26/04/2011 - 08:29

Dĩ hòa vi quý

Hôm nay 26-4, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sẽ đến Thủ đô Roma của Ý để gặp người đứng đầu chính phủ nước chủ nhà - Thủ tướng Silvio Berlusconi - để bàn cách tháo gỡ bế tắc trong mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng xung quanh vấn đề người tị nạn và nhập cư bất hợp pháp từ châu Phi.

Ai cũng biết nhiều tuần qua, Pháp và Ý lâm vào cuộc tranh cãi nảy lửa về chuyện kiểm soát người nhập cư bất hợp pháp đến độ Paris dọa ngừng cấp thị thực Schengen theo cam kết của Hiệp ước tự do đi lại trong khu vực châu Âu. Pháp cho rằng đang phải gánh chịu hậu quả từ quyết định cấp thị thực Schengen 3 tháng đối với những người nhập cư của Ý. Theo đó, những người nhập cư được phép tự do đi lại, vận chuyển hàng hóa trên toàn khối châu Âu. Hôm 17-4, Pháp buộc phải dừng một đoàn tàu lữ hành chở những người nhập cư bất hợp pháp “tìm cách lách luật của Hiệp ước Schengen” bằng cách đi du lịch từ Genoa, Venice và những thành phố lớn khác của nước Ý sang nước này.

Thật ra, Ý cũng đang chịu áp lực lớn trước làn sóng người nhập cư lậu từ châu Phi sau sự bất ổn chính trị ở Tunisie hồi tháng 1-2011. Theo thống kê, có tới hơn 25.000 người châu Phi vượt biển sang các đảo ở miền Nam nước Ý, trong đó có 20.000 người Tunisie mà phần lớn là dân sử dụng tiếng Pháp. Roma cho rằng hành động của mình phù hợp với tinh thần của Hiệp ước (Schengen) tự do đi lại giữa 25 nước thành viên Liên minh châu Âu (ngoại trừ Bulgarie và Roumanie) và một số quốc gia châu Âu khác, nhưng Paris vẫn quyết định đóng cửa biên giới với lập luận đây là “trường hợp ngoại lệ”. Pháp cáo buộc chính quyền Roma thay vì phải tự giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp tại nước mình đã đổ gánh nặng trách nhiệm lên vai Paris. Đáp lại, Ý cáo buộc Pháp “thiếu tinh thần bác ái” trong việc tiếp nhận người tị nạn sau sự bất ổn chính trị ở Tunisie, quốc gia từng là thuộc địa của Pháp.

Về mặt pháp lý thì rõ ràng Ý không sai, nhưng quyết định của Pháp lại nhận được sự cảm thông của Ủy ban châu Âu (EC) và nhiều nước thành viên EU hơn. Vì thế, như đề cập ở trên, Pháp đã từng lớn tiếng đe dọa sẽ tạm dừng Hiệp ước Schengen nếu vấn đề người nhập cư từ Ý không được giải quyết hợp lý. Giới quan sát cho rằng Pháp đang giục EC và EU, kể cả Ý, ủng hộ việc sữa đổi Hiệp ước Schengen theo hướng cho phép các nước tham gia kiểm soát đi lại qua biên giới trong những tình huống đặc biệt như hiện nay. Nhưng để thuyết phục Roma, Paris phải đồng thời vận động sự hậu thuẫn của EC và EU về việc trực tiếp giúp chính quyền Ý giải quyết vấn đề người tị nạn. Và để ngăn chặn hiệu quả hơn làn sóng nhập cư trái phép trong tương lai, Ý hy vọng giới lãnh đạo châu Âu tăng cường hỗ trợ các quốc gia Bắc Phi đầy bất ổn chính trị xây dựng hệ thống an ninh, kiểm soát biên giới.

Nhiều nguồn tin cho biết, sau cuộc gặp thượng đỉnh lần này, Pháp và Ý sẽ kêu gọi EU viện trợ 10 tỉ euro cho cái gọi là “giúp Bắc Phi quá độ sang nền dân chủ”. Theo Thời báo Tài chính của Anh, cả Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Berlusconi đều muốn giải quyết ổn thỏa vấn đề nhập cư bất hợp pháp nhằm trấn an dân chúng trước các cuộc bầu cử sắp tới. Dĩ hòa vi quý trong trường hợp này là vậy.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết