San Francisco vừa trở thành thành phố đầu tiên ở Mỹ thông qua luật “Cell Phone Right-to-Know” (tạm dịch: Quyền được biết về điện thoại di động (ĐTDĐ)”, trong đó qui định: các nhà kinh doanh ĐTDĐ phải niêm yết Tỷ lệ hấp thu riêng (Specific Absorption Rate (SAR) mức năng lượng phóng xạ do điện thoại phát ra mà cơ thể và bộ não của người dùng có thể hấp thu. Hiện nay, nhiều thành phố ở Mỹ đang cân nhắc luật định tương tự trong khi không ít tờ báo của xứ cờ hoa đặt câu hỏi: Có phải điện thoại di động là thuốc lá mới?
 |
Ảnh: AP |
Trong bài viết “Are cells the new cigarettes?” (Có phải điện thoại di động là thuốc lá mới?) đăng trên tờ Thời báo New York mới đây, cây bút Maureen Dowd cho rằng những bước tiến công nghệ mà chúng ta nghĩ rằng làm cho cuộc sống của nhân loại hạnh phúc hơn chẳng hạn như những chiếc điện thoại thời thượng mà nhiều người phải xếp hàng cả đêm mới mua được thật sự là quả bom hẹn giờ. Cũng giống như các bậc phụ huynh ngày nay nói với con cái của họ rằng “con có tin hay không trước đây đã từng có lúc không ai biết rằng thuốc lá có hại cho sức khỏe”. Mai đây những đứa trẻ này có gia đình và chúng có thể sẽ nói với con cái của mình rằng “con có tin hay không đã từng có lúc không một ai biết rằng việc áp điện thoại sát bên đầu
(ảnh) và “nấu cháo điện thoại” hàng giờ nguy hiểm cho sức khỏe đến mức nào”.
Dowd dẫn một nghiên cứu của Thụy Điển, trong đó các nhà khoa học theo dõi những người trẻ bắt đầu xài điện thoại từ thuở thiếu niên trong thời gian 10 năm và nhận thấy những đối tượng này tăng nguy cơ bị u não đến 400%. Đồng quan điểm với tác giả, Tiến sĩ Mỹ Joseph Mercola người sáng lập www.mercola.com, trang tin chuyên về chăm sóc sức khỏe bằng liệu pháp thiên nhiên có lượng truy cập đông nhất thế giới cho rằng mối liên hệ giữa việc sử dụng ĐTDĐ và nguy cơ u não không còn là giả thuyết mà là một sự thật đã được chứng minh đầy đủ với hơn 100 công trình nghiên cứu. Bác sĩ Mercola nhắc lại kết luận năm 2008 của Tiến sĩ Guatam Khurana, chuyên gia về phẫu thuật thần kinh hàng đầu của Bệnh viện Mayo ở bang Ohio. “Hiện đã có đủ bằng chứng và công nghệ để chứng minh cho ngành công nghiệp ĐTDĐ cũng như chính phủ (Mỹ) thấy rằng họ nên đề ra những biện pháp cần biết nhằm hạn chế mức độ phơi nhiễm phóng xạ điện từ liên quan đến ĐTDĐ ở người tiêu dùng, cũng như giúp người dùng nhận thức rõ về những tác hại tiềm ẩn cũng như cách sử dụng công nghệ này một cách hợp lý và an toàn”.
Theo báo điện tử FoodConsumer chuyên về sức khỏe và thực phẩm của Mỹ, năm 2008 người dân nước này dùng ĐTDĐ cả thảy 36,6 tỉ giờ tăng 1,1 tỉ giờ so với năm trước. Tiến sĩ Mercola cho rằng nếu so sánh sự lớn mạnh hiện nay của ngành công nghiệp ĐTDĐ với lịch sử của ngành công nghiệp thuốc lá, sẽ dễ dàng nhận thấy có nhiều điểm tương đồng. Chẳng hạn, giống như thuốc lá, ĐTDĐ cũng gây nghiện (nhiều người rơi vào trạng thái bức bối khi chú “dế” của mình đột ngột hết pin hoặc mất sóng và luôn “dính” với điện thoại). Cả hai ngành công nghiệp ĐTDĐ và thuốc lá đều đổ hàng tỉ USD vào các chiến dịch quảng cáo đồ sộ và hiệu quả nhắm tới mọi đối tượng trong xã hội, kể cả trẻ em. Các nhà sản xuất và lãnh đạo của hai ngành công nghiệp này hoặc che giấu hoặc làm giảm nhẹ những kết quả nghiên cứu bất lợi và luôn quảng bá sản phẩm của mình là an toàn. Giới khoa học đã công bố một lượng lớn dữ liệu nghiên cứu chứng minh mối liên hệ giữa 2 sản phẩm này với nguy cơ tổn hại cơ thể có khả năng đe dọa tính mạng.
Phản ứng trước việc San Francisco thông qua luật Quyền được biết về ĐTDĐ, Hiệp hội không dây (CTIA) ở Washington, đơn vị đại diện cho ngành công nghiệp ĐTDĐ Mỹ, vẫn khẳng định ĐTDĐ an toàn với người sử dụng và mức phóng xạ do điện thoại phát ra vẫn theo tiêu chuẩn của Ủy ban truyền thông liên bang (FCC). Theo đó, SAR dao động ở mức 0,2-1,6 watt/kg mô cơ thể được cho là an toàn cho sức khỏe. Được biết, SAR khác nhau ở mỗi dòng điện thoại. CTIA cho rằng luật của San Francisco sẽ làm người tiêu dùng hoảng sợ một cách không cần thiết. Trong khi đó, tờ Nước Mỹ Ngày nay cho rằng dường như CTIA quyết tâm ngăn chặn bất cứ điều luật nào cho rằng ĐTDĐ có thể gây nguy hiểm. Hồi tháng 3 năm nay, tổ chức này đã thành công trong việc làm thất bại một đề xuất ở bang Maine, trong đó yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại ở đây phải dán nhãn cảnh báo các bậc cha mẹ về nguy cơ tổn hại sức khỏe đối với trẻ em.
Để bảo vệ sức khỏe người dân, thành phố San Francisco kêu gọi người dùng ĐTDĐ không để điện thoại trong túi áo (quần), sử dụng tai nghe hoặc bật loa khi đàm thoại, nếu có thể thay đàm thoại bằng tin nhắn. Ngoài ra, người dùng không nên thực hiện cuộc gọi khi sóng yếu vì điện thoại sẽ phát ra nhiều phóng xạ hơn và tốn hao nhiều năng lượng hơn khi cố thực hiện kết nối cuộc gọi.
(Theo USA Today) |
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Tổ chức Y tế thế giới vừa tiến hành một nghiên cứu mới mang tên Mobi-kids, nhằm nghiên cứu nguy cơ u não ở trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng nhiều ĐTDĐ. Theo các nhà khoa học, trẻ nhỏ đặc biệt có nguy cơ này do sọ của chúng mỏng hơn so với của người trưởng thành. Trong khi đó, Tổ chức Hoạt động vì Môi trường ở Mỹ kêu gọi người tiêu dùng nước này mua ĐTDĐ với mức SAR càng thấp càng tốt. “Chúng tôi lo ngại trước nhiều nghiên cứu gần đây chứng minh nguy cơ u não và u tuyến nước bọt ở những người dùng “dế” từ 10 năm trở lên” theo trang ewg.org.
QUỐC CHÂU (Theo NY Times, USA Today, FoodConsumer)