Đến nay, nông dân tại TP Cần Thơ đã thu hoạch gần xong diện tích lúa đông xuân và nhiều nông dân đang bước vào sản xuất vụ lúa hè thu 2009. Trước mùa vụ mới, ngành nông nghiệp và doanh nghiệp xuất khẩu đã đưa ra nhiều khuyến cáo nhằm giúp nông dân sản xuất vụ lúa hè thu và thu đông năm nay thắng lợi.
* GIÁ LÚA GIẢM, NÔNG DÂN VẪN CÓ LỜI CAO
Trong khoảng 1 tuần qua, giá lúa gạo đã có xu hướng chững lại. Giới kinh doanh dự đoán: nhiều khả năng cho thấy giá các loại lúa gạo sẽ bình ổn trong thời gian tới, chứ khó giảm thêm do đã bước vào cuối vụ thu hoạch. Nếu so với cách nay 1 tháng, giá lúa gạo tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thấp hơn khoảng 200 đồng/kg, thì hiện giá lúa thường (đã phơi, sấy khô) tiểu thương đến tận nhà thu mua ở mức 4.200-4.300 đồng/kg, lúa thơm Jasmine 4.800-4.900 đồng/kg; còn gạo lức nguyên liệu xuất khẩu từ 5.620-5.780 đồng/kg.
|
Thu mua lúa gạo để chế biến xuất khẩu tại Công ty Lương thực Sông Hậu Chi nhánh Cái Răng. |
Sở dĩ giá lúa gạo đang ở mức thấp hơn so với tháng trước, trong khi đầu ra gạo trong xuất khẩu đang khá tốt, là do gần đây tiểu thương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã hạ giá thu mua lúa và gạo nguyên liệu xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Ở (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), chuyên đi mua lúa về xay gạo bán cho các nhà máy chế biến gạo xuất khẩu, cho biết: “Giá lúa và gạo lức nguyên liệu giảm do nhiều loại lúa xay gạo không đạt chất lượng cao vì ảnh hưởng bởi những cơn mưa trái mùa. Trước đây, khi xay lúa tôi thu 14kg gạo lức/20kg lúa nhưng bây giờ chỉ thu được 13,5-13,8 kg gạo lức/20 kg lúa, thậm chí một số loại lúa thơm nhẹ đạt dưới 13kg gạo lức/20 kg lúa. Theo nhiều doanh nghiệp, vụ đông xuân trước lau bóng 100kg gạo lức có thể thu từ 65-66kg gạo trắng nhưng lúa mùa này chỉ thu được khoảng 62 kg gạo trắng/100kg gạo lức. Gần đây, giá thu mua gạo lức nguyên liệu xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp giảm so với vụ trước gần 200 đồng/kg. Chính vì vậy, chúng tôi cũng phải giảm giá thu mua lúa của nông dân xuống với mức tương ứng nhằm đảm bảo lợi nhuận”. Còn theo doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ngoài nguyên nhân gạo lức lau bóng thành gạo trắng bị rớt tỷ lệ (do nhiều hạt gạo bị gãy...) còn do giá phụ phẩm cám đã giảm hơn 300 đồng/kg so với trước, xuống chỉ còn khoảng 2.700 đồng/kg. Mặt khác, nếu giữ giá thu mua gạo lức nguyên liệu (loại 5% tấm) từ 5.800 đồng/kg trở lên thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ nặng do giá thành gạo trắng xuất khẩu đã ở mức khoảng 430 USD/tấn trở lên. Trong khi đó, nhiều hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp ký hồi đầu năm chỉ ở mức khoảng 420 USD/tấn, thậm chí thấp hơn.
Tuy vậy, đa số nông dân vẫn đang có lợi nhuận cao dù giá lúa có giảm so với tháng trước. Ông Bùi Văn Thường ở ấp Thới Bình B, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, cho rằng với giá 4.300 đồng/kg, nếu năng suất lúa đạt 700kg/công trở lên, trừ đi chi phí, nhà nông có lời ít nhất cũng trên 1,6 triệu đồng/công lúa. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, vụ đông xuân 2008-2009 thành phố xuống giống 90.044 ha lúa và đến nay đã thu hoạch trên 87.537 ha, chiếm hơn 97,2% diện tích gieo trồng. Ước năng suất bình quân của các quận, huyện đạt 6,67 tấn/ha. Với giá thành sản xuất lúa trong vụ đông xuân 2008-2009 ở mức khoảng 2.000-2.200 đồng/kg, đảm bảo nông dân có lời khoảng 40-50%.
