Bước vào mùa khô cùng với thời tiết có nhiều diễn biến thất thường, các tỉnh, thành ĐBSCL phải đối diện với tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất nông nghiệp. Trước thực trạng đó, các địa phương đã kiện toàn và nâng cao năng lực của các đơn vị chức năng phòng, chống thiên tai; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, tích cực triển khai nhiều giải pháp ứng phó với sự bất thường của thời tiết.
Chủ động ứng phó thiên tai
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, thiên tai đã làm thiệt hại 276 căn nhà của người dân; 1.775m đê sông, bờ bao bị tràn, sụt lún. Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh về phòng, chống thiên tai, tùy tình hình thực tế, các địa phương kịp thời xây dựng kế hoạch, đảm bảo đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; thành lập lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở 109/109 xã, phường, thị trấn,…
Công trình xây dựng cống Tân Phú, với tổng kinh phí đầu tư trên 175 tỉ đồng, hoàn thành, góp phần giúp tỉnh Bến Tre phòng chống xâm nhập mặn. Ảnh: vov.vn
Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cù Lao Dung, cho biết: Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn các xã, thị trấn thực hiện công tác chỉ huy tại chỗ từ giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả khi có triều cường xảy ra, theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” và trực ban 24/24 giờ. Ban tiếp nhận thông tin dự báo về tình hình triều cường của các kênh truyền thông chính thống cung cấp cho người dân để hộ dân kịp thời chủ động ứng phó.
Thực tế, để giúp người dân thích ứng an toàn trước các loại hình thiên tai, yên tâm sản xuất cải thiện đời sống, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng tập trung nguồn lực đầu tư các công trình ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bằng hệ thống đê, kè, cống, âu thuyền; nạo vét kênh, rạch tạo nguồn giữ nước.
Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai năm 2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bến Tre xếp hạng 19/63 tỉnh, thành cả nước và xếp hạng 5/13 khu vực ĐBSCL, với số điểm 75,15 điểm, cơ bản đạt yêu cầu theo Bộ chỉ số. Trong năm 2022 và 9 tháng năm 2023, tỉnh được Trung ương hỗ trợ 1.103 tỉ đồng (vốn ngân sách Trung ương), 642 tỉ đồng (vốn ODA) và 265 tỉ đồng (vốn ngân sách địa phương) để triển khai 41 công trình, dự án chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với mục tiêu phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tại tỉnh Kiên Giang, năm 2023, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 và số 2, nhiều địa phương trong tỉnh đã xảy ra mưa lớn, giông lốc khiến 1 người chết, 17 người bị thương, 459 căn nhà sập và tốc mái, 12 phương tiện tàu, thuyền bị chìm. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 16 tỉ đồng.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang đang áp dụng phần mềm WebGis cập nhật tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh xây dựng hệ thống cảnh báo để hỗ trợ đưa ra các quyết định ứng phó phòng, chống thiên tai với 8 trạm khí tượng thủy văn, 6 điểm đo mặn, 25 trạm đo mực nước kết hợp với đo mưa tự động, 8 trạm đo mưa tự động.
Triển khai nhiều giải pháp
UBND tỉnh Sóc Trăng đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai xem xét, xây dựng đề án mang tính tổng thể về ứng phó, khắc phục thiên tai cho từng khu vực vùng trũng, sạt lở trên địa bàn. Quan tâm, bố trí kinh phí để thực hiện các công trình bức xúc, xử lý sạt lở bờ sông Saintard (huyện Long Phú); xử lý khẩn cấp sạt lở nguy hiểm bờ sông Phụng An (huyện Kế Sách); cấp kinh phí xây dựng kè ly tâm bảo vệ bờ biển từ K39 đến K45 (thị xã Vĩnh Châu),…
Tỉnh Sóc Trăng tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động liên tục để kịp thời thông tin đến người dân về diễn biến xâm nhập mặn, độ mặn; quy hoạch xây dựng các vùng chuyên trồng lúa, rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy hải sản tập trung quy mô lớn để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đảm bảo thu nhập. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án xây dựng khu tái định cư để bố trí cho những hộ dân nằm trong vùng sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển vào ở; đầu tư đấu nối hệ thống đường ống dẫn nước đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, ven biển.
Trước tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, tỉnh Bến Tre kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí khoảng 1.160 tỉ đồng để đầu tư xây dựng 6 dự án cấp bách phòng, chống sạt lở. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh đề nghị các đơn vị chủ đầu tư có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước để kịp đưa vào khai thác, sử dụng trong mùa hạn mặn 2023-2024. Ngành hữu quan cần có phương án cung cấp nước ngọt khi xảy ra hạn mặn gay gắt, đảm bảo người dân có nước ngọt sử dụng. Các huyện rà soát lại máy RO, cần thiết nhờ cán bộ kỹ thuật hỗ trợ để hoạt động khi mặn diễn ra.
Tại Kiên Giang, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh tiếp tục dành hơn 1.220 tỉ đồng để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn gắn với phát triển kinh tế - xã hội; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu các ngành, địa phương chủ động dự báo, cảnh báo về diễn biến thời tiết, mưa bão, sạt lở để người dân nắm và chủ động phòng tránh. Những địa bàn thường hay xảy ra mưa giông, lốc xoáy cần triển khai các biện pháp ứng phó, đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão. Các cấp, ngành, chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
HỒNG ĐẠT (TTXVN)