06/02/2019 - 16:54

Dấu ấn xanh trên những vùng nông thôn mới 

Theo những chuyến công tác, bước chân tôi đã quen lắm với vùng quê ngoại thành, từ Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ đến Thới Lai. Ấy vậy mà mỗi lần trở lại, lòng không khỏi thêm phấn khởi, tự hào khi cảm nhận rõ sự chuyển mình của từng ngõ xóm. Nhiều miền quê khó khăn đã vươn mình trở thành những vùng trù phú, an lành. Và trong câu chuyện kể về quá trình xây dựng nông thôn mới đều có hình ảnh của nhiều bạn trẻ…

Anh Nguyễn Duy Linh – Bí thư Chi đoàn Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh hướng dẫn quy trình trồng lúa an toàn cho nông dân ở xã Thạnh Tiến.

Tiên phong làm kinh tế

Giữa trưa nắng, lão nông Trần Văn Chiến ở ấp Phụng Thạnh, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, vẫn miệt mài xịt thuốc. Vừa ngơi tay, chú cười hề hà, kể: “Ruộng nhà tôi chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, sản xuất lúa an toàn mà”. Trong câu chuyện của mình, ông Chiến hay nhắc đến anh Nguyễn Duy Linh - cán bộ kỹ thuật Trạm Thủy lợi, Bí thư Chi đoàn Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh.

Mô hình sản xuất lúa an toàn được anh Linh thử nghiệm từ cuối năm 2016 trên diện tích hơn 10.000m2 với nhiều giống lúa chất lượng cao. Suốt thời gian lúa sinh trưởng, anh chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giai đoạn đầu từ khi sạ đến khi lúa được 30 ngày tuổi và tuyệt đối không sử dụng chất cấm. Từ thời gian này đến ngày thu hoạch thì dùng hoàn toàn chế phẩm sinh học, nấm sinh học, phân bón hữu cơ để chăm sóc lúa. Anh lên mạng rồi tìm gặp trực tiếp các chuyên gia nông nghiệp để học hỏi thêm về quy trình trồng lúa an toàn. Sau 5 vụ áp dụng quy trình sản xuất lúa an toàn, ruộng lúa của anh Linh phát triển tốt, năng suất đạt 6-7 tấn/ha. Anh tự đầu tư máy xay xát lúa để bán gạo thương phẩm, với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg, riêng lúa tươi mua tại ruộng có giá bình quân 8.000 đồng/kg. Anh Linh chia sẻ: “Nói suông khó thuyết phục, bà con mình phải thấy mới làm theo”. Với suy nghĩ, cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới là cuộc sống người dân được nâng lên nên mục đích của anh Linh khi bắt tay vào thực hiện mô hình là để nhân rộng, chuyển giao kiến thức, quy trình cho bà con. Và đến nay, anh đã hướng dẫn quy trình sản xuất lúa an toàn cho 4 nông hộ ở xã Thạnh An, 4 gia đình thanh niên ở xã Vĩnh Trinh, Thạnh Mỹ và đón hàng chục đoàn nông dân, thanh niên đến tham quan học tập kinh nghiệm.

Cùng suy nghĩ trên, các cấp bộ Đoàn - Hội trên địa bàn huyện Thới Lai luôn khuyến khích và tích cực hỗ trợ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thực hiện các mô hình liên kết, hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh. Huyện hiện có hợp tác xã Quốc Noãn (phát triển nghề đan cần xé), tổ hợp tác nuôi cá thác lác cườm, chăn nuôi dê và nhiều mô hình trồng rau màu, cây ăn trái đạt hiệu quả cao.

Cầu Hy vọng 2  (cầu kênh Nhà vuông 2) ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ đưa vào sử dụng trong niềm vui của bà con và học sinh địa phương.

Anh Trần Bảo Thái, ở ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, chia sẻ: “Nghề nuôi dê ở địa phương đã có hơn hai chục năm qua nhưng các bạn chưa nắm vững kỹ thuật, không nhập các giống mới nên lợi nhuận không cao”. Hơn 8 năm qua, anh xây dựng hệ thống chuồng trại, nhập giống dê thuần chủng của Mỹ, Úc về nuôi, với quy mô từ 40 đến 50 con; rồi tự học cách cho dê sinh sản, bán con giống. Bình quân mỗi năm, anh xuất bán dê thịt và dê giống đạt lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Tháng 4-2017, anh Thái vận động thành lập tổ hợp tác nuôi dê với 8 thành viên. Tổ liên kết với các trang trại chăn nuôi dê ở khắp các tỉnh, thành Đông Nam bộ và ĐBSCL để học hỏi kinh nghiệm, giúp nhau tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Nhờ vậy, đàn dê của tổ đều được đảm bảo đầu ra, giá cả ổn định. Hiện nay, lợi nhuận từ nuôi dê mỗi thành viên của tổ ít nhất cũng đạt 40 triệu đồng/năm.

Xông xáo vì cộng đồng

Cuối năm, bà con ở ấp Thạnh Trung, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, hối hả góp sức để kịp hoàn thành 2 cây cầu bê tông trước Tết Nguyên đán. Đó là công trình cầu Tám Lê và Tiền Văn Tỏ với tổng trị giá hơn 1,1 tỉ đồng do Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Cần Thơ vận động Quỹ Hy vọng (Quỹ từ thiện do Tập đoàn FPT và báo Vnexpress thành lập) hỗ trợ và từ sự đóng góp của bà con địa phương.

Từ năm 2012 đến nay, tuổi trẻ thành phố đã tổ chức hơn 3.870 hoạt động hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới, riêng trong 2 đợt cao điểm thực hiện Tháng Thanh niên và Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, có hơn 2.200 đội hình thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng hạ tầng giao thông, phổ cập tin học, bảo vệ môi trường, khám bệnh và cấp phát thuốc cho người nghèo...

10 năm qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn thành phố đã hướng dẫn ĐVTN  lập và thực hiện được 5.046 dự án và giải ngân các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và các nguồn khác trên 300 tỉ đồng hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế.

Ông Lương Hồng Sinh, người dân ấp Thạnh Trung, vừa xúc từng mẻ hồ vừa hồ hởi khoe, tuyến đường bê tông trước nhà đã được Nhà nước đầu tư xây dựng, đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017. Nay được các bạn trẻ hỗ trợ bắc thêm 2 cây cầu kiên cố. Tết này con cháu ở xa chạy xe bon bon về quê sum vầy với gia đình, còn gì vui bằng. Ông cảm khái: “Nghĩ mà thương mấy cháu thanh niên, hằng ngày gác việc đồng áng, tình nguyện xây cầu, làm đường, rồi lo vận động bà con trồng hoa, làm hàng rào". Nghĩa tình của các bạn trẻ ngày càng lan tỏa, thôi thúc bà con chung tay góp sức. Người khá giả góp 5-7 triệu đồng, người khó khăn thì vài trăm ngàn đồng, nấu cơm, “tiếp nước” miễn phí hoặc góp ngày công lao động. Theo anh Võ Văn Tấn, Bí thư Xã đoàn Trung Hưng, từ sự đồng lòng của người dân, mỗi năm, tuổi trẻ xã thực hiện 5 công trình thanh niên, từ tham gia xây dựng hạ tầng, các công trình phúc lợi,… làm lợi cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Tháng 11-2018, xã Thới Hưng về đích trên chặng đường xây dựng nông thôn mới. Bí thư Xã đoàn Thới Hưng - Nguyễn Hoàng Nhiệm chia sẻ, Xã đoàn tập trung huy động các nguồn lực để bình quân mỗi năm thực hiện khoảng 10 công trình, phần việc thanh niên cấp cơ sở. Riêng năm 2018, ĐVTN xã thực hiện được 22 công trình, phần việc thanh niên, làm lợi cho cộng đồng trên 830 triệu đồng. Tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ còn được thể hiện qua những phần việc cụ thể: phát quang, vệ sinh môi trường, xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, lắp đặt đèn chiếu sáng công cộng.

Theo anh Lê Quốc Tuấn, Bí thư Huyện đoàn Cờ Đỏ, bình quân mỗi năm, tuổi trẻ huyện thực hiện ít nhất 20 công trình tham gia xây dựng nông thôn mới. Tuổi trẻ huyện cũng đã phát động đoàn viên đóng góp gây quỹ xây dựng cầu giao thông, mỗi năm đầu tư xây dựng ít nhất 1 cầu bê tông; trong đó, Huyện đoàn hỗ trợ từ 70 đến 120 triệu đồng. Giai đoạn 2008-2018, Huyện đoàn đã vận động xây dựng trên 110 cây cầu giao thông và 2.250 cột cờ cùng nhiều công trình góp phần giúp các địa phương hoàn thiện thiết chế văn hóa ở cơ sở. 

Anh Trần Bảo Thái ở ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, vận động thành lập tổ hợp tác nuôi dê, giúp thanh niên phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” còn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của lực lượng trí thức trẻ ở các trường đại học, cao đẳng. Hằng năm, có trên 140 đội hình tình nguyện về các địa bàn khó khăn trong và ngoài thành phố giúp các địa phương xây dựng nông thôn mới. Từng tham gia nhiều chiến dịch tình nguyện, Lê Hoàng Muông, sinh viên ngành Khoa học Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ, giúp bà con lắp đặt túi ủ biogas với mong muốn giúp bà con ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống...

*   *  *

Qua hơn 8 năm phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, dấu ấn màu áo xanh không chỉ là những con số, chỉ tiêu đạt được, mà còn là bầu nhiệt huyết, tinh thần khát khao cống hiến của tuổi trẻ. Dấu ấn ấy đậm nét hơn trong tiến trình phát triển của các địa phương và ngày càng lan tỏa, tạo khí thế sôi nổi.

Bài, ảnh: TÚ ANH

Chia sẻ bài viết