10/02/2021 - 10:12

Đẹp lắm Cần Thơ! 

“Tết này, em sẽ về lại Cần Thơ”, Đặng Thiên Vy, nghiên cứu sinh văn hóa học tại Hà Nội, nhắn zalo cho tôi. Vy còn kể một loạt nơi mà cô muốn đến: đường bích họa Cần Thơ, quán cà phê xanh rêu quá khứ, căn nhà màu tím đầy hoài niệm... Và cuối cùng, dòng nhắn tin của Vy làm tôi bâng khuâng mãi: “Cần Thơ đẹp lắm!”.

Đường bích họa “Hành trình về Cần Thơ xưa và nay” thu hút giới trẻ. Ảnh: DUY KHÔI

Tôi biết Vy trong những lần cô về miền Tây để hoàn thành luận án tiến sĩ. Vy yêu thương văn hóa miền châu thổ, nhất là với mảnh đất Cần Thơ. Và trong tâm tình hoài niệm đó, Vy đã tìm thấy sự đồng điệu ở những người trẻ xứ Tây Ðô.

Ðường bích họa “Hành trình về Cần Thơ xưa và nay” ở tuyến đường gần bến Ninh Kiều là một ví dụ. Công trình do Thành Ðoàn Cần Thơ và Hội Sinh viên Việt Nam TP Cần Thơ thực hiện. Ở con đường nhỏ này, người ta tìm được ký ức Cần Thơ. Một nhà lồng chợ cổ trăm năm soi bóng bên sông Cần Thơ; một con phố xưa nhộn nhịp chốn đô thành, một chuyến xe lam chở bao nhiêu nỗi nhớ... Hành trình đi tìm vẻ đẹp Cần Thơ cứ thế mà dọc dài niềm thương mến. Nghe chúng tôi kể câu chuyện này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp gật đầu: “Các bạn trẻ bây giờ hay lắm, đi lên từ văn hóa truyền thống của quê hương”.

Cần Thơ còn có một hành trình không kém phần thú vị là “Hành trình trên đất Cái Răng”. Ðây là tour du lịch do Phạm Hải Việt, chàng trai 8X là chủ Công ty Special Life Travel ở quận Cái Răng, lên ý tưởng thực hiện. Hành trình đưa du khách về với “xứ hào hoa” để trải nghiệm văn hóa bản địa: lênh đênh trên chợ nổi, lắng lòng trong làn khói tỏa hương từ Di tích quốc gia Hiệp Thiên Cung, khám phá căn nhà màu tím độc đáo miền Tây... Và còn có chuyến khám phá làng nghề làm hủ tiếu, đan đát, ẩm thực chay, hay những món ăn truyền thống trứ danh xứ sở... Hải Việt cho hay, hành trình này được nhiều du khách lựa chọn. Nét dân dã, truyền thống của một phố chợ hiện đại là điểm thu hút. Chị Trần Huyền Trang, du khách đến từ TP Hải Phòng, sau khi khám phá hành trình nói rằng: “Vùng đất này thật giàu bản sắc”.

Trần Minh Lương, nhiếp ảnh gia 9X quê ở Ô Môn, Cần Thơ, năm qua gặt hái được nhiều giải thưởng lớn cấp quốc gia. Sở trường của Lương là ảnh phong cảnh, chụp bằng flycam. Chàng kỹ sư điện có dịp đi dọc dài đất nước và anh đã kể chuyện về quê hương mình bằng nghệ thuật của ánh sáng. Với Cần Thơ, anh chụp ảnh ban ngày lẫn khung cảnh về đêm; cả dưới thấp cũng như bay bổng không trung. Vậy mà Lương nói rằng, anh vẫn không thể nào chuyển tải hết vẻ đẹp của Cần Thơ. Với anh, Cần Thơ mang một vẻ đẹp đằm thắm, phát triển nhanh nhưng bền vững với những mảng xanh đô thị, những dòng kênh, con sông uốn lượn mát lành. “Tôi rất vui khi ảnh đẹp về Cần Thơ của mình được chia sẻ, góc nhìn về quê hương của mình lại chạm được trái tim của nhiều người”, Minh Lương chia sẻ.

Tái hiện Tết xưa - Tết nay ở Cái Răng trong “Phố Ông Chảnh”.  Ảnh: DUY KHÔI

Ai đến Cần Thơ cũng sẽ có lần nghe câu hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh trong bài “Chiếc áo bà ba”: “Hậu Giang ơi nước xuôi xuôi một dòng. Dẫu qua đây một lần. Nói sao cho vừa lòng. Nói sao cho vừa thương”. Biết nói sao cho hết tình yêu với quê hương Cần Thơ. Vậy nên, mỗi người trẻ lại có một cách biểu thị và lan tỏa rất riêng. Bên tách cà phê nóng trong quán cà phê Cổ ngoạn, nhà văn Vũ Thống Nhất chiêm nghiệm thật lâu trong mơn man se lạnh của ngọn gió chướng già, rồi quay sang nói với tôi: “Gần đây, chú ấn tượng với những quán cà phê ở Cần Thơ, thật lạ và bản sắc. Ðiều thú vị là hầu hết đều do các bạn còn khá trẻ lập nên”. Một quán cà phê nhỏ trên đường Lê Bình với “muôn hồng nghìn tía” thức uống từ trà; quán cà phê ở bờ hồ Xáng Thổi trở thành nơi thăng hoa của những tình khúc Việt; hay ngay tại quán cà phê Cổ ngoạn nơi chúng tôi đang ngồi, vây quanh là những món đồ từ xưa đến cổ, từ ký ức đến dấu tích trăm năm... “Tất cả đều là văn hóa và các bạn đang khai thác rất tốt!”, nhà văn Vũ Thống Nhất tâm đắc.

Cùng suy nghĩ về điều này, chị Huỳnh Thị Hồng Sen, chủ nhân Căn nhà màu tím đang gây sốt trên bản đồ du lịch Cần Thơ, “minh oan” cho mình: “Nhiều người hỏi tôi sao không sơn chiếc xuồng màu tím, cây dầm màu tím hay mái chèo màu tím. Mình yêu màu tím chứ đâu có “cuồng” màu tím đến vậy”. Căn nhà màu tím được dựng nên từ tình yêu màu tím của chị Sen nhưng chị cũng muốn chuyển tải vào không gian ấy chiều sâu văn hóa. Vậy nên, bên cạnh màu tím, khách còn chạm vào ký ức một mái nhà lá với bếp củi, sóng chén, sàn lãn... bình yên như về nhà. Hay là một ngôi nhà ký ức với chiếc tivi trắng đen rồi chiếc xe cub “cà tàng”, bộ sa-lông thùng, bộ ly-quăng chân quỳ... Vậy là những câu xuýt xoa: “Nhớ quá”, “Hồi xưa đó nghe”... cứ buột miệng thốt ra từ những người già hoài niệm, người trẻ nhớ thương.

Lan tỏa văn hóa quê hương, trách nhiệm không thuộc về ai và cũng chẳng có một ràng buộc nào để làm điều đó. Duy có điều, văn hóa thấm sâu vào lòng người như cuộc sống vốn dĩ như thế. Dòng nước bạc Cần Thơ, hột gạo trắng Cần Thơ, trái ngọt đất Cần Thơ... tất cả nuôi nấng tâm hồn người Cần Thơ tự thuở nào, làm nên một cốt cách không pha lẫn. Hoa thơm tự tỏa hương, văn hóa Cần Thơ tỏa lan một cách tự nhiên và đằm sâu như vậy. Quá khứ - hiện tại - tương lai, một giềng mối phát triển liền mạch, không đứt gãy đã giúp văn hóa Cần Thơ khẳng định vị thế.

Tái bút: Thiên Vy thân mến! Tết này, mời em và bạn bè khắp nơi về với Cần Thơ. Tết ở Cần Thơ đẹp lắm. Bến Ninh Kiều rực màu hoa xuân. Bảo tàng Cần Thơ mở hội “Sắc xuân trên phố”. Ở Cái Răng, “Phố Ông Chảnh” của chàng trai trẻ Nguyễn Minh Nhật tái hiện Tết xưa - Tết nay cũng thật là thú vị. Mùi Tết sực nức phố phường, len trong từng mái nhà, góc phố. Người Cần Thơ ăn Tết dân dã mà kỹ lưỡng và thơm thảo với tất cả mọi người về đây ăn Tết!

Nét đẹp Cần Thơ qua ống kính của tay máy trẻ Trần Minh Lương. Ảnh: NVCC

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết