24/03/2020 - 07:48

Để sản xuất hiệu quả vụ lúa hè thu 

ĐBSCL đang vào giai đoạn cuối vụ mùa thu hoạch lúa đông xuân 2019-2020. Nhiều tỉnh, thành thu hoạch lúa đông xuân được thị trường tiêu thụ với giá khá tốt, tạo tâm lý phấn khởi cho nông dân bước vào vụ lúa hè thu 2020. Đặc biệt, tuy hạn, mặn vây quanh vùng ven biển và đề phòng dịch COVID-19 tấn công, nông dân vùng ĐBSCL không hoang mang, việc canh tác, sản xuất vẫn diễn ra bình thường.

Trạm bơm nước trên địa bàn TP Cần Thơ sẵn sàng hoạt động, đưa nước vào kênh nội đồng, phục vụ sản xuất lúa hè thu 2020.

Tại TP Cần Thơ, đến thời điểm này, các huyện vùng ven: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn, Thốt Nốt… được nguồn nước ngọt sông Hậu cung cấp, nông dân chủ động trong sản xuất nông nghiệp. Sau thu hoạch lúa đông xuân, nông dân bắt tay vào việc làm đất chuyển qua vụ sản xuất lúa hè thu sớm. Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, đến nay thành phố đã xuống giống lúa hè thu trên 61.300ha, chiếm trên 80% kế hoạch. Lúa hè thu sớm hiện đã qua giai đoạn mạ vượt lên xanh đồng. Dọc theo các tuyến đường giao thông thuộc huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ… nhiều nông dân vào vụ sớm và sản xuất lúa không bị ảnh hưởng bởi mùa khô hạn. Địa phương cũng tăng cường công tác thủy lợi, nạo vét kênh nội đồng, dự trữ nước phục vụ sản xuất lúa hè thu 2020.

Tỉnh Sóc Trăng, vụ lúa hè thu 2020, địa phương có kế hoạch xuống giống 141.200ha, tương đương vụ hè thu năm 2019. Sóc Trăng đưa ra chủ trương hỗ trợ tối đa các giải pháp kỹ thuật, khuyến khích nông dân chuyển đổi giống theo hướng gia tăng sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản để nâng cao chất lượng lúa gạo, đem lại thu nhập cao cho nông dân trồng lúa. Trước cơ hội tốt, thị trường tiêu thụ gạo thế giới dự báo có nhiều chuyển đổi tích cực, vụ lúa hè thu 2020, Sóc Trăng sản xuất với mục tiêu vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tạo thêm sản lượng lương thực xuất khẩu, góp phần vào sản xuất nông nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19... Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng,  nông dân ở những địa phương có nhiều nước ngọt: Châu Thành, Kế Sách, Mỹ Tú, thị xã Ngã Năm đang chờ mưa. Bởi, hằng năm vào tháng 4 bắt đầu có mưa và nông dân vào vụ gieo sạ. Nhưng, năm nay hạn mặn gay gắt nhất từ trước đến nay, dự kiến đến tháng 5 có mưa và tháng 6 địa phương mới vào vụ sản xuất hè thu chính vụ. Đến cuối tháng 9, đầu tháng 10-2020, lúa hè thu sẽ cho thu hoạch. Trong khoảng thời gian này là mùa mưa và nước thượng nguồn đổ về, nông dân tỉnh Sóc Trăng không lo thiếu nước. Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng hiện đang trữ nước ngọt ở một số vùng khép kín để chuẩn bị cho vụ mùa sản xuất lúa hè thu năm 2020.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ lúa hè thu 2020, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cơ cấu sản xuất với các giống chủ lực: Đài thơm 8, OM 5451, OM 18, OM 4900, OM 6976, các giống lúa nhóm ST… Trong đó có các giống lúa chống chịu phèn, mặn trung bình, khá: OM 6976, OM 4900, OM 5451, Đài thơm 8, OM 18, OM 6162, OM 7347, OM 9915, OM 9577, các giống lúa thơm nhóm ST… sản xuất phù hợp tại các địa phương vùng ven biển ĐBSCL. Bà con nông dân tại TP Cần Thơ cũng như các tỉnh vùng ĐBSCL mong rằng vụ mùa hè thu 2020 sản xuất thắng lợi khi mà các địa phương đang tăng cường các công tác ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn và tổ chức khai thông dòng chảy, nạo vét kênh nội đồng, dự trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết