Trong xu thế ngày nay, việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp xanh, sạch, giảm phát thải không chỉ là yêu cầu đáp ứng thị trường quốc tế mà còn là con đường sống còn để bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị cho người nông dân. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh, Net Zero trong ngành Nông nghiệp không thể chỉ dựa vào một cá nhân hay tổ chức mà cần nỗ lực chung của Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng các nhà khoa học và người nông dân.
Hành động
Theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngành Nông nghiệp mặc dù là bệ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, nhưng hiện lại chiếm hơn 30% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia, đặc biệt là từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phân bón hóa học và đốt rơm rạ. "Chỉ riêng sản xuất lúa nước đã chiếm 46% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp. Đây là một thách thức lớn, nhưng cũng mở ra cơ hội để ngành Nông nghiệp chuyển mình, trở thành lực lượng tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chính phủ đã phê duyệt nhiều chiến lược và đề án quan trọng, điển hình là Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" - một hình mẫu quốc tế về nông nghiệp carbon thấp. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn và phát thải carbon thấp" - ông Thành thông tin.
![ĐBSCL hướng đến nền nông nghiệp xanh - sạch - ít phát thải](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250207/images/8-1.webp)
Quản lý, chăm sóc vườn rau thủy canh thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh tại Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Vy, TP Cần Thơ.
Phân tích sâu hơn về tác động của Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", bà Huỳnh Kim Định, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL, cho biết: "Đề án nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, và hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL. Qua một năm thực hiện, từ kết quả mang lại của 7 mô hình thí điểm tại 5 tỉnh cho thấy, lợi nhuận cho người trồng lúa tăng từ 30-35%, tổng chi phí đầu vào giảm từ 10-15%, giảm lượng nước tưới 30-40%, giảm lượng phân đạm 30%, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật 25%, năng suất lúa tăng 10,5%…".
Hướng đến nền sản xuất nông nghiệp xanh - sạch - ít phát thải, nhiều địa phương đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: Tỉnh Trà Vinh hiện có 31.809ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm tỷ lệ 12,5%, bao gồm: diện tích sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động 10.029ha; ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh 21ha; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP và hữu cơ 10.279ha; nuôi thủy sản thâm canh và thâm canh mật độ cao 11.047ha; diện tích nuôi nghêu đạt chứng nhận quốc tế (ASC) 433ha… Việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả đáng kể, với các mô hình như nuôi cấy phôi và cấy mô thực vật nhân giống sạch bệnh (dừa sáp); phân bón nano; hệ thống quan trắc - ứng dụng điện toán đám mây; hệ thống tưới nước tự động; bẫy côn trùng thông minh phục vụ công tác dự tính, dự báo sâu bệnh...
Cần quyết tâm, giải pháp đồng bộ
Mặc dù có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả bước đầu, song tiến trình sản xuất nông nghiệp xanh - sạch - ít phát thải của ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn trong trong huy động vốn; diện tích nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; khó thay đổi tập quán canh tác truyền thống của người dân… Ông Huỳnh Minh Đường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: Tỉnh kỳ vọng thực hiện thành công đề án tổng thể xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Và để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế nông nghiệp xanh; chú ý huy động các nguồn lực từ xã hội, nhất là doanh nghiệp cho mục đích tăng trưởng xanh. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để học tập kinh nghiệm, tiếp cận nguồn tài chính và chuyển giao công nghệ. Tỉnh đặc biệt chú trọng thay đổi tư duy, nhận thức của doanh nghiệp và nông dân; tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng đồng bộ giải pháp phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành; lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, ĐBSCL cần quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, tuần hoàn nông nghiệp xanh, sinh thái thông qua hệ thống khuyến nông cộng đồng. Qua đó, phổ biến nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ, quy trình, quy chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất (tưới thông minh, tiết kiệm nước, nhật ký điện tử…) để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường…
Vấn đề tổ chức lại sản xuất cũng được đặt ra trong xu thế mới. "Tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất theo các loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết bền vững nhằm mở ra cơ hội ứng dụng khoa học công nghệ và sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm các nước để lựa chọn mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp; đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn đồng bộ hiện đại tạo nền tảng đẩy nhanh quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở từng địa phương" - ông Lê Văn Hẳn cho hay.
Có thể thấy, thực hiện nông nghiệp xanh, sạch, Net Zero giúp người sản xuất không chỉ tối ưu hóa tài nguyên, giảm phân bón, nước trong canh tác nông nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm chi phí đầu vào; mà còn giúp cải thiện hiệu suất, chất lượng sản phẩm. Song song với đó, doanh nghiệp sản xuất - thương mại đáp ứng được các tiêu chuẩn chung trong sản xuất, sản phẩm theo đúng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, nâng giá trị thương hiệu và mang về nguồn thu tương xứng.
Bài, ảnh: MỸ THANH