16/03/2020 - 07:44

ĐBSCL quyết liệt phòng, chống hạn, xâm nhập mặn 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2020 xâm nhập mặn (XNM) ở ĐBSCL đã xuất hiện sớm và gay gắt hơn so với mùa khô hạn năm 2015-2016, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng. Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng các địa phương trong vùng quyết liệt thực hiện các giải pháp ứng phó…

Lúa đông xuân muộn của người dân tại huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) không phát triển do thiếu nước, XNM. Ảnh: H.V

Hạn mặn gay gắt

Mùa khô năm 2019-2020, ĐBSCL đã chịu tác động gay gắt của 4 đợt hạn, XNM. Các đợt hạn, XNM từ ngày 12 đến 15-12-2019, từ ngày 6 đến 13-1-2020, từ ngày 8-2 đến 16-2-2020 với ranh mặn 4g/lít, xâm nhập sâu từ vài ki-lô-mét đến hàng chục
ki-lô-mét tại sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, vùng cửa sông Cửu Long và vùng ven biển Tây so với mùa khô năm 2015-2016. Những ngày đầu tháng 3-2020, tại các cửa sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, phạm vi XNM ảnh hưởng sâu nhất 100-110km; tại các cửa sông Cửu Long, phạm vi XNM ảnh hưởng sâu nhất khoảng 70-78km, sâu hơn 5-10km so với mức sâu nhất của năm 2016. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, XNM dự báo còn lên cao theo các kỳ triều cường, do các hồ chứa ở thượng nguồn chưa tăng lượng xả, XNM có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 4-2020.

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, cho biết: "Để chủ động phòng, chống ảnh hưởng của XNM, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố đề nghị các thành viên, UBND và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các quận, huyện tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó, tổ chức đo đạc, giám sát, cảnh báo XNM tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để hướng dẫn người dân lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt phù hợp. Đặc biệt, UBND quận Cái Răng thông tin đến người dân ở các phường có nguy cơ bị ảnh hưởng XNM không lấy nước vào lúc triều lên, chỉ lấy nước vào lúc nước ròng, thấp; tổ chức theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, XNM; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, đồng thời sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước… trong mùa khô hạn, XNM".

Giải pháp ứng phó

Theo Bộ NN&PTNT, toàn vùng ĐBSCL xuống giống lúa đông xuân 2019-2020 tổng cộng 1,54 triệu héc-ta, hiện đã thu hoạch khoảng 1 triệu héc-ta. Tuy nhiên, do ảnh hưởng hạn, XNM, toàn vùng có gần 39.000ha lúa vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 bị ảnh hưởng trên 30% năng suất. Trong đó, Bến Tre có khoảng 5.000ha diện tích lúa bị thiệt hại do xuống giống tự phát, không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Diện tích cây ăn trái hiện chưa bị ảnh hưởng của XNM do được bảo vệ của hệ thống đê bao, bờ bao. Tuy nhiên, nguồn nước ngọt được tích trữ phục vụ tưới tiêu đang dần cạn kiệt, nếu XNM kéo dài đến tháng 4 thì sẽ có nhiều diện tích bị ảnh hưởng do thiếu nước.

Ở huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) cũng có trên 2.000ha lúa đông xuân muộn bị mất trắng. Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Long Phú, cho biết: "Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con nông dân không nên sản xuất lúa đông xuân muộn, do tình trạng khô hạn, thiếu nước, XNM… Tuy nhiên, nhiều hộ dân thu hoạch sớm lúa đông xuân tranh thủ gieo sạ vụ đông xuân muộn, không theo kế hoạch, khuyến cáo của ngành. Do đó, hầu hết lúa đông xuân muộn trên địa bàn đều bị thiệt hại do khô hạn, thiếu nước và XNM…".

Người dân tại các xã vùng sâu của huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) lấy nước ngọt sinh hoạt và tưới cho vườn cây ăn trái bị khô hạn, thiếu nước. Ảnh: T.L

Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL theo dõi sát tình hình, cập nhật hằng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mekong và ĐBSCL; tổ chức đo đạc, theo dõi độ mặn ở các vùng cửa sông, cửa lấy nước vào công trình thủy lợi, nhằm thực hiện lấy nước vào thời điểm phù hợp; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán... Đối với nhu cầu nước sinh hoạt, các địa phương cần khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt phù hợp, kéo dài các đường ống từ nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt cấp cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng, lắp đặt thêm các vòi nước công cộng để cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng XNM sử dụng. Kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng; đầu tư vòi công cộng, bồn nhựa 10m3, túi nhựa dẻo 15-30m3 đặt tại điểm tập trung để cung cấp nước cho người dân khu vực chưa có công trình cấp nước…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, kiến nghị: "Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan phối hợp Bộ NN&PTNT hỗ trợ các địa phương tăng cường công tác phòng, chống hạn, thiếu nước, XNM theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ thiết bị lọc RO cho các nhà máy cấp nước tập trung để xử lý nước lợ, mặn cho các khu dân cư không có nguồn nước ngọt; trích nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương bị hạn hán, XNM để nạo vét kênh mương, đắp đập tạm, nối dài đường ống cấp nước sinh hoạt, khoan giếng, chi phí về điện, bơm tát nước...".

ĐBSCL hiện có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Cụ thể: tỉnh Sóc Trăng có 24.400 hộ, Cà Mau 20.100 hộ, Bến Tre 20.000 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ, Long An 7.900 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ (giảm 114.400 hộ so với mùa khô hạn năm 2015-2016). Các hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt các tỉnh: Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau… đang được các địa phương tăng cường giải pháp cấp nước: đấu nối đường ống dẫn nước sạch, khoan thêm cây nước ngầm, cung cấp thiết bị lọc nước mặn, lợ và chuẩn bị phương án huy động xe bồn lưu động chở nước ngọt đến cho khoảng 40.000 hộ dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, hải đảo.

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết