05/11/2012 - 20:51

TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ - KỸ THUẬT CẦN THƠ

Đầu tư nguồn lực để đáp ứng yêu cầu phát triển

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ. Ảnh: B.Ng

Năm 2012 được xem là năm tuyển sinh khó khăn đối với các cơ sở giáo dục cao đẳng - trung cấp - nghề, song với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (CĐ KT-KT) Cần Thơ, việc tuyển sinh khá thành công. Kết quả có được là nhờ sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo địa phương, việc đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, đầu tư nguồn lực của trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

* Đa dạng hóa ngành nghề đào tạo

Mặc dù năm học mới đã bắt đầu nhưng "dư âm" tuyển sinh năm 2012 ở Trường CĐ KT-KT Cần Thơ vẫn còn, thậm chí khá nhộn nhịp. Vào những ngày cuối tháng 10-2012, nhiều thí sinh ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL vẫn điện thoại liên tục đến cán bộ phụ trách tuyển sinh của trường để hỏi về chỉ tiêu, điều kiện xét tuyển năm 2012. Ông Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, cho biết: "Ngoài hệ chính quy, nhiều thí sinh còn quan tâm đến hệ vừa làm - vừa học của trường. Có thể nói, năm 2012, trường tuyển sinh khá thành công. Cụ thể, bậc cao đẳng, trường tuyển được 1.278 sinh viên cho 10 ngành, vượt chỉ tiêu 11,13%; bậc trung cấp là 1.420 học sinh ở 13 ngành, vượt chỉ tiêu 13,6%. Nguyên tắc xét tuyển là lấy kết quả từ cao xuống thấp nên nhiều thí sinh đạt trên điểm sàn cao đẳng nhưng vẫn bị loại". Qua thống kê của Phòng Đào tạo, kỳ tuyển sinh năm 2012, trường loại gần 3.000 hồ sơ có điểm xét tuyển trên điểm sàn cao đẳng và đủ điều kiện vào trung cấp.

Có thể nói, khoảng 3 năm trở lại đây, tình hình tuyển sinh ở trường CĐ KT-KT Cần Thơ khởi sắc rõ nét. Theo lãnh đạo nhà trường, có nhiều nguyên nhân giúp trường ổn định nguồn tuyển, như: trường công lập, có quá trình hình thành phát triển khá lâu, sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo địa phương... Song nguyên nhân chủ yếu, trường "bấm" trúng nhu cầu học tập của người dân. Năm 2012, trường mở 2 chuyên ngành mới: Quản trị tài nguyên môi trường và Quản trị kinh doanh quốc tế. Năm 2013, trường sẽ mở thêm 8 ngành, chuyên ngành mới bậc cao đẳng. Cụ thể, 5 ngành: Kinh doanh thương mại, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Dịch vụ thú y, Dịch vụ pháp lý, Kinh doanh nông nghiệp; 3 chuyên ngành: Quản lý tài nguyên môi trường (chuyên ngành của ngành Quản lý đất đai), Quản trị tài nguyên môi trường (chuyên ngành của ngành Quản trị kinh doanh), Bệnh học thủy sản (chuyên ngành của ngành Nuôi trồng thủy sản). Theo ông Huỳnh Ngọc Chinh, việc mở các ngành, chuyên ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở ĐBSCL. Để mở thêm ngành mới, lãnh đạo trường căn cứ vào nhu cầu xã hội, năng lực và chiến lược phát triển đào tạo của trường. Thực tế cho thấy, nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu ngày càng cao. Đào tạo chuyên sâu giúp nhà tuyển dụng thuận lợi trong việc tuyển chọn nhân viên. Ông Chinh nói: "Trong các ngành mới có ngành Dịch vụ pháp lý, là cơ sở để phát triển ngành đại học Luật trong tương lai, đúng theo định hướng phát triển chung của trường".

* Đổi mới căn bản toàn diện, nâng cao chất lượng

Trường CĐ KT-KT Cần Thơ (trước đây còn gọi Trường Canh Nông Thực hành Cần Thơ), có bề dày lịch sử 55 năm phát triển. Trong giai đoạn đầu thành lập (1957-1975), trường có trên 3.000 học viên và khoảng 100 cán bộ, giáo viên, đến nay, trường có hơn 6.200 học sinh, sinh viên, với gần 200 cán bộ, giáo viên (4 tiến sĩ, 117 thạc sĩ), đủ đáp ứng yêu cầu dạy và học. Ông Nguyễn Thành Long, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, nói: "Để nâng cao chất lượng đào tạo, những năm qua, lãnh đạo nhà trường luôn khuyến khích cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ. Trường tạo điều kiện về thời gian, bố trí lịch nghiên cứu, làm việc, giảng dạy hợp lý, hỗ trợ một phần kinh phí cho cán bộ đi học. Đồng thời, tranh thủ nguồn kinh phí đào tạo từ các chương trình, đề án của địa phương, trung ương, tạo điều kiện cho giảng viên học sau đại học...". Chuẩn bị cho bước phát triển mới, trường đã đưa 23 cán bộ đi học sau đại học trong và ngoài nước, 51 cán bộ trong diện qui hoạch đào tạo sau đại học trong năm 2013-2015.

Ngoài việc kiện toàn bộ máy tổ chức, lãnh đạo trường tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy. Hiện nay, trường đã đưa vào sử dụng các công trình như: thư viện điện tử, ký túc xá, nhà thi đấu đa năng; đầu tư mới các trang thiết bị cho các phòng học, nghiên cứu, hội thảo; nhờ vậy gần 100% phòng học đều có màn hình LCD, máy chiếu... Việc đầu tư, trang bị mới này nhằm phục vụ dạy, học và nghiên cứu khoa học cho sinh viên, giảng viên của trường; đồng thời góp phần phục vụ đào tạo theo học chế tín chỉ.

Theo ông Nguyễn Thành Long, sắp tới, trường sẽ từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở cơ sở 1 hiện có (khu hành chính), gồm: khu hiệu bộ- giảng đường- ký túc xá; đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở 2 (khu thực nghiệm) ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ để phục vụ cho việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng,... Ông Long nhấn mạnh: "Đi đôi với việc chuẩn bị nguồn lực, trường tiếp tục chuyển đổi hoàn toàn chương trình đào tạo sang học chế tín chỉ cho tất cả các ngành đào tạo; thực hiện tốt "3 công khai" (nguồn lực đầu tư, tài chính, cam kết chất lượng giáo dục). Những nỗ lực trên nhằm thực hiện tốt chủ điểm "Đổi mới căn bản và toàn diện để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục" của Bộ Giáo dục và Đào tạo".

Đ.NGỌC

Chia sẻ bài viết