* ĐỂ ĐẦU RA BỀN VỮNG
Một thực tế là trong vụ đông xuân năm nay, giống lúa thường IR50404 dễ tiêu thụ hơn nhiều giống lúa thơm (Jasmine, HĐ, OM 4900...). Nhiều nông dân sản xuất giống IR50404 trúng mùa, trúng giá, đạt lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với nhiều nông dân làm các giống lúa khác. Điều này, đã gây ra ngộ nhận rằng “Làm lúa IR50404 ngon ăn hơn làm các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao”. Chính vì vậy, nhiều nông dân đang sạ lại giống lúa IR50404 trong vụ hè thu 2009. Đây là điều hoàn toàn trái ngược lại với khuyến cáo gần đây của ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nông dân không nên gieo sạ giống lúa IR50404 trong vụ hè thu và thu đông vì năng suất, chất lượng lúa thấp, chi phí sản xuất có thể tăng cao, mà giá tiêu thụ từ nay đến cuối năm đối với giống này có xu hướng giảm. Nông dân cũng nên hạn chế canh tác giống OM 5930 do giống này đang xảy ra hiện tượng lép xanh, chưa rõ nguyên nhân. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: “Mỗi địa phương cần chọn 4 giống chủ lực và 5-6 giống bổ sung. Diện tích gieo sạ mỗi giống chủ lực không nên vượt quá 20% diện tích trên địa bàn”.
Từ đầu vụ đông xuân đến nay, Công ty Lương thực Sông Hậu đã thu mua được trên 70.000 tấn gạo và hiện đã chế biến, tiêu thụ được 35.000 tấn gạo các loại. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho biết: “Trong những tháng đầu năm 2009, các hợp đồng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp chủ yếu là gạo 25% tấm và thị trường xuất khẩu chủ yếu là Philippines. Giống lúa IR50404 sản xuất trong vụ đông xuân có thời tiết khô ráo nên gạo không bị bạc bụng, màu sắc tốt, phù hợp làm gạo cấp thấp (25% tấm) xuất khẩu. Hơn nữa, giá thành loại gạo này chỉ khoảng 375 USD/tấn nhưng nhiều doanh nghiệp xuất được với giá 417 USD/tấn, nên đa số các doanh nghiệp đều tập trung mua hàng làm gạo 25% tấm. Nhưng 6 tháng cuối năm, các hợp đồng xuất khẩu sẽ tập trung vào các loại gạo cấp cao (5% tấm) và gạo cấp trung bình. Vì vậy, nông dân cần tập trung sản xuất các giống lúa dài, lúa chất lượng cao, không nên sản xuất lúa IR50404 vì vụ hè thu, thu đông thời tiết mưa gió làm cho giống lúa này có phẩm chất gạo xấu, có màu sẫm và bị bạc bụng không đảm bảo chất lượng xuất khẩu và thị trường lúc đó không có nhu cầu nhiều về loại gạo 25% tấm”.
Ngoài việc chọn giống lúa phù hợp với nhu cầu xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng khuyến cáo nông dân nên quan tâm nhiều đến khâu thu hoạch, xử lý lúa và bảo quản lúa sau thu hoạch trong vụ hè thu và thu đông. Bởi nếu phơi, sấy và bảo quản lúa không tốt sau thu hoạch sẽ làm giảm chất lượng, xay gạo bị rớt tỷ lệ và vô hình trung làm cho lúa gạo bị mất giá. Ông Trầm Tấn Thành, Phó Ban quản lý dự án lúa chất lượng cao, Công ty cổ phần Gentraco, khuyến cáo: “Thời tiết nắng mưa đột ngột dễ làm cho lúa bị giảm chất lượng. Do đó, khi thu hoạch lúa, nhất là lúa hè thu và thu đông, nông dân không nên phơi lúa mớ ngoài đồng vì lúa dễ bị mắc mưa dẫn đến gạo giảm chất lượng (bị gãy, bạc bụng). Nông dân nên sấy ngay sau thu hoạch và phải đúng kỹ thuật (lò sấy phải đủ gió, đúng nhiệt độ...). Ông Trầm Tấn Thành cho biết thêm, trong vụ đông xuân 2008-2009, Gentraco đã bao tiêu sản phẩm cho 150 ha lúa Jasmine tại huyện Cờ Đỏ. Hiện nay, các diện tích lúa này đang được nông dân thu hoạch và công ty thu mua. Lúc đầu, công ty dự tính sẽ mua lúa ở mức giá từ 5.250 đồng/kg trở lên, nhưng qua kiểm tra cho thấy việc xử lý lúa sau thu hoạch chưa thật tốt (còn lẫn tạp chất, phơi sấy chưa thật tốt...) nên công ty chỉ mua với giá từ 5.000-5.150 đồng/kg.
Bài, ảnh: Khánh Trung