29/03/2011 - 21:13

Điều chỉnh lối sống hợp lý để phòng bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một bệnh mãn tính phổ biến ở các nước công nghiệp phát triển và nước đang phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới xếp tăng huyết áp là một trong sáu yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng tới phân bố gánh nặng bệnh tật toàn cầu.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ khám bệnh, tư vấn sức khỏe, nhất là bệnh cao huyết áp ở người cao tuổi. Ảnh: B.Ng

Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp ngày càng gia tăng và độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ. Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp ở vùng thành thị cao gần gấp đôi vùng nông thôn.

Hiện nay, y học đã chứng minh có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp như: Hút thuốc, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, hoặc do tuổi cao, thừa cân- béo phì, uống nhiều bia rượu, ít vận động thể lực (lối sống thụ động, tĩnh tại), stress (căng thẳng, lo âu quá mức), khẩu phần ăn mặn quá mức hoặc nhiều chất béo. Bên cạnh một số yếu tố nguy cơ không thể can thiệp được như: tuổi tác, tiền sử gia đình, thì có rất nhiều yếu tố nguy cơ chúng ta có thể can thiệp được như chế độ ăn uống, bỏ hút thuốc, không để thừa cân, vận động thể lực... Điều chỉnh lối sống hợp lý là một biện pháp chính và trước tiên để phòng ngừa và điều trị tăng huyết áp. Trong đó, có một số yếu tố lưu ý như:

- Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì: Nếu tăng 5-10kg trọng lượng cơ thể so với tiêu chuẩn sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ xuất hiện tăng huyết áp. Tăng cân trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ (48%) khả năng mắc bệnh, nguy cơ này tăng dần ở phụ nữ tuổi mãn kinh, những người bụng to với vòng bụng trên 85cm ở nữ và trên 98cm ở nam. Ở người thừa cân hoặc béo phì, cứ giảm 10kg cân nặng sẽ giảm 5-10mmHg (milimét thủy ngân) mức huyết áp tâm thu. Nên duy trì vòng bụng dưới 90cm đối với nam và dưới 80cm đối với nữ.

Tăng cường trái cây, rau quả, ít chất béo trong khẩu phần ăn hằng ngày giúp làm giảm cholesterol, sẽ làm hạn chế cao huyết áp.
Ảnh: B.Ng

- Chế độ ăn nhiều rau, trái, ít chất béo: Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bình quân tỷ lệ người Việt Nam có lượng cholesterol cao là 29,1%, trong đó tỷ lệ này ở người dân thành thị lên tới 44,3%. Việc tích tụ cholesterol làm hẹp động mạch và khiến cho máu đi qua khó khăn hơn, làm giảm lượng máu tới mô cơ thể, bao gồm cả tim. Vì thế, cholesterol cao dẫn đến các chứng xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não; thậm chí cholesterol cao còn có nguy cơ gây ra các bệnh về sỏi túi mật, đái tháo đường... làm giảm chất lượng sống của người trung niên và cao tuổi. Nên ăn 3 bữa hàng ngày với khoảng một nữa thực phẩm là chất bột (cơm), rau xanh và trái cây. Không dùng nhiều mỡ và chất ngọt; ăn nhiều chất xơ hòa tan. Giảm lượng mỡ bão hòa như mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ. Nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật như: dầu thực vật, dầu mè, dầu hướng dương. Acid béo có trong cá là omega-3 và các loại hạt có tác dụng hạ cholesterol xấu và giảm nguy cơ làm máu đông. Thịt mỡ động vật nhất là loại thịt đỏ như thịt heo, thịt bò, trứng, có hàm lượng mỡ bão hòa cao là nguồn gốc phát sinh chứng xơ vữa động mạch, trong khi đó đạm thực vật như tàu hủ có nhiều chất xơ, chất khoáng, chất chống ôxy hóa lại là nguồn chất đạm và chất béo lý tưởng cho phòng chống tăng huyết áp. Nhiều nghiên cứu cho thấy chất xơ trong rau quả và các loại ngũ cốc như gạo lứt, đậu có tác dụng chuyển hóa chất béo và làm hạ huyết áp. Các chất xơ, nhất là chất xơ tan được trong nước có khả năng hút nước và trương nở lên 8-10 lần thể tích ban đầu, qua đó có thể kết dính và đào thải nhiều cặn bã và chất độc ra khỏi cơ thể. Ăn nhiều rau quả làm tăng lượng kali và ít natri. Chuối, dưa hấu, khoai tây có lượng kali cao. Lượng kali cao có tác dụng tốt trong ổn định huyết áp còn giúp bù trừ khuynh hướng ăn nhiều muối hơn khuyến cáo.

- Chế độ giảm muối, giàu kali và can xi: Nhu cầu muối ăn trung bình là 15g/ngày, trong đó 10g có sẵn trong thực phẩm tự nhiên, vì vậy chỉ cần 5g mỗi ngày tương đương 1 muỗng cà phê cho một người lớn là đủ. Kết quả khảo sát cho thấy người Việt Nam, nhất là người miền Tây có thói quen ăn rất mặn, trung bình sử dụng tới 18-20g muối mỗi ngày cho mỗi người qua các món dưa muối, cá khô, thịt kho mặn, mắm chưng, trái cây chua chấm muối cục... Những thực phẩm đóng gói như mì gói, bánh snack... cũng có nhiều muối. Nhiều loại phụ gia thực phẩm khác có gốc sodium (natri) cũng có tác dụng tương tự muối ăn (NaCl) như bột nổi, bột nở, muối tiêu, bột ngọt. Càng ăn ít muối thì huyết áp càng thấp.

- Tăng cường hoạt động thể lực, tránh lối sống tĩnh tại: Hoạt động thể lực chỉ cần vừa phải và đều dặn như đi bộ nhanh; thực hiện hàng ngày hoặc 3-4 lần mỗi tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút. Hoạt động thể lực còn làm giảm nguy cơ đái tháo đường.

- Bỏ hẳn thuốc lá, hạn chế bia rượu: Thuốc lá có chất kích thích hệ giao cảm làm co mạch gây tăng huyết áp. Người đang điều trị bằng thuốc hạ áp thì uống bia rượu quá mức sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Người ta thấy rằng nếu dùng một lượng rượu nhỏ hàng ngày lại có tác dụng tốt cho tim mạch và có thể làm giảm huyết áp từ 2-4mmHg, nhưng nếu dùng nhiều lại có tác dụng ngược lại. Mỗi ngày không nên uống quá 2 cốc nhỏ rượu, phụ nữ uống ít hơn.

Thực hiện lối sống hợp lý để phòng chống bệnh tăng huyết áp là việc hoàn toàn có thể thực hiện tại gia đình, là phương pháp không tốn kém lại khả thi, qua đó giảm được dân số bị tăng huyết áp, giảm gánh nặng bệnh tật cho xã hội.

Bs. Dương Phước Long - Trung tâm YTDP thành phố Cần Thơ
(Theo tài liệu tuyên truyền của Viện Tim mạch Việt Nam)

Chia sẻ bài viết