sẽ góp phần gia tăng tỷ lệ có thai tự nhiên hoặc làm tăng tỷ lệ thành công các phương pháp điều trị. Nếu thực hiện tốt những điều này thì việc có con không là mong ước cao xa.

Tuy nhiên, sau khi đã điều chỉnh các yếu tố trên, sau 1 năm quan hệ vợ chồng, không áp dụng biện pháp tránh thai mà vẫn chưa có thai thì hai vợ chồng nên đến các bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn và đánh giá tình trạng hiếm muộn. Điểm cần lưu ý, phụ nữ càng lớn tuổi, khả năng có con càng giảm, do đó, nếu người vợ từ 35 tuổi trở lên, sau 6 tháng quan hệ chưa có thai thì nên đăng ký khám sớm. Càng chậm trễ thì việc điều trị càng phức tạp, tốn kém mà cơ hội có con càng giảm đi. Khi đăng ký khám và tư vấn nên có cả vợ và chồng, vì nguyên nhân hiếm muộn đến từ hai phía. Một vẻ ngoài "nam tính" không đảm bảo một tinh trùng khỏe mạnh; do đó, muốn có con, cần sự hợp tác của cả vợ và chồng.

HUỆ HOA (lược ghi)

Chia sẻ bài viết