16/05/2016 - 20:59

ĐBSCL sẽ ra sao khi phù sa không về?

Trong bối cảnh các địa phương vùng ĐBSCL đang oằn mình ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hạn mặn; sạt lở… các nhà khoa học, chuyên gia lại đưa ra cảnh báo: Suy giảm lượng phù sa cũng là vấn đề đáng lo ngại! Bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng không diễn ra một sớm một chiều, xâm nhập mặn có thể giải quyết bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng nước tiết kiệm. Nhưng thiếu phù sa bồi đắp cho ĐBSCL gây nên tình trạng sụt lún, đảo lộn quá trình kiến tạo đồng bằng là vĩnh viễn, không có cơ may phục hồi.

"Hiểm họa" phù sa bị suy giảm

Một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự trù phú của vùng ĐBSCL là lượng phù sa được bồi tụ hằng năm. Phù sa làm đất đai màu mỡ. Nhờ đó, cây trái và lúa phát triển tốt hơn, người dân tiết giảm được chi phí sản xuất do ít sử dụng phân bón. Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng phù sa về rất ít khiến chi phí sản xuất của người dân tăng cao, kéo theo đó là tình trạng cỏ dại, sâu bệnh cũng diễn biến phức tạp hơn. Ông Lũ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết: "Mặc dù chưa có số liệu chứng minh chính xác nhưng có thể khẳng định lượng phù sa ở An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL vài năm trở lại đây ngày càng ít dần. Điều này gây nhiều khó khăn cho người dân trong sản xuất nông nghiệp. Đơn cử là việc sản xuất lúa ngày càng trở nên tốn kém, công sức của người dân bỏ ra nhiều hơn nhưng năng suất đạt không như mong muốn".

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành trồng trọt, lượng phù sa giảm đã làm cho nhiều địa phương ven biển của ĐBSCL như Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau… bị sạt lở nghiêm trọng. Theo các nhà khoa học, ĐBSCL được hình thành từ 6.000 năm qua do phù sa sông Mekong (bùn, cát, sỏi…) bồi đắp không ngừng. Lượng phù sa bồi đắp này trội hơn năng lượng của biển (sóng, triều). Vì vậy, khi cán cân phù sa bị thiếu hụt, biển sẽ xâm nhập sâu vào đất liền, làm sạt lở bờ biển. "Bờ biển ĐBSCL có một lớp nước đục do phù sa tạo nên. Một mặt lớp nước đục này bồi lắng đồng bằng, mặt khác nó làm tấm "áo giáp mềm" bảo vệ cho bờ biển. Khi phù sa bị ít đi, lớp "áo giáp" này sẽ mỏng hơn và không còn bảo vệ được bờ biển nữa…" - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL, thông tin.

 Theo cảnh báo từ chuyên gia, vấn đề sạt lở, sụt lún tại ĐBSCL do thiếu phù sa sẽ không có giải pháp công trình nào có thể khắc phục.

Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của các đập thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn sông Mekong, lượng phù sa đổ về hằng năm sẽ bị chắn lại không xuống được hạ lưu. Như vậy, quá trình kiến tạo đồng bằng hoàn toàn bị cắt đứt và quá trình ngược sẽ diễn ra, tức là quá trình sạt lở, tan rã của đồng bằng. Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, phân tích: "Một khi tất cả các đập thủy điện ở Trung Quốc đi vào hoạt động, tác động đối với trầm tích sông Mekong là rất lớn. Lượng trầm tích ước tính sẽ bị các đập Trung Quốc giữ lại khoảng từ 1/3 đến 1/2 tổng lượng trầm tích bình quân chảy về châu thổ Mekong. Điều này gây nên tình trạng thâm hụt trong cán cân trầm tích ở hạ du, làm thay đổi địa mạo lòng sông và cửa biển. Sự sạt lở nghiêm trọng đê biển ở Gành Hào, đường phòng hộ ven biển ở Bạc Liêu là một minh chứng cụ thể của tác động kép lên đồng bằng từ biến đổi khí hậu và khai thác nguồn nước ở thượng nguồn".

Không còn cách cứu vãn?

Theo các nhà khoa học, lượng phù sa sông Mekong đổ về ĐBSCL hằng năm khoảng 160 triệu tấn nhưng các đập thủy điện của Trung Quốc đã làm giảm lượng tải xuống còn 50%. Sau này, khi 11 đập ở dòng chính hạ lưu vực (thuộc lãnh thổ Lào và Campuchia) xây dựng xong, lượng phù sa sẽ giảm tiếp chỉ còn lại khoảng 25%... "Nhiều năm trước, ở trạm Tân Châu (tỉnh An Giang) - nơi đầu nguồn vào ĐBSCL còn thấy những dấu hiệu lượng của phù sa về nhưng vài năm gầy đây thì không thấy nữa. Thiếu nước ngọt còn có cơ hội bổ sung, tích trữ từ nước mưa, còn thiếu phù sa bồi đắp thì rất nguy hiểm, sụt lún đất sẽ diễn ra và không có cơ may phục hồi…" – Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho biết.

Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL, nhấn mạnh: "Tác động của các đập thủy điện trên sông Mekong đối với ĐBSCL và cho toàn lưu vực đã được nêu rõ trong Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược năm 2010. Đó là những tác động vĩnh viễn, không thể phục hồi được một khi các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong được xây dựng và đi vào vận hành. Đối với vấn đề sạt lở, sụt lún của ĐBSCL do thiếu phù sa sẽ không có cách nào khắc phục. Hạn mặn tuy nghiêm trọng nhưng sẽ không nghiêm trọng bằng vấn đề sạt lở, sụt lún bởi nó diễn ra trong thời gian dài, xuyên suốt, âm ỉ và gây mất đất dần dần mà không có giải pháp công trình nào có thể ngăn được". Nhiều ý kiến cho rằng, việc "đói phù sa" đang diễn ra ở ĐBSCL không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đời sống dân sinh mà còn đe dọa sự tồn vong của vùng đất này.

 Lượng phù sa suy giảm sẽ làm chi phí sản xuất tăng cao, công sức người nông dân bỏ ra nhiều hơn trong khi năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản lại không được như mong muốn.

Liên quan đến tình trạng thiếu hụt phù sa ở ĐBSCL, theo Tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, nước mặn nhiều có thể nuôi tôm, nước ngọt nhiều thì trồng lúa nhưng nếu không có phù sa thì nông dân ĐBSCL "chết chắc". "Trong 3 thiên tai: thiếu nước ngọt, nước biển dâng và thiếu phù sa thì thiếu phù sa là nghiêm trọng nhất. Thiếu phù sa sẽ là "cái kết không có gì để đỡ". Đây lại là loại thiên tai mà người dân ĐBSCL chưa hề có kinh nghiệm ứng phó"- Tiến sĩ Dương Văn Ni lo ngại. Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng cần nhìn nhận đúng vị thế của ĐBSCL với vai trò là vựa lúa, thủy sản… đảm bảo an ninh lương thực thế giới. Từ đó, các nước cùng ngồi lại để tìm giải pháp phù hợp cho các vấn đề ĐBSCL đang đối mặt trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết